Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

“Hỏa Thần từ” - nét linh thiêng thần lửa


Theo cuốn “Đường phố Hà Nội” của hai tác giả Nguyễn Vinh Phúc và Trần Huy Bá, trước đây “đền Hoả Thần (đền thờ thần Lửa) có một quả chuông to bằng đồng, hễ có hoả hoạn thì thỉnh chuông lên, kêu gọi người dân ứng cứu, Hoả thần nghe thấy sẽ về trừ hoả hoạn”. Ẩn mình trong khu phố cổ (Hàng Điếu, Hà Nội) , Đền Hỏa thần với nhiều truyền thuyết linh thiêng đã trở thành nơi bái tế, cầu vọng quốc thái, dân an, tránh hỏa hoạn của người dân kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội nay.
Đền Hỏa Thần
 
 
Kinh thành Thăng Long xưa có kiến trúc nhà cửa liền kề, xây dựng chủ yếu bằng vật liệu gỗ, tre, rất dễ cháy. Lịch sử đã ghi lại nhiều trận hỏa hoạn lớn, tiêu biểu là 3 trận hỏa hoạn đầu thời Trần; 7 trận cuối thời Trần (do giặc Chiêm Thành đốt phá Thăng Long); thời Nguyễn cũng thường xảy ra cháy lớn. Ước vọng tránh hỏa hoạn, cầu quốc thái, dân an vì lẽ đó đã ăn sâu vào tiềm thức người dân xứ kinh kỳ.

Đền thờ Hỏa thần được xây dựng từ năm Minh Mệnh thứ 19 (năm 1838), tại số 30 phố Hàng Điếu, phường Cửa Đông ngày nay. Hằng năm, vào hai ngày 28-3 và 28-9 (âm lịch) là ngày lễ lớn của đền Hỏa thần. Nhân dân trong vùng thường đến thắp hương, cầu thần Lửa phù hộ cho cuộc sống bình an và tự ý thức quản lý bếp núc, tránh để xảy ra hỏa hoạn. Theo lý giải của Đại đức Thích Minh Sơn, trụ trì chùa Cổ Kim kiêm quản lý đền Hỏa Thần, có lẽ những truyền thuyết linh thiêng của ngôi đền đã giao hòa đời sống tâm linh với cuộc sống đời thường, nên dân gian đã coi Hỏa thần như ông tổ nghề “Phòng cháy, chữa cháy”. 

Theo tấm bia “Hoả Thần miếu bi ký” còn lưu giữ tại đền, năm Minh Mệnh thứ 19 ngôi đền được xây dựng khá đơn giản ngoài Cửa Đông thành Hà Nội. Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), đền được trùng tu kiên cố; 7 năm sau xây thêm phương đình và tiền tế. Đền thờ chung Phật, thánh Mẫu và Thần lửa. Quy mô ngôi đền khá lớn đối với các di tích khu vực phố cổ, kiến trúc xây theo hình chữ “công”, gồm tiền tế, phương đình và cung cấm. Tiền tế là một nếp nhà ngang ba gian, trên cửa ra vào treo bức hoành phi “Hoả Thần từ” làm vào mùa xuân năm Giáp Tý, đời vua Tự Đức (tháng 2-1864). Tiếp theo là “Tọa phương đình” kiến trúc hình vuông, bốn mái lợp ngói mũi hài vút cong cánh nguyệt nằm trên bốn cột gỗ lớn, uy nghi. Trong cùng là cung cấm thờ Hỏa thần, cửa gỗ thiết kế theo kiểu “thượng song hạ bản”.

Từ xưa đến nay, hỏa hoạn luôn gây ra những thiệt hại khôn lường. Trong bốn thứ họa “thuỷ, hoả, đạo, tặc” (nước, lửa, trộm cướp và giặc), hiểm họa từ lửa được xếp thứ hai. Trên thế giới, nhiều nước cũng thờ thần lửa, như Trung Quốc thờ thần lửa Chúc Dung, thần thoại Hi Lạp có thần thợ rèn Hephaistos cũng được coi là thần lửa. Thuyết thờ thần lửa ở Việt Nam có 2 truyền thuyết “Nam Phương Xích Đế” và “Quang Hoa Mã Nguyên Suý”. Theo nhiều nhà nghiên cứu, đền Hỏa thần nghiêng về thuyết “Quang Hoa Mã Nguyên Suý” hơn vì chịu ảnh hưởng lớn tư tưởng Phật giáo.

Năm 1996 Đền Hỏa thần được công nhận di tích lịch sử - văn hóa. Với ý nghĩa, kiến trúc độc đáo, nhưng đền Hỏa Thần lại ít được người dân Hà Nội biết tới. Đại đức Thích Minh Sơn cho rằng, đây có lẽ là ngôi đền duy nhất trên cả nước thờ Thần Lửa. Hướng tới đại lễ 1.000 năm Thăng Long, quận Hoàn Kiếm sẽ di dời 6 hộ dân hiện đang mượn đất nhờ khuôn viên cổng đền, sớm trả lại cảnh quan cho “Hỏa thần từ”-một ngôi đền linh thiêng, độc đáo.
 
Hoàng Anh Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét