Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Huyền Đinh một vùng huyền thoại



  
Danh thắng Suối Mỡ. Ảnh: Việt Hưng
Sông Lục, núi Huyền từ lâu đã trở thành biểu tượng cao đẹp và thiêng liêng, là niềm tự hào đối với mỗi người dân Lục Nam nói riêng, Bắc Giang nói chung. Không chỉ sở hữu một thắng cảnh tuyệt tác của thiên nhiên cùng những danh lam cổ tự lừng danh đất Bắc xưa nay, Huyền Đinh còn là một danh sơn có nhiều huyền thoại cổ tích huyền bí và linh thiêng.
Danh lam cổ tự trên non thiêng
Chuyện kể rằng: vua Trần Nhân Tông sau khi đăng quang và hai lần đánh bại giặc Nguyên - Mông xâm lược nước Đại Việt đã truyền lại ngôi báu cho con trai là thái tử Thuyên. Ngài đã đi chu du khắp nơi để ngắm nhìn giang sơn cẩm tú của các bậc tiên đế để chọn đất xây chùa, dựng tháp, nơi nào có cảnh đẹp ngài đều ghé thăm thưởng ngoạn. Vùng đất Bắc Giang là nơi được vua đặt chân đến và cho xây dựng nhiều chùa tháp bề thế, nguy nga.
Thời gian này ở Việt Nam, Phật giáo được đưa lên hàng Quốc giáo, hàng nghìn ngôi chùa được nhà nước quan tâm xây dựng và mở mang, một trong số đó là các ngôi chùa bên sườn tây Yên Tử (thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang). Ngoài chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Hang Chàm, huyện Yên Dũng, chùa Am Vãi (Lục Ngạn)... lần theo dấu vết cổ xưa các nhà khoa học ở Bắc Giang đã phát hiện ra nhiều công trình kiến trúc chùa tháp cổ có quy mô bề thế ở vùng núi Huyền Đinh do chính các Tổ của Trúc Lâm phái xây dựng vào hồi thế kỷ XIII - XIV. Tuy nhiên, do thời gian những biến cố của lịch sử dân tộc, nhiều ngôi chùa cổ trong số này đã bị hoang phế, đổ nát chỉ còn lại nền móng kiến trúc và vật liệu cổ.
Chùa Sơn Tháp: Thuộc địa phận xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam. Chùa được xây dựng vào thế kỷ XIII, hiện nay vẫn còn dấu tích của nền móng và một ngọn tháp cổ. Đây chính là nơi mà Thiền sư Pháp Vân đã viên tịch. Chùa có một ngôi bảo tháp của Hoà thượng Huyền cơ Thiên thọ Pháp Vân, ngày nay tháp đã đổ, chùa cũng không còn, nhân dân địa phương xây dựng lại thành một am nhỏ trên nền cũ để du khách thập phương đến lễ Phật.
Chùa Yên Mã: Nằm cách chùa Sơn Tháp khoảng 1km đường rừng núi nhưng chùa Yên Mã thuộc xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam là cả một quần thể nền móng các công trình kiến trúc đồ sộ gồm các toà: Tam bảo, nhà bếp, nhà khách... các nền móng xây dựng, sân, bậc thềm, vật liệu xây dựng, giếng nước cổ, dấu chân Phật... chùa nhìn về hướng Côn Sơn - Kiếp Bạc. Cùng với Yên Tử, Quỳnh Lâm, Côn Sơn và Vĩnh Nghiêm, chùa Yên Mã đã khẳng định vị trí lớn trong Trúc Lâm phái, là công trình kiến trúc chùa tháp có quy mô bề thế mà theo sử sách đây là ngôi chùa do nhà sư Pháp Loa Đồng Kiên Cương, vị tổ thứ hai của thiền phái Trúc Lâm (thời Trần) là người đứng ra xây dựng đầu thế kỷ XIII.
Tại chùa Yên Mã còn một số địa danh cổ như: Núi Hình Nhân (núi có hình thù giống một người đang đứng), núi Yên Mã (giống yên ngựa), núi Con Voi, Hang Dơi... tất cả đều mang trên mình dấu ấn của thời gian và đầy chất huyền thoại.
Chùa Bát Nhã (Bình Long tự): thuộc xã Huyền Sơn (Lục Nam), chùa nằm trên núi Bát Nhã, ngọn núi do chính các vị cao tăng tu thiền tại đây đặt tên, cho nên thường gọi là chùa Bát Nhã. Chùa đã bị đổ, cây cỏ mọc um tùm, chùa xưa có quy mô lớn nay còn nền chùa, giếng nước cổ và những cây cổ thụ xung quanh. Chùa Bình Long ban đầu có nguồn gốc thời Lý - Trần. Nhà sư trụ trì theo lối tu luyện khổ hạnh nên đã để lại truyền tích về giếng nước ăn. Truyền rằng: Giếng này chảy nước ra chỉ đủ cho một ngày ăn của vị thiền. Một ngày sư có khách, nên vị sư đã khơi giếng cho nước chảy đủ hai người ăn nên giếng không chảy nữa thế là chùa không còn người tu hành. Giếng nước trong mát, bên khối đá lớn, trên vách đá này người xưa khắc hai chữ Hán lớn Thanh Thuỷ.
Chùa Hồ Bấc: thuộc xã Nghĩa Phương, Lục Nam nằm trên độ cao chừng 600m, chùa được xây dựng thời Trần, nằm trong quần thể khu danh thắng Suối Mỡ, giữa núi rừng bạt ngàn, cảnh quan chốn thiền này đẹp như một bức tranh. Chùa Hồ Bấc có một hồ nước lớn, xung quanh bốn bề rừng núi thâm u. Chùa bị đổ nát hoàn toàn và chưa được khôi phục lại. Hiện nay chỉ còn các dấu tích vật chất của công trình cổ xưa như: vật liệu xây dựng, gạch, đá, bậc thềm...
Suối Mỡ và huyền thoại xưa
Trở thành một khu du lịch sinh thái, nhân văn và tâm linh nổi tiếng của tỉnh Bắc Giang, khu du lịch Suối Mỡ là địa chỉ cho nhiều đoàn khách vãn cảnh, viếng thăm, lễ bái cầu an với các khu đền Hạ, đền Trung, đền Thượng... Đặc biệt nơi đây còn có các địa danh như: Đấu Đong Quân, bãi Quần Ngựa - tương truyền là nơi luyện kỹ mã của quân đội nhà Trần nên có địa danh trên, thăm cổng Xanh, đền Trò... tất cả tạo nên một bức tranh kỳ vĩ, mênh mang giữa chốn núi rừng bạt ngàn.
Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đã cùng các tướng lĩnh thân tín lập đại bản doanh để chặn đứng mũi tiến quân của bọn xâm lược Nguyên Mông từ Ải Chi Lăng, kéo về đánh chiếm Vạn Kiếp nhằm tiến về kinh thành Thăng Long.
Di tích Đấu Đong Quân như một minh chứng lịch sử thể hiện tài thao lược và cầm quân của tướng Trần Quốc Tuấn trên đỉnh Huyền Đinh. Để ghi nhớ chiến công hiển hách này, người dân đã lập đền thờ ông mang tên Đền Trần. Tại đây còn khu di tích Ba Dinh Bẩy Nền, Bãi Quần Ngựa, Suối Đá Mài Gươm, Thao Trường Luyện Kiếm...
Huyền thoại vực Mỡ và Quế Mỵ Nương
Chuyện kể rằng... Vào thời Hùng Địch Vương, đệ tam cung là An Nương có thai ba năm, đến ngày 11 tháng 3 sinh ra một người con gái đặt tên là Quế Mỵ Nương. Nàng có hình dung rất yêu kiều, diễm lệ, mặt đẹp như ngọc, da trắng như tuyết, mày như mặt nguyệt, mắt tựa sóng thu, thực là hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh, sánh với hoa hoa càng thêm sắc, so với ngọc ngọc lại sinh hương. Công chúa thứ ba kính mẹ hết lòng hiếu sinh, khi mẫu thân băng hà, việc cư tang đã trọn, công chúa xin với phụ vương đi chu du các vùng để ngắm nhìn giang sơn cẩm tú của tiên đế, công chúa ngự thuyền rồng tìm thú tiêu giao, đi đến đâu đều ra ân cứu giúp những người nghèo khó. Nơi nào có cảnh đẹp, đất thiêng đều lập hành cung làm nơi hương khói. Một ngày kia, công chúa chu du tới đất Nghĩa Phương (bên sườn Bắc núi Huyền Đinh). Đang mải ngắm nhìn phong cảnh, chợt có một ông già tóc bạc phơ đến trước mặt nói:
- Lão sinh tử đời vua Hoàng đế, có học Phật đạo, công chúa cũng có tĩnh tâm, muốn theo gương lão học cách trường sinh bất tử chăng?
Ông già khuyên công chúa nên đến chỗ vực Mỡ rũ hết lòng trần, lão sẽ truyền đạo cho.
Công chúa bèn thiết lập một cung ở vực Mỡ (thuộc đền Thượng bây giờ), đồng thời cho mời các phụ lão trong làng đến cho vàng bạc tậu ruộng, mua đất. Ngày 25 tháng 3, công chúa ngự thuyền rồng ra bể chơi, thấy núi Thiên Thai phong cảnh hữu tình, liền lên thưởng ngoạn rồi hoá tại đây. Người đời sau nhớ ơn đức bà tôn là: "Thượng ngàn thánh mẫu" và từ đó nơi đây trở thành chốn linh thiêng, nhân dân nhiều vùng hành hương về đây đi lễ, vãn cảnh... (trích Địa chí Lịch Sử, Văn hoá).
Không chỉ có vậy, non thiêng Huyền và những khu vực xung quanh còn chứa đựng nhiều câu chuyện huyền bí khác gắn với các địa danh như: Hòn Tháp, Đèo Heo, Hút Gió, Hòn Trứng, truyền thuyết ông Cộc, ông Dài...
Nguyễn Văn Hưởng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét