Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Hình tượng con rồng trong chạm khắc ở đình làng Bắc Giang


  
Bức chạm khắc gỗ hoạt cảnh người và rồng thế kỷ XVIII ở đình Phù Lão, xã Đào Mỹ (Lạng Giang). Ảnh: Phương Thảo
(BG)-Trong nghệ thuật chạm khắc đình làng ở Bắc Giang, hình tượng con rồng luôn được các nghệ nhân dân gian chú trọng thể hiện và làm nổi bật. Điều đó cho thấy hình tượng con rồng, cũng như ý thức, quan niệm của người xưa về rồng là không thể thiếu trong đời sống xã hội và đặc biệt là kiến trúc đình làng - một loại hình di sản văn hoá của người Việt.
Đình Phù Lão, xã Đào Mỹ (Lạng Giang)
Hệ thống bẩy: Tất cả 24 chiếc bẩy đều được trang trí và đều lấy rồng làm đề tài chính. Nhưng riêng những đầu bẩy ở gian giữa phía trước được chạm tỉ mỉ, công phu và mô tả nhiều cảnh sinh hoạt dân gian. Trên phần kẻ hiên giáp với thân cột con, có một người mặc áo dài, vạt áo bay toả về phía sau, nếp áo bay xuống mềm mại; ngang lưng một dải thắt lưng rủ xuống. Người này có vác một cây đàn trên vai, tay trái cầm chiếc cần đàn dài, tay phải vung mạnh về phía trước. Phía dưới người cầm đàn có một người đàn ông đội mũ vải ba múi, vành mũ cao. Người này tay trái gập lại giơ lên ngang đầu, tay phải đặt chéo trước ngực. Đằng sau có một người thứ ba mặc áo dài nẹp to để cho một con rồng luồn qua háng. Bên cạnh nhóm người này lại thấy một người phụ nữ mặc áo dài, mặt quay về hướng chính diện. Chân phải người đàn bà gập lại, chân trái chống lên. Tay phải đưa ra phía trước, tay trái giữ chặt đứa bé đang trực nhoài ra.
Ở một chiếc bẩy khác, nghệ sĩ chạm liền cả ván giong và bẩy thành một tác phẩm lớn. Nền của bức chạm vẫn là thân một con rồng cuồn cuộn lao ra phía mỏm bẩy. Phần ván giong chạm liền mảng với bẩy có một cảnh năm người. Trên râu của một con rồng có một cô gái ngồi nghiêng, hơi quay hướng ra phía chính diện. Trên cơ thể của cô không hề có xiêm y, chỉ có một làn tóc dài vắt từ đằng sau lên phía trước. Cả hai bàn tay đều đã bị gãy, nhưng nhìn động tác có thể đoán được rằng cô ta đang tết lại mớ tóc dài của mình. Ngay phía sau cô gái là một khung cảnh múa hát. Trên một dải mây vờn dưới chân cô gái, một cặp nam nữ đang nhảy múa.
Vào lòng đình, để ý đến bức cốn ở vi bên phải được chạm nhiều tầng lớp thứ tự từ trên xuống dưới như sau: Con giường đầu tiên chạm một con nghê, miệng há, chân đang gãi tai, cười rất ngộ nghĩnh. Trên con giường thứ hai chạm một con rồng quay về phía chính diện. Liền với nó, chiếc dép đỡ hoành được hoá thân thành một đầu rồng vươn ra trong không gian. Con giường thứ ba trung tâm là một đầu rồng lớn, quanh nó quấn quýt rất nhiều rồng con. Ăn liền với con giường thứ tư là ở gần sát góc mái xuất hiện một cô gái đang ngồi chân co chân duỗi ung dung trên mình rồng. Chiếc dép đỡ hoành của tầng này lại cũng được chạm hình rồng.
Kết thúc bức chạm ở tầng cuối cùng là những ngọn mây cụm đang toả về hai đầu với nhiều hình con rồng được chạm khắc rất công phu trên đó.
Đình Cao Thượng, xã Cao Thượng (Tân Yên)
Ở đình Cao Thượng, rồng cũng được tạo gắn với một cô thôn nữ ngồi trên mình rồng kẹp chặt thân rồng, người quay ra phía chính diện. Đầu đội chiếc mũ cánh sen, có đính hạt trang sức, cổ đeo vòng có tua vải xếp liền nhau. Mình cô vận áo dài, ngang lưng thắt bao, tà áo mở ra bay phấp phới. Tấm áo che kín một phần chiếc váy lụa mềm buông rủ kín bàn chân. Một hình ảnh về người phụ nữ khác được thấy ở bức cốn gian sau là hình một người phụ nữ bế con. Chân phải, chân trái gấp lại, tay trái buông xuôi, tay phải bế một đứa trẻ. Đứa bé con ngồi trong lòng mẹ, nhưng đang vươn đôi bàn tay xinh xắn nhoài về phía một người đàn ông. Người đàn ông đang ghé đầu bên cạnh vợ, dí dỏm, hồn nhiên. Còn gương mặt nhân hậu của  phụ nữ thì chứa chan hạnh phúc.
Đình Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên)
Phía dưới câu đầu, từ 8 cột cái, có 8 đầu dư nhô ra, 4 đầu dư gian giữa, có khối to dài, từng cặp đối diện nhau quay vào giữa. 8 đầu dư thực sự là tác phẩm chạm lộng hình rồng công phu. Đầu rồng ta vươn vào không gian, tóc và râu mép bay ngược về sau, râu cằm đan chéo quặt tới trước ngực. Chỉ riêng tạo ra đầu rồng, với những đường đục chạm phức tạp, cầu kỳ đã là cả một công trình. Thế vẫn chưa đủ, người nghệ sĩ dựng đình còn điểm thêm những con thú 4 chân, những cô gái múa lấp ló trong râu rồng. Thú và người ở tác phẩm này gắn với cái chung chặt chẽ, lại có không gian riêng rất hợp lý và thuận mắt.
Nổi trội hơn cả là bức chạm lớn bên trong đình ở xà ngoài chạm lộng hai con rồng lớn chầu một đầu rồng ta. Dưới chủ đề chính, được thêm vào mấy con rồng con nữa, ở đây lại cũng có mặt của những cô gái, một cô cưỡi rồng, một cô cưỡi mây. Đôi rồng chạm lộng ở gian giữa là phần chính của hệ thống ván nong này. Trang trí chạm nổi nhưng đã tạo được hiệu quả lớn cho việc gây cảm giác nhẹ nhõm của vì kèo. Cả 5 cô gái được miêu tả trên hai chiếc đầu là những cô gái đang trong tư thế biểu diễn một điệu múa. Tư thế ngồi có khác nhau, nhưng đều được thể hiện nửa thân trên quay phía chính diện, để cho ta thấy được khuôn mặt, nơi thể hiện được tâm hồn con người tập trung đầy đủ nhất. Các cô gái đều có khuôn mặt trái xoan, nét mặt say sưa, thiết tha, tóc búi trần hai bó ở trên đỉnh, hoặc chít một vành khăn vải mềm, hai tay để trần, tròn thon thả, một tay để xuống ngang vai, tay kia gấp lại đưa lên, bàn tay uốn cong mềm mại, cánh tay được đeo hai vòng, y phục của các cô gái đồng nhất với chiếc áo bó chẽn thân tựa như chiếc yếm cổ xây, dải thắt lưng tết búi trước bụng, rồi buông dải rủ xuống thiết tha. Chiếc váy dài đến mắt cá chân để lộ hai bàn chân trần gót son, tròn đẹp (hai tai đeo hoa tai chấm vai).
Đỗ Tuấn Khoa(Bảo tàng Bắc Giang)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét