Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Huyền bí Phan Rang


Phan Rang là kinh đô Panduranga của Vương quốc Champa cổ. Những phế tích tháp Chăm mang đến sự hấp dẫn lạ thường. Nhưng  Phan Rang còn nhiều bí ẩn khác chưa biết đến bao giờ mới được khơi mở trọn vẹn.
Huyền bí Phan Rang
Biển Ninh Chữ cuối tháng 3.2012.
Ngày 4.8.1917, thị xã Phan Rang được thành lập theo đạo dụ của Vua Khải Định, triều Nguyễn ban hành. Đầu tháng 2.2007, thị xã Phan Rang-Tháp Chàm thuộc tỉnh Ninh Thuận, trở thành thành phố theo Nghị định của Chính phủ. TP.Phan Rang nằm trên giao điểm của 3 trục giao thông chiến lược là đường sắt Bắc Nam, quốc lộ 1A, đường số 27 lên Đà Lạt (Lâm Đồng), Đắk Lắk (Buôn Mê Thuột).
Đến với TP.Phan Rang là nghĩ ngay đến những ngôi đền tháp Chăm cổ huyền bí, là đến với bãi biển Ninh Chữ thơ mộng với hàng dương ken dày rợp mát, hay những ngôi chùa trên triền núi đá, và nằm chen trong những dãy phố... Ăn hải sản tươi sống vừa đánh bắt, nếm rượu vang nho, thưởng thức thịt cừu nướng...
Tháp Poklong Garai- chưa biết cách quảng bá
Tháp nằm trên núi Trầu, cách trung tâm TP.Phan Rang 5km, gần kế bên ga xe lửa Tháp Chàm. Theo truyền thuyết, tháp được vua Simhavarman III (Chế Mân) xây dựng vào thế kỷ 13 để thờ vua Poklaung Garai. Theo như văn tịch cổ để lại thì tháp gồm nhiều công trình lớn nhỏ, nhưng hiện tại chỉ có 3 ngôi tháp theo thứ tự: Tháp cổng, tháp nhà, tháp chính. Tháp chính, đẹp nhất, cao 21,59m, mỗi cạnh rộng 10m, tháp hình vuông, có một tầng, với nội thất hình chữ nhật theo hướng đông-tây, cửa mở hướng đông. Tháp đã được trùng tu nhiều lần từ năm 1981-1987...
Tháp Poklong Garai, với màu gạch nâu đỏ trầm mặc, những phù điêu các vị thần linh, hình vũ nữ Chăm chạm khắc trên các bức tường như đang cùng kể những câu chuyện huyền thoại bất tận về Vương quốc Chămpa cổ hàng ngàn năm trước. Bóng tháp in trên nền trời xanh biếc, trong bốn bề gió lộng và nắng đỏ màu mật như tăng thêm sự huyền bí của cả không gian nơi này.
Anh bảo vệ khu di tích cho hay vào  tháng 3, chớm hè, bắt đầu đông khách nội, kéo dài cho hết tháng 8. Những ngày cao điểm có khi lên tới vài nghìn người tham quan, còn thì lai rai từ vài chục đến vài trăm người. Sang đến tháng 9 cho đến tháng 2 năm sau thì phần lớn là khách nước ngoài, họ đi theo  tour của các công ty lữ hành trong nước, gần như không có khách Việt. Vé vào tham quan cũng không cao, giá đồng hạng 10.000 đồng/lượt.
Có một điều, quan sát sau 2 lần đến đây (tháng 12.2011 và tháng 3.2012), tôi thấy phần lớn khách cả ta lẫn ngoại đều chỉ tham quan tháp rồi đi một mạch ra cửa về, rất ít ai ghé lại khu trưng bày một số di vật được tìm thấy trong tháp qua các đợt trùng tu, nơi bán hàng lưu niệm, triển lãm ảnh nghệ thuật về sinh hoạt cộng đồng người Chăm. Tôi ghé qua xem thử, thì phần trưng bày các hiện vật cổ của tháp rất nghèo nàn, thô sơ, ít chú giải rõ ràng, và không có hiện vật nào thật ấn tượng.
Gian trưng bày nét nghệ thuật đặc trưng của người Chăm qua trang phục, hoa văn... cũng rất thô mộc, hàng lưu niệm ít ỏi về cả số lượng và sự phong phú hiện vật. Phần lớn là không phải của Ninh Thuận, ngoại trừ sản phẩm gốm Bàu Trúc (nhưng giá lại rất cao so với giá gốc mua tại làng), ít hàng thổ cẩm (nhưng không chắc là do người Chăm - Ninh Thuận dệt, và giá cũng rất cao). Ảnh nghệ thuật thì rất ít tác phẩm có giá trị, mà chỉ là hình ảnh mang tính giới thiệu, minh họa.
Cũng khá lạ, nếu khách đi theo đoàn, thì có hướng dẫn viên du lịch giới thiệu lịch sử tháp, một ít phong tục văn hóa người Chăm, còn khách đi lẻ thì chỉ biết ngắm, chụp vài ảnh lưu niệm và ra về. Tại tháp không có người thuyết minh (ngoại trừ tấm bảng ngay cổng lên tháp in bằng 2 thứ tiếng Việt- Anh, vài thông tin về niên đại, kiến trúc của tháp), và khách tự tìm hiểu nếu tò mò muốn biết thông tin về tháp.
Và một điều mà tôi thấy tiếc cho nơi này, cho dù có thu tiền phí tham quan, nhưng sao không trích ra để in một catalogue nhỏ giới thiệu về lịch sử của tháp cũng như vài dòng về Vương quốc Chămpa, văn hóa người Chăm? Để khách đến nơi này, ra về mang theo một vài khám phá về những huyền bí của tháp Chăm, để tăng thêm phần thích thú, để có thể lại quay lại khám phá thêm một lần nữa.

Chợ Phan Rang. Ảnh: Việt Văn

Bãi biển Ninh Chữ: làm du lịch chưa chuyên nghiệp!
Cách trung tâm TP.Phan Rang chừng 5km, thuộc xã Khánh Hải, Ninh Hải, bãi biển Ninh Chữ có chiều dài trên 10km, bờ cát phẳng, mịn, vàng nhạt, với những vòng cung uốn lượn dưới rặng dương (phi lao) dày rợp bóng mát, qua các núi Đá Chồng, Tân An, Cà Đú... Từ Ninh Chữ, khách du lịch có thể đến thôn Tri Thủy nằm ven cửa biển nhỏ.
Tại đây có những cảnh núi và biển nằm cạnh bên nhau, tạo nên những cảnh đẹp vừa hoang sơ vừa kỳ thú. Núi không um tùm cây cỏ mà có dáng dấp như các hòn non bộ, cao thấp khác nhau, màu xám trắng, chen giữa lơ thơ cây lá. Trên sườn núi là vài ngôi cổ tự thâm nghiêm, u tịch, vài xóm nhà ngói lưa thưa. Đi một chút nữa là đến bãi biển hoang, cũng xanh mát rừng dương với những tảng đá hình thù kỳ dị, nằm chơ vơ trên cát, sóng ở đây gần như rất êm, tạo một không gian tuyệt đối yên tĩnh, vắng vẻ và thơ mộng.
Đặc biệt ở Ninh Chữ, có những vườn nho xanh, tím trĩu quả. Có lẽ nắng gió Phan Rang đã tạo cho nho vùng này độ ngọt gắt, nhưng lại giảm nhanh cái khô khát háo nước sau khi tắm biển, hay thưởng thức các món hải sản. Và cũng như để thêm vị, rượu vang nho Ninh Thuận là thức uống giải khát khá hấp dẫn.
Nhưng, vẫn lại là một đòi hỏi chính đáng về một sự chuyên nghiệp trong  du lịch biển. Đến Ninh Chữ, chỉ đơn thuần tắm biển, ăn hải sản, và đi dạo ngắm cảnh đẹp, nghe tiếng sóng, hóng gió mát. Ngoài ra, trên biển, trên bãi cát đẹp như mơ đó không có sản phẩm hay loại hình du lịch nào.
Như những trò lướt ván, dù lượn, lặn biển, hay các chuyến cano mini đưa khách ngắm bờ biển từ phía ngoài biển, hay thú vị hơn là tổ chức cho khách xuống những thuyền thúng đi câu mực, câu cá...Rượu vang nho của Ninh Thuận thì hình như chỉ có ở Ninh Thuận, không thấy ở bất kỳ đâu. Nói chung là sản phẩm du lịch ở nơi này quá nghèo, trong khi tiềm năng thì “bất tận”.
Thành phố Phan Rang - ít người dừng chân
Không hiểu sao TP.Phan Rang lại có rất nhiều quán café, mà phần lớn quán bề thế, rộng, thoáng, vừa nhiều cây hoa cảnh, vừa trang trí bắt mắt, dù nơi này không phải là vùng trồng café, và cư dân cũng không phải là nhiều, chưa tới 200.000 dân.
Vậy mà quán nào tối đến cũng đắt khách ra vô tấp nập. Vào thử một quán kiểu sân vườn, cũng không có gì quá đặc biệt  khác lạ, như càphê của tất cả các quán khác từ Bắc vào Nam, vẫn bấy nhiêu thức uống như mặc định của các café quán, giá cũng “mềm” không như café phố lớn tỉnh lớn, và có khác chăng là những bản nhạc, nghe chỉ buồn cười vì lời lẽ ngây ngô, sến sẩm, cứ được “tua” đi “tua” lại. Hỏi chủ quán, sao nghe mãi một bài không đổi, chủ quán biết khách lạ, nên thật tình: “Ui chao, nghe nhiều bài, hắn ngồi miết, bán ai. Nghe một bài hắn ngồi một lát, chán, về, có chỗ người khác vô...”
Chợ Phan Rang cũng y hệt các ngôi chợ của các tỉnh thành khác, chẳng thiếu thức gì của ba miền. Không có nét riêng nào của chợ. Ghé vào những gian hàng bán đồ lưu niệm, một sự thật buồn, không có bất cứ thứ gì gọi là “made in Ninh Thuận”, hay “made in Phan Rang-Thap Cham”.
Đồ lưu niệm có xuất xứ ngoại tỉnh, ngoại lai tràn ngập, muốn tìm một vật gì mang dấu ấn của Ninh Thuận hay Phan Rang thật khó (trừ gốm Bàu Trúc), nhưng loại này chỉ bán tại làng, không đủ bán đại trà ngoài chợ. Câu hỏi “Ninh Thuận có gì”, thật sự khó trả lời, ngoài mấy “đặc sản” trời cho: Nắng, gió, biển, sông, núi...
Và nếu như đã vào TP.Phan Rang, nên ghé qua con đường 16.4, để ngắm quảng trưòng 16.4 (ngày kỷ niệm giải phóng Ninh Thuận 16.4.1975). Quảng trường mênh mông, các phù điêu, tượng đài hoành tráng, nhưng không gian khá tĩnh lặng, người thưa thớt, trưa thì “nắng như rang”, chiều tối xuống thì “gió như phang”, cây cối ít, chẳng có gì để ngắm, hay để ngồi thư giãn như ở một công viên.
Và đó có thể là một trong nhiều lý do ít người chịu dừng chân ở thành phố này.
Việt Dũng

Nàng tiên cá ngủ quên bên bờ biển

Với khí hậu đặc thù, các nhà địa lý học gọi Ninh Thuận là “vùng sa thảo độc nhất Đông Nam Á Châu, nằm trong cụm du lịch quốc gia thuộc tam giác Đà Lạt - Nha Trang - Phan Rang.
Nàng tiên cá ngủ quên bên bờ biển
Tháp Chăm - vẻ đẹp chưa được quảng bá bài bản. Ảnh: Việt Văn
Những huyền bí còn ẩn giấu của kinh đô Panduranga  thuộc Vương quốc Champa cổ, những bãi biển xanh ngọc bích, cát trắng mịn, nắng vàng quanh năm, những động cát, vườn nho,  và những làng người Chăm, người Raglai... , có từ hàng ngàn năm trước, là những khám phá bất tận ở Ninh Thuận.

Ninh Thuận là một tỉnh duyên hải thuộc vùng Nam Trung Bộ, được bao bọc bởi ba mặt núi và một mặt biển, còn được ví von là miền Viễn Tây của Việt Nam. Ninh Thuận là một bức tranh hài hoà giữa đồng bằng, đồi núi, sông suối và biển. Nằm trong khu vực có vùng khô hạn nhất nước, khí hậu nhiệt đới gió mùa với các đặc trưng là khô nóng, gió nhiều, không có mùa đông.
Nhiệt độ trung bình năm 27ºC, lượng mưa trung bình 705mm và tăng dần theo độ cao lên đến 1.100mm ở vùng miền núi. Một năm ở đây có 2 mùa: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 và mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Đây lại là một trong những địa bàn sinh sống của người Việt cổ, đặc biệt là nền văn hoá Chămpa. Chính những đặc thù này đã mang đến Ninh Thuận nhiều tiềm năng du lịch độc đáo.
Tiềm năng du lịch bất tận...
Nằm trong cụm du lịch quốc gia thuộc tam giác Đà Lạt - Nha Trang - Phan Rang, toàn cảnh Ninh Thuận là một miền duyên hải có núi chiếm 63,2% tổng diện tích tự nhiên, vùng gò đồi chiếm 15,4% và đồng bằng là 22,4%, có nhiều sông, suối, lớn nhất là sông Cái (sông Dinh), các phụ lưu là sông Mê Lam, sông Sắt, sông Ông, sông Chá, sông Lu và sông Quao, còn có một số sông khác như sông Trâu, sông Quán Thẻ, sông Bà Râu, bờ biển dài với những bãi cát trắng mịn... 
Tất cả tạo nên một Ninh Thuận với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như các bãi biển Cà Ná, Ninh Chữ, Vĩnh Hy, đèo Ngoạn Mục, núi Chúa, núi Đá Trắng, bẫy đá Pi Năng Tắc, động (đồi) cát Nam Cương, thác Sakai, thác Kiềng Kiềng...
Ninh Thuận là một vùng đất cổ, với nhiều tầng văn hoá của nhiều dân tộc, hiện tại có khoảng 34 dân tộc sinh sống trong tỉnh, nhiều nhất là người Việt, tiếp đến là ngừoi Chăm, Raglai. Đây là vùng đất nổi tiếng nhất của nền văn hoá Sa Huỳnh cách đây 2500 ở  khu di chỉ khảo cổ Nhơn Hải, với nhiều di tích như mộ cổ cùng các đồ đá, đồ sắt của người Việt cổ.
Ninh Thuận còn là nơi gìn giữ được nhiều di sản quý báu của nền văn hoá Chămpa, như chữ viết, dân ca và nghệ thuật múa, trang phục và nghề dệt thổ cẩm, nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, hiện toàn tỉnh có hơn 20 làng người Chăm, trong đó có những làng vẫn duy trì các tập quán cổ xưa, chế độ mẫu hệ, từ hàng ngàn năm trước.
Đến nay, người Chăm vẫn giữ các nghi lễ như: lễ khai mương, đắp đê, lễ chặn đầu nguồn sông, lễ mừng lúa non, lễ xuống gặt, lễ mừng cơm mới... thường được gọi là lễ Katê, lễ Cha Bun, lễ Rija Nưga, lễ Jòn Jang...  Đặc biệt một bộ phận người Chăm vẫn sống bằng nghề đánh cá, mà tục thờ cá voi ở tất cả các tỉnh ven biển ngày nay, chính là bắt nguồn từ tín ngưỡng của người Chăm.
Là đất của Vương quốc Champa, nên Ninh Thuận có gần như còn nguyên vẹn hệ thống tháp Chăm xây dựng trong nhiều thế kỷ trước, tiêu biểu là cụm tháp Hòa Lai (Ba Tháp)  xây dựng ở thế kỷ thứ 9, cụm tháp Po Klong Garai, thế kỷ 13 và cụm tháp Po Rome, thế kỷ 17, hầu như còn nguyên vẹn.
Hay một ngôi làng cổ với nghề gốm thủ công Bàu Trúc, như một bảo tàng sống, với những nghệ nhân theo chế độ mẫu hệ truyền từ đời này sang đời khác nặn gốm, thổi hồn Chăm vào gốm, tạo nên những món đồ gia dụng hay trang trí bằng gốm mang cả sự tích của Vương quốc Chămpa cổ xưa vào từng vật phẩm. Không chỉ gốm, Ninh Thuận còn nổi tiếng với một nghề “cổ”, làm muối.
Muối Ninh Thuận không chỉ là đặc sản bởi độ tinh khiết  mà những làng làm muối cũng là một điểm đến cho khách du lịch tham quan, từ lúc dẫn nước biển vào từng ô ruộng, rồi qua mấy nắng, mà đóng muối từng mảng trắng lấp lánh dưới nắng, tiếp đến những công đoạn thu hoạch thành phẩm “trời cho” như cào muối vun từng ụ nhỏ, đổ vào xe cút-kít, chuyển sang ụ lớn...
Không chỉ nắng, gió đã được “dân gian hoá” - Nắng như phang, gió như rang (Phan Rang), biển xanh, cát trắng, và các lễ hội tưng bừng đầy màu sắc của người Chăm, người Raglai, Ninh Thuận còn nổi tiếng với những đặc sản rất đặc trưng như: Ngoài các loại hải sản tôm cua cá, là nho xanh nho tím không hạt ngọt gắt để ăn tươi và làm rượu vang nho giải khát, là thịt cừu, thịt dê 7 món chỉ có ở Ninh Thuận mới có... Và có lẽ cũng không ai có thể quên được mùi nước mắm nhĩ của vùng này...
...vẫn chưa được đánh thức
Những tiềm năng du lịch của Ninh Thuận thật sự là của “trời cho” và như là “vốn liếng” giàu có để phát triển kinh tế biển của vùng này. Nhưng có lẽ do nhiều lý do, trong đó việc tách - nhập - tách tỉnh tính từ năm 1975 đến nay cũng làm xáo trộn cho việc định hình và lên những dự án chiến lược phát triển tỉnh, nằm trong tổng thể chung về kinh tế biển của quốc gia.
Riêng với du lịch, có thể ví Ninh Thuận như một nàng tiên cá diễm lệ vẫn say trong giấc ngủ. Du khách đến Ninh Thuận như một chỗ ghé qua trên chặng đường Nha Trang - Mũi Né (Bình Thuận), hay Nha Trang- Đà Lạt, nếu nhiều thời gian thì ghé tắm biển một buổi ở Ninh Chữ, Vĩnh Hy, nếu ít thời gian thì đi ngang thành phố Phan Rang, ghé tham quan Tháp Chăm Po Klong Garai.
Những làng gốm cổ Bàu Trúc, làng ngưòi Chăm Tuấn Tú - Ninh Phước, hay làng muối Khánh  Tường - Ninh Hải, làng cá Mỹ Tân, đàn cừu thôn Nhị Ha - TP.Phan Rang, những vườn nho trĩu quả ở Ninh Chữ...  có lẽ chỉ lướt qua cửa kính xe trên hành trình tới các vùng biển khác như Mũi Né, Nha Trang, hay cao nguyên Đà Lạt...
Sản phẩm du lịch của Ninh Thuận còn quá nghèo nàn, nên khó mà hấp dẫn du khách đến đây, để có thể phát triển ngành “công nghiệp không khói” nhiều tiềm năng lợi nhuận. Ngay như ở trung tâm TP.Phan Rang, gần như khó tìm thấy một địa chỉ của các văn phòng “tour” du lịch, hay công ty lữ hành.
Không thấy những tờ rơi quảng bá cho du lịch tỉnh hay các công ty du lịch, cũng như không thấy bất kỳ tờ rơi nào quảng bá cho những địa điểm danh lam thắng cảnh của Ninh Thuận... Các khách sạn làm tour chỉ là manh mún, nhỏ lẻ cho khách của mình, không có một sự liên kết, và chưa đưa ra một sản phẩm khép kín trong hành trình tham quan Ninh Thuận, tắm biển, thưởng thức đặc sản...  
Không có cả bến xe chính thức cho khách, nếu muốn ghé lại Ninh Thuận tham quan, vì phải xuống xe hay đón xe một cách “bị động” ở một quãng đường quốc lộ, còn gọi là “Ngã năm Phan Rang”, để muốn đến Ninh Thuận hay rời khỏi. Điều đó cũng làm “chùn chân” du khách, nếu như không phải đi theo đoàn tour.
Những địa chỉ “nổi tiếng” ở Ninh Thuận như làng gốm cổ Bàu Trúc, cho dù đã được quan tâm khôi phục từ năm 2009, đến nay vẫn chỉ là từng nhà làm gốm, đợi các đoàn khách du lịch đến xem như một chặng ghé qua “xem cho biết”, mua vài món lưu niệm, gốm Bàu Trúc vẫn chỉ quẩn quanh trong làng, không có một website riêng để quảng bá, mà ngay cả nghệ nhân cũng không có website để quảng bá riêng cho sản phẩm của mình.
Nho và rượu vang nho của Ninh Thuận đã được biết đến nhiều năm, nhưng nó cũng chỉ “thịnh” ở trong tỉnh, không vươn ra được ngay cả các  tỉnh “láng giềng” là Nha Trang, Bình Thuận. Cũng là những “xí nghiệp” tại gia, vừa làm vừa bán sản phẩm một cách thủ công nhỏ lẻ, chưa có một quy hoạch nào lớn, dự án nào lớn để tạo một thị trường lớn với sản phẩm rượu vang nho Ninh Thuận chất lượng cao, như một đặc sản- sản phẩm du lịch Ninh Thuận.
Muối Ninh Thuận đã “lay động” được một người Nga, họ lập một xí nghiệp lớn khá nổi tiếng ở Ninh Hải, gần kề với làng muối Khánh Tường, và có không ít khách Nga tới tham quan những ruộng muối của người Nga đó. Nhưng kề sát bên, là làng muối Khánh Tường có từ xa xưa, phong cảnh sơn- thủy hữu tình, thì chỉ diêm dân ngắm nhau, không có khách nào đến tham quan. Phải chăng người Nga giỏi “tính” hơn trong việc khai thác nghề “phơi nước” làm giàu?
Bao giờ Ninh Thuận là điểm đến?
Câu hỏi này có lẽ không chỉ dành riêng cho các nhà hoạch định chiến lược du lịch quốc gia, hay những nhà kinh tế học đang nghiện cứu chiến lược kinh tế biển của Việt Nam, mà còn là cho các cấp lãnh đạo của tỉnh Ninh Thuận, ngành văn hoá, du lịch tỉnh, các nhà đầu tư...  Đồng thời cũng cần phải kết hợp với những người dân sở tại, tạo điều kiện cho họ để có được những thuận lợi quảng bá các sản phẩm của mình phục vụ cho ngành du lịch tỉnh.
Muốn thu hút khách du lịch đến với tỉnh, trước mắt phải xây dựng hạ tầng cơ sở tốt làm nền cho ngành du lịch phát triển. Không chỉ mạng lưới khách sạn, nhà hàng đạt chuẩn, còn phải tạo nên những chiến dịch truyền thông quảng bá các sản phẩm du lịch của tỉnh, sao cho khách nghe tới Ninh Thuận là nghĩ đến một điểm đến có nhiều sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, đáp ứng những nhu cầu tham quan, thưởng thức, vui chơi, giải trí,  nghỉ ngơi của khách du lịch.
Ninh Thuận giàu tiềm năng du lịch, nhưng vẫn chỉ là tiềm ẩn, như một nàng tiên cá vẫn đang ngủ say. Có lẽ cần phải có một hoàng tử năng động đánh thức nàng dậy, để Ninh Thuận trở thành điểm đến trong bản đồ du lịch Việt Nam, không chỉ với khách trong nước mà cả với khách du lịch quốc tế.
Ninh Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, diện tích tự nhiên 3.360km2, có thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, 6 huyện: Ninh Sơn, Bác Ái, Ninh Hải, Thuận Bắc, Ninh Phước và Thuận Nam; cách TPHCM  350km, cách Phan Thiết 150km về phía nam, cách sân bay quốc tế Cam Ranh 50km về phía bắc, cách thành phố Đà Lạt 110km về phía Tây. Dân số gần 600.000 người, chủ yếu là người Kinh (chiếm 78% dân số) tiếp đến là người Chăm (12% dân số), Raglai, Hoa, Kơ-ho, Chu-ru, Nùng...
Ninh Thuận có nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc như các lễ hội Cầu ngư, đua thuyền, lễ hội Katê, ăn đầu lúa... đi kèm là nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng, ca múa dân gian, hát sử thi...  
Ninh Thuận là tỉnh có nhiều vùng sinh thái, khí hậu khác nhau, gắn liền với các tiềm năng có thể khai thác trên nhiều lĩnh vực, về đất đai, tài nguyên khoáng sản, phát triển nông nghiệp và thủy sản, trong đó có lĩnh vực du lịch, là một trong những vùng trọng điểm trong chiến lược phát triển du lịch của cả nước từ nay đến năm 2020. Quy hoạch đã xác định toàn tỉnh có 5 khu vực biển là Bình Sơn - Ninh Chử, Vĩnh Hy - Thái An, Bình Tiên, Cà Ná , Nam Cương - Mũi Dinh...
(Theo Ninhthuantourist.com) 
Việt Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét