Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Đền thờ danh tướng Trần Khát Chân được trùng tu lớn


Trong các nhân vật lịch sử nổi tiếng triều Trần, Thượng tướng Trần Khát Chân là một trong những nhân vật gây được nhiều sự chú ý của sử học. Sau khi Trần Khát Chân mất, nhiều địa phương đã lập đền thờ ông. Hiện tại, đền thờ Thượng tướng Trần Khát Chân tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá đang được đầu tư trùng tu lớn với tổng kinh phí hơn 15,5 tỉ đồng.
Đền thờ Thượng tướng Trần Khát Chân
 
 
Kiến trúc của đền thờ Thượng tướng Trần Khát Chân (còn gọi là Nghè Hàng xã) thuộc làng Trung, xã Vĩnh Thịnh được xây dựng, trùng tu từ thời cuối Lê (thế kỷ 17-18). Vì đền xuống cấp nên Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư trọng điểm và coi đó là một hành động thiết thực hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Ngôi đền có giá trị đặc biệt về kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc trang trí, một di sản kiến trúc hiếm gặp trong kho tàng kiến trúc dân gian truyền thống của người Việt. Hai hạng mục kiến trúc chính của đền bao gồm: Tiền bái và Đại bái theo cấu trúc “tiền nhất hậu đinh” (Tiền bái hình chữ Nhất, tiếp đến là Đại bái hình chữ Đinh). Tòa Đại bái là kiến trúc gốc của ngôi đền, thể hiện rõ phong cách nghệ thuật thế kỷ 17. Tiền bái có niên đại Minh Mạng thứ nhất (1820).

Đền thờ Thượng tướng Trần Khát Chân thể hiện giá trị cao về nghệ thuật trang trí. Các mảng đề tài chạm khắc mang đậm chất dân gian,  tập trung vào các hình tượng: linh vật, con người, biểu tượng tự nhiên và cây cỏ được cách điệu thiêng hoá. Hình tượng rồng (mô típ chỉ xuất hiện ở những ngôi đền lớn) tại tòa Đại bái chiếm vai trò chủ đạo.

Các đề tài linh vật khác ngoài rồng mà ta bắt gặp ở đền Thượng tướng Trần Khát Chân như: hạc, chim, voi và thú nhỏ. Nhiều con thú như chồn, sóc với dáng vẻ sinh động đang leo trèo trên râu rồng, chầu rồng, hoặc lom khom như dáng người bò được chạm nhiều ở Trung đường và Hậu cung. Điểm đáng lưu ý là các con thú đều ngẩng mặt lên chầu rồng. Đây là trường hợp hiếm hoi vì thông thường vào thế kỷ 17 những con thú trong tư thế này hay ngoảnh mặt ra.

Hình tượng khá bạo mà ta bắt gặp ở đền Thượng tướng Trần Khát Chân là hai tiên nữ  mặc váy, đeo yếm ngồi trên đầu rồng. Hình tượng này xuất hiện trên cửa gian giữa cột cái ngoài toà Trung đường trên hai đố dọc. Các tiên nữ có ngực nở, bụng thon, mặc váy, có dải lụa dài thắt nơ ở trước bụng...

Ngoài giá trị đặc biệt về kiến trúc, điêu khắc đền Thượng tướng Trần Khát Chân còn lưu giữ được khá nhiều di vật có giá trị của thế kỷ 17 như: bài vị, sập thờ, hương án, sắc phong... 

 Thượng tướng Trần Khát Chân là người có công lớn trong việc bình định quân Chiêm vào xâm phạm Đại Việt vào tháng 10, năm 1389. Khi đó vua Trần Thuận Tông sai Tướng Hồ Quý Ly đem quân chống giữ nhưng thất bại nặng nề. Quân Chiêm tiến đến sông Hoàng Giang (thuộc Hà Nam ngày nay) và uy hiếp Thăng Long. Trước tình thế đó, Trần Khát Chân, một đô tướng trẻ tuổi, được trao trọng trách chống giặc... Bằng mưu cao kế hiểm, Thượng tướng Trần Khát Chân không những đánh tan hơn 100 thuyền chiến quân giặc mà còn giết được Vua Chiêm là Chế Bồng Nga...

Sau khi vua Trần Thuận Tông bị tể tướng Hồ Quý Ly sát hại và âm mưu giành ngôi của Thái tử Án thì mâu thuẫn giữa Thượng tướng Trần Khát Chân và Hồ Quý Ly xuất hiện. Mâu thuẫn bùng nổ khi tể tướng Hồ Quý Ly quyết định dời đô về Thanh Hóa. Trần Khát Chân cùng tâm phúc mưu trừ khử Tể tướng Hồ Quý Ly không thành và bị xử tử hình tại làng Hà Lương, Thanh Hóa...

Mai Huyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét