Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Đình làng Liên Bộ



  
Đình làng Liên Bộ.
Đình làng Liên Bộ (xã Liên Chung, Tân Yên) là ngôi đình cổ, tọa lạc trên nền đất đẹp, cao ráo, độc lập với khu dân cư, nằm sát bờ sông Thương, tạo nên một quần thể hữu tình. Đình thờ Tam vị thành hoàng làng là Cao Sơn thượng đẳng thần, Quý Minh thượng đẳng thần, Đô Thống Lâm Giang thượng đẳng thần, tương truyền là các dũng tướng đầu triều của Vua Hùng, có công giúp Vua Hùng dựng nước, uy linh đời đời được ngưỡng mộ và tôn kính. Ngoài ra, đình làng còn phối thờ vị Thượng thư, tiến sĩ Nguyễn Vĩnh Trinh đời nhà Mạc, vốn là người làng. Đây là vị thượng thư được nhân dân không chỉ làng Liên Bộ mà cả làng Phú Khê, xã Quế Nham (xã bên cạnh) cũng tôn vinh và thờ cúng.
Để làm rõ hành trang và công tích của vị Tiến sĩ thượng thư Nguyễn Vĩnh Trinh, chúng tôi cất công tìm đến Viện Hán Nôm thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam sưu tầm tài liệu. Tại đây, còn lưu giữ được 4 tư liệu văn bản chữ Hán: Đại Việt lịch đại đăng khoa. Đại Việt lịch đại tiến sĩ khoa thực lục. Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục. Liệt truyện đăng khoa bị khảo. Cả 4 tư liệu này đã ghi khá thống nhất và rõ ràng về lai lịch, hành trạng, công tích vị Thượng thư tiến sĩ họ Nguyễn này.
Cũng tại làng Phú Khê, xã Quế Nham, đối diện với làng Liên Bộ, cách nhau qua một con ngòi nhỏ, còn giữ được một tấm  bia dựng tại Nghè tiến sĩ  thờ Nguyễn Vĩnh Trinh, dòng chữ trên tấm bia ghi lại công trạng của ông: "Là vị có công giúp vận nước hưng thịnh, là công thần đóng góp nhiều công sức, được đặc tiến làm Phụ quốc Thượng tướng quân, kiêm chức Tổng Thái giám".
Nguyễn Vĩnh Trinh sinh vào đời Lê Trung Tông, tại xã Liên Bộ, tổng Quế Nham, huyện Yên Thế, phủ Lạng Giang, xứ Kinh Bắc (nay là thôn Liên Bộ, xã Liên Chung, huyện Tân Yên), lớn lên trưởng thành, học hành và đỗ đạt làm quan trong  thời  nhà Mạc.
Nguyễn Vĩnh Trinh xuất thân trong gia đình gốc gác làm nghề nông nghiệp. Ngay từ bé học hành trí lực hơn người. Đến năm triều đình mở khoa thi, ông đã đỗ tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1547), đời vua Mạc Phúc Nguyên, khi mới 35 tuổi. Cũng năm đó ông phụng mệnh đi sứ Trung Quốc. Trong văn bia dựng tại đình làng có đoạn: "Nhận sắc chỉ vào triều, chấp kinh hành pháp, ngày đêm tận tình giúp nước phò dân, thái độ khoan hòa nghiêm túc. Được nhà Mạc chuẩn phong phẩm trật Thượng thư. Vốn là người công minh chính trực, được trăm quan trong triều cảm phục. Sau này được về nghỉ hưu tại xã Liên Bộ, nhiệt tình giúp dân, xây dựng đình chùa, được nhân dân trên dưới hết lòng kính phục. Khi mất lại được Mạc triều gia sắc chỉ tặng phong chức Thái bảo tước hầu. Nguyễn Vĩnh Trinh sống có đức khiêm nhường, ngay thẳng, được nhân dân hai xã Liên Bộ, Phú Khê kính trọng tôn sùng, cùng dựng bia ghi công lao đức độ của ông, thờ cúng lâu dài đến nghìn năm".
Theo thời gian, ngôi đình này cũng gắn liền với nhiều thăng trầm của lịch sử. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, ngôi đình đã trở thành nơi họp hành của đội tự vệ kháng chiến, của bà con dân làng triển khai các công việc tham gia du kích, đội tự vệ, dân công hỏa tuyến, tăng gia sản xuất củng cố địa phương, chi viện tiền tuyến…
Hiện giờ ngôi đình còn giữ được khá nhiều hiện vật quý. Về đồ thờ hiện còn hai bức hoành phi cổ trong hậu cung, sơn son thếp vàng: Thánh cung vạn tuế - Dực bảo trung hưng; hai bộ bát biểu bằng gỗ sơn son thếp vàng (đao, gươm, giáo…) dựng hai bên ban thờ; các hương án, bài vị, mâm bồng, cây đèn, ống cắm hương, cắm hoa cổ bằng gỗ từ đời trước để lại; đặc biệt là một tấm bia đá cổ, tuy chữ đã mờ, trán bia hình rồng chầu, dựng trên lưng rùa ghi công đức của tiến sĩ thượng thư Nguyễn Vĩnh Trinh.
Vừa qua, đình làng Liên Bộ đã được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa.
Văn Giá

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét