Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Đi tìm dấu chân các vị thần bất tử (kỳ 1)


"Tứ bất tử" - tên gọi chung của bốn vị thần bất tử trong tín ngưỡng Việt Nam: Tản Viên Sơn thần, Phù Đổng Thiên vương, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh Công chúa. Bao đời nay, những truyền thuyết, huyền thoại về bốn vị thần bất tử này hiển nhiên vẫn còn sống mãi trong tâm thức người Việt.
Kỳ 1: Thương trần thế, thần tiên xuất hiện
Đó chỉ một vế đối trong câu đối trọn vẹn mà người dân các vùng Thanh Ba (Phú Thọ), Sơn Tây, Ba Vì (Hà Nội) vẫn truyền miệng ngàn năm nay về sự tích Đức Thánh Tản Viên - Sơn Tinh - Nguyễn Tuấn. Đức Thánh Tản cũng là vị thần tối cao của Tứ bất tử mà theo thứ tự dân gian sắp xếp theo tên gọi: Thượng đẳng tối linh thần hay Thượng thượng Phúc đẳng thần. 
"Nhưng quan trọng hơn là vế đối thứ hai: Cứu lầm than, đức Thánh trổ tài. Bởi ngài xuất hiện nhưng không mang tài năng ra giúp nước, giúp dân trong lúc nguy nan thì chẳng phải là vô ích sao?", cụ Nguyễn Hữu Bích, 81 tuổi, một người sùng Nho giáo, nhà ở chân núi Ba Vì, chậm chạp ngả cây gậy chống, dựa lưng vào tấm đá giữa đường lên núi Ba Vì giải thích trong lúc nghỉ chân.
Nhân thần một cõi
Cụ Bích nói dù đã già nhưng tháng nào cũng phải lên núi một vài bận trừ khi ốm đau hay xương nhức mà toàn đi một mình, một gậy. Cụ Bích bảo: "Thong thả mà đi. Bây giờ sương mù vẫn quấn chân người thì là đầu giờ Thìn (hơn 7h sáng), cùng lắm trước Ngọ (11h trưa) thế nào cũng đến đền đức Thánh. Đi đến đây mà không vãn cảnh đường, cứ ào ào thì coi như không đi".
Đền thờ Tản Viên Sơn Thần. (Ảnh minh họa)

Phải len lỏi trong những đống gạch đá ngổn ngang dọc lối lên đỉnh Ba Vì mà hàng chục đơn vị thi công đang cố gắng trùng tu, tái tạo khu di tích đến thờ Đức Thánh Tản khiến cụ Bích cứ khoảng 30 phút phải nghỉ một lần. Mỗi lần nghỉ ấy, cụ Bích lại kể mạch lạc những gì mình biết về thần: "Đức Thánh Tản Viên có nhiều tên gọi lắm nhưng người ta vẫn nói ngài chính là Sơn Tinh trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh mà trẻ con vẫn học. Tên thật mà dân gian truyền tụng là Nguyễn Tuấn, một thanh niên tuấn tú có nhiều tài lạ và đức độ được chọn làm con rể vua Hùng Vương thứ 18. Vợ của ngài là Mị Nương tên thật là Ngọc Nga công chúa".
Theo GS sử học Lê Văn Lan, thần Sơn Tinh hay thần Tản Viên vốn được coi một cách mặc định là "vị thần đệ nhất" trong "Tứ bất tử": "Sơn Tinh là thần núi. Thần Tản viên là vị thần của núi Ba Vì. Cứ như nghiên cứu bây giờ, Đức Thánh Tản Viên vừa là vị thần tự nhiên, có công lãnh đạo người dân nước Việt từ xa xưa làm thủy lợi chống thủy tai. Nhưng cũng có công đức là một vị nhân thần nữa. Trong lịch sử, Nguyễn Tuấn - nguyên mẫu của thần Tản Viên Sơn Tinh còn là một vị tướng của vua Hùng đã giúp vua Hùng bảo vệ sự nghiệp nhà Hùng vào thời chuyển giao sự nghiệp đất nước từ Văn Lang sang Âu Lạc lúc bấy giờ. Do đó đây là vị thần đệ nhất trong "Tứ bất tử" trong tâm linh người Việt. Một người thật hóa thân thành thần hoặc có thể nghĩ khác: Thần hóa thân thành người thật".
Linh thiêng ngàn đời
Trong rất nhiều tài liệu của các nhà nghiên cứu lịch sử, "Tứ bất tử" là bốn vị thần đứng đầu trong 27 vị thần trong văn hóa tâm linh Việt Nam. Mặc dù có nhiều tranh cãi về việc có tới lục bất tử (ngoài Tản Viên thần, Thánh Gióng, Chử Đồng Từ và Liễu Hạnh công chúa còn có thêm Trần Hưng Đạo, Nguyễn Minh Không) nhưng đa số đều đồng ý với quan điểm của dân gian với 4 vị thần tối cao bất tử như trên.
Đúng như lời cụ Bích nói, đầu ngọ (11g trưa) cụ đã trải bộ dốc 1.227m cùng hơn 1.300 bậc đá leo đên đỉnh đền Thượng trên núi Ba Vì. Cúi mình làm lễ trước bàn thờ Đức Thánh Tản rồi cụ Bích hướng tầm mắt ra cả một vùng rộng lớn để nhìn thấy cả thủ đô phía trước. Theo lý giải của cụ Bích, không phải ngẫu nhiên mà Đức Thánh Tản chọn Ba Vì làm nơi ẩn cư sau khi nhường ngôi báu cho An Dương Vương và người dân cũng lập đền thờ Đức Thánh Tản ở đỉnh núi.
Bằng kiến thức của một nhà nho kiêm một kĩ sư mỏ - địa chất, cụ Bích cho rằng sự linh thiêng ở đây phải được hiểu theo nghĩa "tín tâm" chứ không phải "mê tín dị đoan": "Ba Vì là đất thiêng. Nếu tính độ cao thì đây là điểm cao nhất của cả Hà Nội khi sát nhập. Phong thủy phương Đông cho rằng nơi nào núi cao, sông sâu là địa linh nhân kiệt, linh thiêng ngàn đời. Khoa học hiện đại cũng tương đồng bởi các dãy núi cao được hình thành từ những cơn địa chấn mạnh hàng triệu năm để lại trong đó những luồng kim loại quý có từ trường mạnh có lợi cho việc hình thành trí thông minh của con người".
Theo GS sử học Lê Văn Lan, sự tích núi Ba Vì vốn có từ thời Hùng Vương giải thích cho việc Sơn Tinh nâng núi lên ba đợt thủy tai do Thủy Tinh dâng lên báo thù. Nhưng núi có hình dáng một cái cây xòe ra nên cũng có cái tên là Tản Viên và được coi là nơi linh thiêng số một của nước Việt. Trong suốt lịch sử phong kiến, nhiều vị vua đã lên tận đỉnh Ba Vì làm lễ cầu an. Nhiều nhà sử học hiện nay cũng cho rằng địa thế của dãy núi Ba Vì là "tiền thủy - hậu thạch", trước mặt nơi hội tụ của ba dòng: sông Hồng, sông Đà, sông Thao và dựa lưng vào núi Tản Viên. Nước sông Đà chảy từ bên trái sang bên phải "Trường lưu thủy", tất cả đều chảy về biển lớn, nhìn toàn cảnh hình thế tay ngai, mạch đất linh thiêng. Sự linh thiêng của Ba Vì giờ đây còn có thêm ngôi đền thờ Bác Hồ nằm ở độ cao 1.269m. Ngôi đền được khởi công và hoàn thành ngay trong năm 1999. Để bảo vệ ngôi đền thờ Bác, đơn vị Kiểm lâm rừng quốc gia Ba Vì được giao thêm nhiệm vụ ngày đêm túc trực trông coi, hương khói trong đền và tiếp đón khách hành hương về thăm viếng.

  
Đình Tú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét