Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Giá trị văn hóa đình Trung Đồng



  
Hát quan họ ở lễ hội đình Trung Đồng.
Làng Trung Đồng nằm ven lưu vực bờ Bắc của dòng sông Cầu thơ mộng uốn khúc chảy quanh và có dải núi Nham Biền mờ xanh án ngữ, ở vào vị trí chuyển tiếp giữa trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Di tích đình Trung Đồng thuộc thôn Trung Đồng, xã Vân Trung, huyện Việt Yên.
Nhìn bề ngoài đình Trung Đồng là một ngôi đình bình dị, cổ kính như nhiều ngôi đình ở các làng quê cổ truyền khác của xứ Kinh Bắc xưa. Đình được dựng trên một khu đất nằm ở trung tâm làng với cảnh quan đẹp. Trong di tích và dọc hai bên bờ ao có trồng nhiều cây lưu niệm quanh năm xanh tốt tạo cảnh quan và không gian thoáng đãng cho ngôi đình. Đình ngoảnh mặt theo hướng Đông Nam, từ xa trông về làng Trung Đồng chúng ta thấy toàn cảnh bức tranh thơ mộng của một làng quê trù phú, nổi bật lên là một ngôi đình cổ kính. Đình Trung Đồng có bình đồ kiến trúc kiểu "tiền chữ nhất, hậu chữ đinh" tổng thể gồm có cổng nghi môn, sân đình, tòa tiền đình và hậu cung.
Ao đình nằm ở phía trước cửa đình, có đường đi ba mặt vòng về nghi môn, hai bên bờ được trồng nhiều cây lưu niệm. Ao đình cũng là nơi tổ chức hát quan họ và trò chơi trong ngày hội. Nghi môn đình Trung Đồng được xây theo kiểu "nghi môn trụ biểu" gồm 3 cửa, một cửa chính được tạo bởi hai trụ biểu cao khoảng 5 m, đỉnh trụ cao khoảng 0,80 m, nghi môn được xây bằng gạch chỉ, phủ vữa, màu xanh nâu, trên các thân của các cột trụ biểu có các cặp câu đối màu đen được đắp khá cẩn thân, trau chuốt. Cửa nghi môn là công trình được xây dựng sau này, đây là sản phẩm của kiểu kiến trúc muộn, nên khi xây dựng đã được quy hoạch phù hợp với không gian, cảnh quan của ngôi đình.
Sân đình được làm ở phía trước, chạy bo quanh toàn bộ tòa đại đình và khu hậu cung. Qua khoảng sân rộng là đến tòa tiền tế. Tòa tiền tế to rộng gồm ba gian, hai chái, tạo dựng trên nền đất cao, được bó viả gạch chắc chắn, xây theo kiểu chồng diêm tám mái. Căn cứ vào văn tự Hán Nôm được ghi trên câu đầu được biết tòa tiền tế được xây dựng vào thời Nguyễn, năm Tự Đức thứ 13 (1860). Phía sau tiền tế là tòa đại đình và hậu cung… Phần liên kết độc đáo nhất của ngôi đình là hệ thống vì nách ở hai mái. Trung tâm đỡ lực ở hai chái là một kẻ góc có dáng hơi cong, từ cột góc của đình vươn ra ăn mộng vào các trụ trốn, trụ trốn nằm trên một thanh xà nối cột cái với cột quân, từ trụ trốn này các con rường nách cũng ăn mộng xuyên qua các cột quân và hệ thống các cột góc ở hai chái vươn ra đỡ hoành của hệ mái. Cột ở hai chái thấp hơn cột quân nhưng rất to khỏe để đỡ bảy hiên, vươn ra ngoài đỡ góc đao.
Nghệ thuật chạm khắc gỗ ở đình Trung Đồng rất đặc sắc, có dấu ấn tham gia xây dựng của nhiều hiệp thợ. Điều cuốn hút nhất ở đình Trung Đồng là phần trang trí trên các bộ phận kiến trúc như: trang trí trên đầu dư, đầu bảy, các bức cốn, ở các bức cửa võng... Kỹ thuật chạm khắc chủ yếu là chạm nổi, chạm bong kênh các đề tài tứ linh, tứ quý, hoa văn vân mây, hoa lá, sóng nước, với các biến thể của con rồng, nghê, phượng, mặt hổ phù, long hóa, ly hóa, vân mây, đao mác… Trên các con rường, kẻ, bẩy, các bức phù điêu… đều được chạm khắc rất tinh xảo.
Lễ hội đình Trung Đồng được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng (Âm lịch) hàng năm. Lễ hội nơi đây là điểm hội tụ những giá trị văn hóa của một làng quê cổ truyền, thông qua hoạt động của lễ hội có thể thấy được không gian văn hóa, lịch sử của làng xã vốn đã sầm uất nằm bên hạ lưu sông Cầu. Hội Trung Đồng thường tổ chức rước kiệu, lễ rước và đồ rước ở Trung Đồng còn khá đầy đủ và đẹp gồm: cờ lọng, chiêng, trống, kiệu, hương án, bằng sắc… Lễ hội là tổng thể của sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, phản ánh đời sống vật chất, tinh thần qua các trò diễn như: chọi gà, đấu vật, cờ tướng, hát quan họ… Với những giá trị tiêu biểu ấy, năm 2006, đình Trung Đồng đã được Nhà nước công nhận là di tích Kiến trúc - Nghệ thuật.
Thân Quang Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét