Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Đền thờ Bảo Nương, Ngọc Nương



  
Lễ tưởng niệm tại Đền thờ Bảo Nương, Ngọc Nương.-Ảnh: HG
Đền thờ hai công chúa Bảo Nương, Ngọc Nương trên đất Đa Mỗi, nay là Đa Mai, nằm cách đầu cầu đường sắt thành phố Bắc Giang chừng một trăm mét, bên hữu ngạn.
Tương truyền, Bảo Nương, Ngọc Nương là hai công chúa đời Trần, có công đánh giặc Nguyên - Mông thế kỷ thứ XIII.
Năm Giáp Thân - 1284, ở phía Bắc, bọn tướng giặc là Thoát Hoan hội quân các xứ tới năm mươi vạn tiến sang nước ta theo hai đường qua Chi Lăng, Lạng Sơn và Khả Lý, Lục Ngạn. Ở phía Nam, tướng giặc là Toa Đô cũng đã đem mấy chục vạn quân chiếm lấy Chiêm Thành, rồi từ Châu Ô, Châu Lý đánh ra. Ban đầu, giặc đông và mạnh.
Trên đất Bắc Giang, ngày 26 tháng Chạp năm đó giặc đánh vào ải Nội Bàng (bên cạnh thị trấn Chũ). Quân ta phải rút về Vạn Kiếp. Mồng 6 tháng Giêng năm Ất Dậu - 1285, quân giặc đã đến sông Thương. Ngày 12 tháng Giêng, giặc tiến sang vùng Vũ Ninh (Quế Võ), Đông Ngàn, Gia Lâm, uy hiếp kinh thành Thăng Long. Thời ấy, nước ta có một vị tướng thiên tài là Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Ông vừa điều binh khiển tướng, tìm mọi kế đánh giặc vừa phải phụng xa giá đưa vua đi phiêu dạt.
Từ tháng Tư - 1285 trở đi, quân ta mới phản công, liên tiếp có các trận thắng lớn: Trận Hàm Tử, ta phá tan quân Tây Đô, trận Chương Dương đã giành lại được kinh thành Thăng Long, đến trận Tây Kết, trận Vạn Kiếp thì giặc càng kinh hoàng, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng bắt quân lính đẩy về nước. Sau đó ba năm, Thoát Hoan lại cho quân sang. Hưng Đạo Vương đã lập trận, đại phá quân Nguyên trên sông Bạch Đằng lịch sử.
Theo sách ghi, thời ấy ý chí đánh giặc của dân ta rất cao, trong hội nghị bô lão ở điện Diên Hồng, hội nghị tướng lĩnh ở Bình Than, tất cả đều một lòng đánh giặc. Ra trận, trên cánh tay mọi người đều có hai chữ Sát Thát (giết giặc Thát, chữ Thát là âm đầu của Tartar, chỉ quân Nguyên - Mông). Đất nước ta trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Ngay các công chúa, quận chúa nhà Trần cũng tình nguyện ra trận giết giặc. Vào tháng Giêng tháng Hai năm ấy, các công chúa Bảo Nương, Ngọc Nương đã đến dòng sông Thương này, dùng thuyền mà dụ giặc, lại phối hợp với đội quân tài đánh "đặc công" dưới nước của Yết Kiêu, đã đánh đắm một số thuyền giết được viên tướng và nhiều tên giặc. Trong lúc loạn chiến, hai bà đã hy sinh.
Theo cuốn Lễ hội Bắc Giang thì làng Đa Mai thờ hai công chúa Bảo Nương, Ngọc Nương ở cả đình và đền, lại có tục "lễ động thổ" vào ngày mồng 6 tháng Giêng. Hôm đó, "ông lềnh trưởng (cai đám, thủ từ do dân bầu chọn) lấy cuốc,  cuốc một nhát xuống đất ở đình". Tục đó rất thiêng liêng, "sau đó ai làm gì mới được làm". Phải chăng đó là ngày dân làng làm một "hành cung" cho hai bà đến ở? Đến mồng 10 tháng Hai mới là ngày giỗ (về thời gian và hoàn cảnh có sự phù hợp với cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ II). Các giáp tề tựu đông đủ ở đình "trống giong cờ mở rước cỗ và kiệu từ đình ra đền, cách nhau chừng một cây số. Trên hai kiệu có bài vị của hai công chúa, uy nghi kính cẩn. Sau kiệu, lại rước thuyền, rước mái chèo biểu tượng cách đánh giặc và chiến công của hai bà. Hội lại có các trò chơi: Tục cướp cầu, tục đua thuyền (12 thuyền mành, mỗi thuyền 5 người, bốn chèo một lái)…
Ngưỡng mộ các bà, hiện trong đền có hai bức hoành phi: ĐỨC HẠNH THIÊN CỔ (Đức hạnh nghìn năm), THIÊN ĐỊA HỢP ĐỨC (Trời đất góp đức), và có hai đôi câu đối:
* Nhị trưng bắc phạt đồng thiên cổ
Tam đức đông lưu thử nhất tâm.
Nghĩa:
Đánh giặc phương bắc, hai bà theo tiếng gọi của non nước,
cùng muôn thuở
Bên dòng nước phía đông, ba đức ấy (đạo lý, điều thiện, điều ân), một lòng thôi.
* A Đông hệ xuất thần minh trụ
Giang Bắc danh truyền tiết nghĩa bi
Nghĩa:
Họ Trần, phận liễu yếu ra trận, sáng ngời công lớn
Bắc Giang, tiếng thơm truyền, gương tiết nghĩa khắc bia.
Đền Đa Mai đã trải qua nhiều phen binh lửa. Theo các cụ trong ban khánh tiết của đền, những chữ trong hoành phi, câu đối đều do một người làng đang làm công tác trong Viện Sử học căn cứ vào hồ sơ lưu trữ trong bảo tàng Viễn Đông bác cổ.
Duy Phi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét