g
Đình Dương Lâm toạ lạc ở trung tâm làng Dương Lâm, xã An Dương, huyện Tân Yên. Đình nằm ở đầu làng sát ngã ba đường liên xã, ngoảnh hướng Tây - Nam, nhìn sang khu núi Quế Nham. Trước cửa đình là cánh đồng rộng rãi, thoáng mát, xung quanh là những cây lá xum xuê, xanh mướt. Nơi đây có địa thế đẹp, thoáng đãng tạo nên không khí tĩnh lặng và tôn nghiêm. Đình Dương Lâm còn là nơi chứng kiến những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc.
|
Vào triều Mạc, Quận công Dương Đình Bột đã về quê Dương Lâm mở xưởng đúc tiền (đời Mạc Đăng Doanh và Mạc Phúc Hải) thu hút đông đảo thợ thủ công đến vùng này mở lò đúc tiền, ngôi đình Dương Lâm là nơi tụ họp đông đảo nhất. Ngôi đình cũng là nơi ông Dương Đình Cúc cai tổng Nhã Nam tổ chức tế cờ khởi nghĩa tại đây để chống lại triều đình phong kiến nhà Nguyễn. Trong cuộc khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám, nhân dân Dương Lâm dưới sự lãnh đạo của ông Dương Đình Hậu (Đề Hậu) người làng làm cai tổng Nhã Nam đã hưởng ứng và tham gia tích cực vào cuộc khởi nghĩa và lập nên nhiều chiến công oanh liệt. Suốt từ năm 1885 đến năm 1895 Đề Thám thường xuyên hoạt động ở Dương Lâm. Để bảo đảm an toàn cho thủ lĩnh và các tướng lĩnh của nghĩa quân, ông Cai Hậu đã bí mật cho dân binh đào một hầm ngầm từ hậu cung đình Dương Lâm xuyên ra bờ ao rồi toả đi các nơi khác. Đề Thám và Cai Hậu đã hưng công, cho nghĩa quân vào rừng Trại Lốt lấy gỗ cùng dân ở nơi đây dựng lại ngôi đình. Khi khai móng, động thổ, chính Đề Thám là người cắm hướng cho ngôi đình như hiện nay.
Năm 1945, đồng chí Hà Thị Quế và Nguyễn Trọng Tỉnh về Dương Lâm hoạt động và chỉ đạo phong trào đấu tranh vũ trang của vùng Yên Thế. Nhiều cuộc họp bí mật được tổ chức tại đình Dương Lâm. Năm 1947, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và các cơ quan tỉnh Bắc Giang như: Toà án, Tỉnh đội, Quân khu 12… đã về đóng ở làng và lấy đình Dương Lâm làm trụ sở hoạt động… Ngày 25 tháng 1 năm 1991, theo Quyết định số 154/BVH của Bộ Văn hoá - Thông tin, đình Dương Lâm đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử - nghệ thuật cấp quốc gia. Đặc biệt, phía trước đình Dương Lâm còn lưu giữ được một cây dã hương đại thụ hàng trăm năm tuổi. Cây dã hương mọc trên một bãi đất cao ở ngã ba đường liên xã trong khuôn viên tường bao của ngôi đình. Theo truyền thuyết cây dã hương đã có cách ngày nay khoảng trên ba trăm năm. Thân cây to khoảng 10 người ôm không xuể, chu vi trên thân chỗ to nhất gần 8m, chu vi cành lớn nhất là 4m, cây có chiều cao khoảng trên 30m, tán lá rộng khoảng 25m. Vào độ xuân về cây dã nở rộ hoa, phát lộc, chim muông từ các nơi bay về trú ngụ, nô đùa, hót ríu ran… Với hình ảnh gợi nhớ đến quê hương "cây đa, bến nước, sân đình", đình Dương Lâm và cây dã hương cũng là một hình ảnh đặc trưng cho làng quê mộc mạc ấy, để kẻ đi xa nhớ mãi, kẻ ở lại nức lòng. Ai đó đi xa quê khi về đến đầu làng nhìn thấy cây dã hương là ký ức tuổi thơ lại hiện về trong họ, nhớ những ngày chăn trâu cắt cỏ, nhớ những buổi nằm võng đưa nôi, những buổi nô đùa bên tán cây xanh mát… Cây dã hương Dương Lâm nếu so với loài dã hương được coi là cây đại thụ đứng thứ hai ở Bắc Giang sau cây dã hương Tiên Lục, huyện Lạng Giang. Đình Dương Lâm được dựng lên để thờ cúng những người có công với dân, với nước. Mặc dù đã trải qua hàng trăm năm tồn tại, phải qua nhiều lần tu sửa ngôi đình và cây dã hương mới có dáng vẻ uy nghiêm, rêu phong, cổ kính đến nay vẫn tồn tại, vươn mình cùng thời gian. Ngôi đình và cây dã hương mà chúng ta được chiêm ngưỡng ngày nay là kết quả của ý thức tự lực, tự cường của người dân trong việc giữ gìn và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Khuê Văn
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét