Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Đình Hậu và tín ngưỡng thờ Tứ Pháp ở Lương Phong



  
Chạm, khắc ở đình Hậu.
(BG)-Tín ngưỡng thờ Tứ Pháp là nét văn hóa đặc sắc tồn tại khá phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ nước ta. Đó là một trong những hình thái tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước từ cổ xưa có sự kết hợp của Phật giáo- tôn giáo du nhập từ Ấn Độ vào.
Tứ Pháp bao gồm Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện tượng trưng cho những thế lực thiên nhiên như mây, mưa, sấm, chớp. Qua hình thái tín ngưỡng này người nông dân muốn thể hiện ước muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Lạy trời mưa xuống/ Lấy nước tôi cầy/ Lấy đầy bát cơm/ Lấy rơm đun bếp/Lấy nếp thổi xôi... Lương Phong (Hiệp Hòa) miền đất cổ thuộc vùng phụ cận bờ bắc sông Cầu ở Bắc Giang hiện nay còn bảo tồn và duy trì được tín ngưỡng thờ Tứ Pháp. Đình Hậu, thôn Sơn Quả (Lương Phong) là nơi tôn thờ thần Pháp Lôi, một trong bốn vị thần Tứ Pháp, trên ngai thờ còn đặt bài vị khắc chữ Hán ghi rõ tên người được thờ là đương cảnh thành hoàng Cái Xã Nhà Lôi đại vương.
Tục thờ Tứ Pháp được lưu truyền từ lâu và đã được ghi chép trong rất nhiều truyện sách cổ xưa như: Lĩnh Nam Chích Quái, Kiến Văn Tiểu Lục, Văn Hiến Thông Khảo, An Nam Chí Lược... với những chi tiết khác biệt nhau. Tuy nhiên, nguồn gốc của Tứ Pháp được nhiều người biết đến nhất được ghi lại qua bản "Cổ châu Pháp Vân Phật Bản Hạnh Ngữ Lục" khắc gỗ tại chùa Dâu (Bắc Ninh) được khắc vào năm thứ 13 niên hiệu Cảnh Hưng (1752) với các nội dung chính đại thể như sau:
1.Có cô gái Man Nương thụ thai một cách thần kỳ; 2. Man Nương sinh hạ một bé gái và đứa bé được nhà sư dùng phép đưa vào cây Dung Thụ; 3. Cây Dung Thụ được tạo thành bốn pho tượng mang vào chùa thờ tự: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện; 4. Con của Man Nương hóa thành đá và được gọi là Thạch Quang Phật.
Tích truyện này cho thấy bản chất của hệ thống Tứ Pháp Việt Nam, đó là sự dung hòa giữa Phật Giáo và tín ngưỡng dân gian bản địa của cư dân nông nghiệp lúa nước. Đầu tiên, Phật Tứ Pháp chỉ được thờ trong các chùa ở vùng Luy Lâu (Bắc Ninh). Nhưng ngày nay, tín ngưỡng thờ Tứ Pháp phổ biến tại nhiều vùng miền khác nhau. Đình Hậu ở Lương Phong là một trong số những di tích thờ Tứ Pháp ở đồng bằng Bắc Bộ.
Ngôi đình tọa lạc ở trung tâm thôn Sơn Quả nhìn về hướng Tây ghé Nam. Nét chạm khắc trên các cấu kiện kiến trúc ở đình có sự đan xen của hai thời đại, thời hậu Lê cuối thế kỷ XVII và thời Nguyễn thế kỷ XIX cùng các tài liệu, hiện vật như bia đá tạo dựng năm 1785, ngai thờ, bài vị, kiếm thờ, bộ kiệu song hành thế kỷ XVIII, bát hương thời Nguyễn, sắc phong thời Nguyễn cùng các đồ tế khí khác… Tất cả cho biết đình Hậu được xây dựng từ thời hậu Lê cuối thế kỷ XVII và đã được tu sửa lớn ở thời Nguyễn và các giai đoạn sau này. Bình đồ kiến trúc ngôi đình hiện nay kiểu chữ nhất gồm ba gian hai chái tòa đại đình. Phần liên kết các vì mái giống nhau theo kiểu vì giá chiêng truyền thống. Các đầu dư được chạm lộng đẹp hình đầu rồng. Hệ thống các vì nách được liên kết theo kiểu cốn mê chạm khắc đẹp với nhiều đề tài phong phú, chạm hình tứ linh, long cuốn thuỷ vờn mây, long hoá, rùa đội ấn, ly hoá vờn mây, phượng hàm thư… Hệ chạm hình hoa lá, vây mây, đao mác cũng tập trung ở các cốn mê với các đề tài như hoa sen, cúc dây, hoa dây, lá lật... kết hợp với các hình linh thú chân thực vui mắt. Các hoạ tiết được chạm nổi, chạm lộng dạng phù điêu rất sắc xảo và tinh tế. Đình Hậu là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương. Lễ hội hàng năm được tổ chức ngày 10 tháng Giêng âm lịch với nhiều nghi lễ và các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.
Bên cạnh đình Hậu thờ Pháp Lôi ở Lương Phong còn có các địa danh gắn liền với tên gọi của các vị thần Tứ Pháp như tên làng Sấm, làng Chớp, chợ Gió, kẻ Gió... gợi cho sự liên tưởng tới các vị thần Tứ Pháp như Pháp Lôi, Pháp Điện... Điều đặc biệt trong lễ hội làng Sấm và làng Chớp còn có tục cầu mưa gắn liền với tín ngưỡng nông nghiệp của cư dân Việt cổ. Tục cầu mưa chỉ diễn ra vào những năm hạn hán. Muốn làm lễ cầu mưa phải có đủ hai làng Sấm và Chớp nếu một trong hai làng không thực hành nghi lễ sẽ không hiệu nghiệm. Ngày hội, dân làng rước kiệu rước thánh, rước nước từ Nghè lên đền Miễu làm lễ tế trời đất cầu mưa. Nước thờ được lấy từ giếng Sở đặt trên kiệu thờ, dân làng rất coi trọng nước thờ và xem đó như là "vật linh". Đoàn rước kiệu và rước nước của hai làng đi từ nghè lên đền Miễu, có những năm đoàn rước mới đi đến giếng Sở thì trời đang nắng lại đổ mưa. Cũng có năm đoàn rước phải về đến đền Miễu làm lễ tế trời đất. Sau nghi lễ này, sự mong mỏi của dân làng đã được thỏa nguyện. Trời mưa có đủ nước cho dân canh tác trên các thửa ruộng.
Thờ Tứ Pháp có nguồn gốc từ tín ngưỡng bản địa mang đậm sắc thái của nền văn minh nông nghiệp lúa nước kết hợp với Phật giáo. Từ trung tâm Luy Lâu (Bắc Ninh) tín ngưỡng đã phát triển ra các vùng trong đồng bằng châu thổ sông Hồng trong đó có vùng đất Lương Phong. Nghiên cứu tìm hiểu về tục thờ Tứ Pháp ở Lương Phong góp phần làm sáng tỏ hơn về vùng đất, con người nơi đây.
Đồng Ngọc Dưỡng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét