Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Đền thờ An biên tướng quân Hoàng Lục


Theo “Cao Bằng thực lục” của Nguyễn Hữu Cung, Hoàng Lục sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân khá giả ở làng Lũng Đính, châu Thượng Lang. Năm 18 tuổi, ông được cử làm thổ tù. Ông là người có tính khảng khái, trọng nghĩa, luôn đem tài sản chia cho dân nghèo, vì vậy mọi người dân trong vùng đều quý trọng ông.
    Đền thờ An biên tướng quân Hoàng Lục
    Nhân dân tu sửa sân nền Đền thờ An biên tướng quân Hoàng Lục tại xóm Chí Choi, xã Đình Phong (Trùng Khánh). Ảnh: Bế Phương Mai
          Vào thời nhà Lý (khoảng năm 1053 - thời Lý Thái Tông), trong cuộc kháng chiến chống Tống xâm lược lần thứ nhất, Hoàng Lục phối hợp với Nùng Trí Cao chủ động đem quân đánh vào đất Tống, đột phá các châu: Châu Quý, Châu Uy, Châu Khang, Châu Đăng, Châu Ngô, Châu Đoan, Châu Hình, gây thiệt hại lớn cho quân Tống. Quân của Nùng Trí Cao và Hoàng Lục đi đến đâu đều được nhân dân ủng hộ. Khi rút về nước, Hoàng Lục tiếp tục chuẩn bị lương thực, lực lượng để đối phó với quân Tống. Đến năm 1076 (thời Lý Anh Tông), quân Tống lại tiến hành xâm lược Đại Việt lần thứ 2. Mục tiêu lần nay của chúng là phá vỡ phòng tuyến ở Quảng Nguyên. Quách Quỳ, một viên tướng của nhà Tống đánh giá: “Quảng Nguyên là cổ họng của Giao Chỉ, có binh pháp mạnh đóng ở đó. Nếu ta không đánh lấy trước thì khi ta đi sâu vào đất chúng, quân ta sẽ bị đánh cả ở mặt trước và mặt sau…”. Qua nhận định của tướng giặc Quách Quỳ thì trận đánh ở Quảng Nguyên có tính chất quyết định. Trấn giữ châu Quảng Nguyên lúc này là Lưu Kỷ - viên tướng có kinh nghiệm đánh trận vùng rừng núi đang nắm giữ khoảng 5.000 binh mã. Cuộc kháng chiến chống Tống diễn ra ác liệt từ năm 1076 - 1077. Quân Tống do phó tướng Yên Đạt chỉ huy đánh vào châu Quảng Nguyên đã gặp phải sự đánh trả quyết liệt của ta do Hoàng Lục và Lưu Kỷ chỉ huy. Theo lưu truyền trong dân gian thì chính khu vực đền thờ hiện nay là nơi Hoàng Lục lập trận địa để chặn bước tiến của quân xâm lược Tống. Dấu tích sót lại đến ngày nay là những ụ, thành đất hình chữ nhật, hình xoáy trôn ốc nằm rải rác dọc hai bên bờ sông Quây Sơn, cách đền khoảng 1 km.
            Hoàng Lục, có công lớn trong cuộc kháng chiến chống Tống xâm lược, được Triều đình nhà Lý phong chức An biên Tướng quân, thống lĩnh quân để bảo vệ biên giới. Sau khi ông mất, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ để tưởng nhớ công lao của ông. Năm 2004, UBND tỉnh Cao Bằng đã ra quyết định xếp hạng Di tích đền Hoàng Lục. Trải qua bao thăng trầm và biến cố lịch sử, việc xác định đền thờ Hoàng Lục được khởi dựng từ khi nào vẫn chưa rõ, nhưng kiến trúc còn lại của ngôi đền là hai gian nhà cấp 4 (kiểu chữ nhị) khá rộng với diện tích khoảng 100 m2; Vỉ kèo quá giang bằng gỗ, mái lập ngói âm dương, cửa đền quay ra hướng Nam. Theo các cụ cao niên kể lại, trước đây trong đền có tượng đồng, chuông đồng, nhưng các hiện vật này đã bị thất lạc. Giá trị còn lại của ngôi đền chính là ở chất liệu xây dựng. Đền được đắp trình tường bằng đất sét trộn mật mía rất công phu. Đến nay các bức tường vẫn còn vững chắc, đặc biệt còn lưu giữ được 4 sắc phong của triều Nguyễn.
            Trước đây, lễ hội đền Hoàng Lục được tổ chức mỗi năm hai lần (xuân thu nhị kỳ). Mùa xuân được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng âm lịch, từ tối 14, người dân trong vùng mổ lợn, dâng rượu, xôi.. cúng lễ. Chủ tế là người cao tuổi có uy tín trong vùng đứng ra đọc văn tế với nội dung ca ngợi công lao của Hoàng Lục, sau đó là cầu phúc lộc, cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống người dân yên lành. Sau đó diễn ra phần hội như tung còn, múa kỳ lân, hát giao duyên. Đến mùa thu, sau khi gặt hái xong, thóc lúa đã vào nhà thì dân làng lại chọn ngày tốt cùng mổ lợn, làm xôi để dâng lên đền tạ ơn.
            Sau một thời gian dài lễ hội đền Hoàng Lục bị mai một do nhiều lý do. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Nhà nước và chính quyền địa phương, lễ hội đền Hoàng Lục đã được khôi phục và người dân nơi đây đã lấy ngày 28/2 âm lịch  hằng năm để mở hội. Ngôi đền đã được trùng tu, tôn tạo khang trang hơn do công sức của người dân và những tấm lòng hảo tâm. Lễ hội Đền Hoàng Lục hằng năm thu hút đông đảo khách thập phương đến tham quan, trẩy hội.
    Mông Văn Bốn

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét