Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Đi tìm dấu chân các vị thần bất tử (kỳ 3)


Chuyện có thật không? Chẳng lẽ cả nhà mà chỉ còn có mỗi chiếc khố? Tại sao Chử Đồng Tử lại nhường cha khi mình cần hơn để sống...

Kỳ 3: Chí hiếu động thiên
Giáp Tết âm lịch, những vườn cải trổ hoa vàng rực cả dải đất ven sông Hồng. Trên những con đường làng, con trẻ vẫn ríu rít đánh khăng, đánh đáo. Phía xa xa là những bãi cát nặng phù sa trải dài cong cong uốn mình thanh tĩnh mà không heo hút.
Không phải mơ mà đó là không gian đậm chất văn hóa miền Bắc châu thổ sông Hồng thuộc xã Bình Minh, Khoái Châu, Hưng Yên. Mấy ngàn năm trước, ở đấy có một người con chí hiếu khóc thương tiễn cha bằng tấm khố cuối cùng.
"Cái khố" và ngôi nhà ông lái đò
Chúng tôi ngược dòng sông Hồng tìm về đền Đa Hòa, xã Bình Minh, là quê cũng là nơi thờ đệ tam tứ bất tử: Chử Đồng Tử. Người lái đò dùng chân đạp nhẹ mái chèo, thuyền xuôi gió chạy băng băng. Ông tên Minh, hơn 70 tuổi nhà ở Tiên Lữ, mấy đời bám nghề sông nước. Ông kể đau lòng nhất là đứa con nghiện ngập bất hiếu, chết trẻ bỏ lại vợ chồng ông từ năm 2009. Khuôn mặt ông nhăn nheo, đôi mắt u buồn khi nghe nói lại chuyện Chử Đồng Tử xa xưa . "Trước năm 2009, tôi với vợ bám sông để sống. Vợ chồng có mỗi một đứa con nên có bao nhiêu tiền, đều mua cho nó những thứ thích nhất, chỉ mong nó được khá hơn mình. Ngôi nhà chật hẹp nên hai vợ chồng ở luôn dưới thuyền nhường nhà cho con ở. Chỉ bữa ăn hai vợ chồng mới đưa cơm lên bờ cho con. Nào ngờ...".
Đền thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung tại Khoái Châu, Hưng Yên. Ảnh: M.Phương.

Con ông Minh, từ nhỏ đã được chiều chuộng lại ở một mình, mới lớn đã quen thói tụ tập bạn bè rồi đâm hư hỏng hút chích. Ngôi nhà ông Minh bị con trai bán lấy tiền để bù khú lúc nào không hay, rồi hết tiền bỏ đi biệt xứ. "Chẳng dám mong con mình có hiếu như thánh nhân nhưng chỉ cần nó nên người như con nhà khác. Tôi không tiếc ngôi nhà mà tiếc con. Hiếu hay không cũng do cách giáo dục của mình" - ông Minh nói mắt rưng rưng ân hận. Thì ra, khi gợi mở câu chuyện hiếu của Chử Đồng Tử, ông mới mạnh dạn bày tỏ tâm can vốn đã thành ẩn ức đau buồn.
Thuyền cập bến trước cửa đền Đa Hòa, ngoảnh mặt ra một bến rộng mang tên Chử Đồng Tử và một gác lâu nhìn thẳng ra sông. Cái linh thiêng của làng quê yên ả như hội tụ. Cụ Hoàng Văn Quyết, 75 tuổi, thủ từ đền Đa Hòa, người nhỏ thỏ lặng lẽ thắp nhang trước bàn thờ "đệ tam tứ bất tử" lầm rầm khấn vái. Trong khói hương trầm nghi ngút, cụ Quyết lặng lẽ kể sự tích Chử Đồng Tử cho một nhóm SV Học viện Phòng cháy chữa cháy từ Hà Nội về. "Đó là thời vua Hùng Vương thứ mươi tám. Nhà họ Chử ở làng Chử Xá, vợ mất sớm, chỉ có hai cha con sống với nhau. Người con là Chử Đồng Tử, cha là Chử Cù Vân. Đã nghèo lại nghèo hơn khi nhà họ Chử không may gặp hỏa hoạn, cả hai cha con chỉ có một chiếc khố. Người cha chết dặn con giữ lại cái khố mà mặc nhưng người con không nỡ để cha táng trần nên mặc khố cho cha rồi mới táng. Từ đó chấp nhận ban ngày ở nhà, ban đêm đi lội nước kiếm cá để sống...".
Trong suốt câu chuyện, cụ Quyết phải dừng lại tới bốn lần để giải thích những câu hỏi chen ngang. "Chuyện có thật không? Chẳng lẽ cả nhà mà chỉ còn có mỗi chiếc khố? Tại sao Chử Đồng Tử lại nhường cha khi mình cần hơn để sống...". Cụ Quyết chẳng giận vì bị ngắt giữa chừng mà tường tận giảng giải: "Không ai xác định được câu chuyện từ hàng ngàn năm trước. Cũng không ai chứng minh được nó có thật hay không, cha con ngài (Chử Đồng Tử) nghèo như thế nào? Nhưng câu chuyện được lưu truyền từ xưa có mất đâu. Bởi vì chứa đựng trong đó là cái hiếu của con, cái tình của cha. Thử hỏi có ai thương nhau như cha con họ Chử"?
Chữ "hiếu" không phân kẻ giàu - nghèo
Là người gắn bó cả đời người với đền thờ Chử Đồng Tử và làng Chử Xá xưa (nay là xã Bình Minh) nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Văn Kính nói không đơn giản mà khi phục hồi đền thờ Chử Đồng Tử, tiến sĩ Chu Mạnh Trinh (1862 -1905), án sát bốn tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên triều nhà Nguyễn đã đề bốn chữ "Chí hiếu động thiên" lên trung đường của ngôi đền. Theo ông Kính, quan án sát Chu Mạnh Trinh là người tự tay thiết kế và vận nhân tài, vật lực của nhân dân tám thôn tổng Mễ (xã Bình Minh ngày nay) cùng thập phương công đức để xây dựng, tôn tạo năm 1894 trên nền một ngôi đền cổ. "Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh cũng là người cho rằng Chử Đồng Tử không đơn giản được phong thánh mà lại là thánh bất tử nữa. Đã là thánh thì phải khác phàm nhân hoặc phàm nhân không thể theo kịp mới là thánh. Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh cho rằng chỉ cần chữ "hiếu" là đủ phong thánh cho ngài rồi", ông Kính nói.
Ông Kính cũng giải thích bốn chữ "Chí hiếu động thiên" mà người đời sau phong tặng cho đức thánh Chử Đồng Tử: "Chí hiếu" là cái hiếu đến tận cùng, tận lực với hiếu. Ở đây, người con đã dành những thứ cuối cùng là chiếc khố - một vật tối thiểu của xã hội người Việt cổ khi ra ngoài để chôn cất cha. Thà mình lõa lồ còn hơn để cha trần truồng khi táng cha. Lòng hiếu thảo của người con đã thấu trời xanh (động thiên) khiến cả người và trời khâm phục.

Cũng theo ông Kính, không phải ngẫu nhiên mà hàng ngàn đời nay ở làng Chử Xá  dòng họ nào cũng có nhiều người con hiếu thảo. "Từ họ Hoàng, họ Phạm, họ Chu (những dòng họ lớn) đến những họ nhỏ như họ Nguyễn, họ Trần đời đều nổi tiếng là người hiếu đễ trong vùng dù giàu hay nghèo" - ông Kính nói. Còn theo cụ Hoàng Văn Quyết, hàng năm cụ và Ban quản lý đền Đa Hòa đón hàng trăm đoàn khách toàn là học sinh và sinh viên do các nhà trường khắp cả nước đưa đến giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ.
Vở chèo Chử Đồng Tử – Tiên Dung được nhà biên kịch Hoàng Luyện  viết từ năm 1957. Ngay sau đó, 5 đoàn cải lương chuyên nghiệp trên miền Bắc dựng diễn suốt mấy năm ở đâu cũng thu hút đông đảo người dân đến xem. Sau ngày Tổ quốc thống nhất, lại có thêm 3 đơn vị miền Nam dựng với cái tên mới là Cây gậy thần. Mới đây, vở chèo cũng được một số nhà hát kịch dàn dựng và diễn lại bởi tính giáo dục cao.



Đình Tú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét