Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Đền thờ thần Độc Cước ở Việt Yên


Tượng thần Độc Cước trong đền thờ thần Độc Cước ở Việt Yên.
Tín ngưỡng thờ thần Độc Cước mang nhiều nét dân dã và mang hơi thở về ước vọng truyền đời của nhân dân lao động Việt Nam. Những điểm di tích thờ thần Độc Cước thường gắn với văn hoá miền biển và các vùng sông nước, nhưng nhiều khi thần Độc Cước cũng đi sâu vào vùng đồng bằng, trung du và các vùng văn hoá ven sông. Bắc Giang là tỉnh miền núi nhưng từ xa xưa cha ông ta đã có tín ngưỡng thờ thần Độc Cước trong các di tích đình, đền, chùa… Đền thờ thần Độc Cước ở xã Tiên Sơn, huyện Việt  Yên là một trong số ít điểm di tích thờ Ngài còn được bảo tồn ở tỉnh Bắc Giang.
Ngôi đền toạ lạc ở trên gò núi Lùn thuộc làng Thượng Lát, xã Tiên Sơn (Việt Yên). Đền Độc Cước nhìn về hướng Nam nơi có vực nước (được coi là rốn nước) của làng Thượng Lát khi mùa mưa tới và dòng sông Cầu chảy uốn lượn. Theo dân gian truyền lại, đền đã có từ lâu đời và đã được tu sửa, tôn tạo qua nhiều giai đoạn. Bình đồ kiến trúc ngôi đền hiện nay kiểu chữ đinh gồm tiền tế ba gian nhỏ nối hậu cung một gian. Phần liên kết các vì mái đền kiểu vì kèo, quá giang gác tường đơn giản. Trong hậu cung xây bệ thờ, trên bài trí đồ thờ tự và tượng thần Độc Cước cùng hai tượng võ quan hầu cận. Tượng Độc Cước không lớn, chỉ cao 30 cm, tượng được thể hiện dưới dạng võ tướng với một nửa người theo lối bổ dọc, nửa còn lại là mây cuộn vần vũ. Tượng lộ nửa người bên phải. Áo của tượng dưới dạng của một võ tướng còn được gọi là áo giáp nhẫn nhục, nhằm chống dục vọng để hướng tới việc hành đạo. Hằng năm vào ngày 15 tháng Giêng và ngày 12 tháng  chín nhân dân địa phương cúng lễ tôn thờ vị thần Độc Cước theo lệ cổ truyền.
Rõ ràng về nhận dạng, Ngài chỉ có một nửa người, theo các nhà nghiên cứu văn hoá, thường coi đó như một  biểu tượng nhận dạng của mặt trăng (trăng thượng tuần và trăng hạ tuần thường bị khuyết một nửa), nhưng tuỳ từng nơi mà chức năng của Ngài có khác nhau để thích ứng với yêu cầu của cuộc sống. Đền thờ thần Độc Cước ở Việt Yên, theo lời truyền lại, từ xa xưa vùng đất này vốn là nơi sơn cùng thuỷ tận, phía sau làng có dãy núi chùa Bổ Đà, núi Phượng Hoàng phía trước có dòng sông Cầu, khi mùa mưa tới nước từ phía thượng nguồn dồn về, các cánh đồng và một số xóm nhỏ thường bị ngập lụt, ngôi đền thờ thần Độc Cước du khách muốn vào thăm cũng phải đi thuyền khoảng gần 1km mới tới được. Theo các nhà nghiên cứu bước đầu nhận định tín ngưỡng thờ  thần Độc Cước ở Tiên Sơn (Việt Yên) cũng gắn với văn hoá vùng ven sông (sông Cầu) việc thờ thần Độc Cước là ước vọng ngàn đời của người dân cầu mong nhân dân không bị lụt lội, mùa màng bội thu, cuộc sống được bình yên.  Việc tôn thờ thần Độc Cước còn được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là một hiện tượng theo dòng di chuyển của các thương thuyền từ ngoài biển vào, cụ thể là các thương thuyền đem hải sản lên miền ngược rồi đem sản vật của rừng núi về xuôi và lưu thông đến mọi miền đất nước. Theo đó thì có thể văn hoá biển cũng được nhập vào các vùng đất liên quan, trong đó có vùng đất ven sông ở Tiên Sơn (Việt Yên) và các điểm khác nữa ở Bắc Giang mà hình tượng nổi bật là thần Độc Cước được tôn thờ trong các di tích.
Sẽ còn những nhận định khác nữa về vị thần này và rất cần những nhà nghiên cứu văn hoá quan tâm làm sáng tỏ hơn nữa tín ngưỡng thờ thần Độc Cước ở Tiên Sơn (Việt Yên) cũng như các điểm di tích thờ thần Độc Cước khác trên địa bàn toàn tỉnh.
Đồng Ngọc Dưỡng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét