Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Đình làng Thân - nơi thờ các công chúa nhà Lý



  
Đình làng Thân - thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam).
Làng Thân vốn là một làng cổ nằm cách sông Lục Nam khoảng 1 km về phía đông. Vùng đất này xưa kia thuộc sự quản lãnh của họ Giáp, sau họ Giáp đổi sang họ Thân thì vùng đất ấy thuộc về họ Thân.
Các tụ điểm cư dân cổ ở vùng đông bắc hầu hết có họ Thân (họ Giáp) cư trú. Ở Bắc Giang, dòng họ Thân cư trú ở các huyện từ miền núi cho tới miền xuôi như Lục Ngạn, Lục Nam đến Lạng Giang, Việt Yên. Những vùng ấy, sau phát triển thành làng và họ lấy làng mang tên gọi của họ mình. Làng Thân cũng có nguồn gốc như vậy. Ở đây trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi muốn nhắc tới dòng họ Thân ở một làng thuộc huyện miền núi. Đó là làng Thân, thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam - nơi có di tích đình làng Thân thờ các công chúa nhà Lý.
Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, làng Thân tuy là một đơn vị hành chính nhỏ nhất có tính độc lập nhất định nhưng cũng lệ thuộc vào các đơn vị hành chính nhà nước của từng thời kỳ khác nhau. Theo truyền tích và thần tích của làng cho biết, nơi đây là địa phận quản lãnh của 2 bộ tướng Hùng Vương là Cao Sơn và Quý Minh.
Qua thời Bắc thuộc, các dấu ấn của thời đại này chưa được phát hiện. Nhưng qua lịch sử của địa phương cho thấy vùng Thân - Gai là vùng đất liền kề khu vực Lãng Bạc - nơi diễn ra cuộc giao tranh lớn giữa nghĩa quân Hai Bà Trưng với quân Hán do Mã Viện cầm đầu. Do đó, người vùng Thân - Giáp (Động Giáp) đã có đóng góp tích cực vào cuộc kháng chiến chống quân Hán.
Trong suốt thời gian dài Bắc thuộc, người vùng Thân - Giáp đã củng cố địa hạt với tù trưởng họ Giáp. Để tới thời tiền Lê, họ Giáp đã lớn mạnh và chấn ngự lưu vực sông Lục và vùng đông bắc.
Tới thế kỷ XI, nhà Lý xây dựng triều đình phong kiến hùng mạnh và đã xác định vùng đông bắc thuộc lưu vực sông Lục là vùng trọng yếu bởi nơi đây có 2 tuyến giao thông thuỷ, bộ có thể vào lục địa Đại Việt. Chính vì thế mà các triều vua nhà Lý đã sử dụng chính sách ràng buộc các miền biên cương với triều đình bằng cách gả các công chúa cho các tù trưởng miền núi.
Năm 1029, Công chúa Bình Dương nhà Lý được gả cho con cháu Giáp Thừa Quý (phò mã nhà Lý) sau đổi ra họ Thân, là Thân Thiệu Thái. Thân Thiệu Thái hay còn gọi là Vũ Tỉnh quê ở Tòng Lệnh, xã Trường Giang. Công chúa Bình Dương cùng Thân Thiệu Thái quản lãnh cả vùng Châu Lạng bắc sông Cầu và trực tiếp trấn giữ vùng Lục Nam - Lục Ngạn. Về sau khi mất, Thân Thiệu Thái được gọi là Vũ Tỉnh, còn Bình Dương công chúa được phong tặng là Thái Đường trưởng công chúa.
Con trai Thân Thiệu Thái là Thân Cảnh Phúc kế nghiệp cha tiếp tục coi giữ Châu Lạng. Để ràng buộc, nhà Lý đã gả công chúa Thiên Thành cho Thân Cảnh Phúc để giữ yên miền biên ải. Họ Thân lại lần nữa được vinh dự triều Lý ban cho.
Khi cuộc kháng chiến chống Tống bắt đầu vào những năm 1076, dưới sự chỉ đạo của Thái úy Lý Thường Kiệt, Thân Cảnh Phúc (tức Vũ Thành) đã cùng nhân dân đôi bờ sông Lục chặn đường tiến và đường rút của quân Tống. Trong cuộc kháng chiến ấy, công chúa Thiên Thành đã có sự đóng góp tích cực.
Sau cuộc kháng chiến chống Tống, triều đình cho nhân dân đôi bờ sông Lục thờ phụng Thân Thiệu Thái và Thái Đường Thái trưởng công chúa Bình Dương và Thân Cảnh Phúc cùng công chúa Thiên Thành.
Kể từ đó về sau, nhà Lý còn gả công chúa Thiên Cực lấy Hoài Trung hầu (1167) về Châu Lạng để tiếp tục duy trì quan hệ giữa triều đình với miền Đông Bắc.
Chính vì lẽ đó mà đình làng Thân, nơi có nhiều người họ Thân sinh sống đã được triều đình phong kiến ban cho phụng thờ ba công chúa ở đình làng để đời đời ghi nhớ. Đó là Bình Dương (Thái trưởng), Thiên Thành, Thiên Cực công chúa của nhà Lý cùng 2 bộ tướng của thời Hùng Vương là Cao Sơn - Quý Minh đại vương và nữ thần Phương Dung. Cho nên có thể nói, đình làng Thân là trung tâm phản ánh sâu sắc nhất về những sự kiện diễn ra ở vùng này dưới vương triều nhà Lý.
Đình Thân hiện nay toạ lạc trên một khoảng đất rộng, thoáng mát. Mái ngói cổ kính rêu phong, đầu đao cong vút uyển chuyển, thanh thoát, soi bóng xuống hồ xanh biếc. Trên bờ nóc không có rồng chầu mặt nguyệt và bờ dải hoa chanh như những ngôi đình thời Nguyễn ở nơi khác. Đình Thân được khởi dựng từ rất sớm (khoảng đầu thế kỷ XVII), do vậy nó được thiết kế theo kiểu thượng con chồng, hạ kẻ tràng. Toà đại đình gồm có 5 gian. Do toà đại đình được khởi dựng sớm, cách ngày nay khoảng trên 300 năm, cho nên ban đầu chưa có phần hậu cung hình chuôi vồ. Sau này, khi trùng tu, nhân dân thôn mới dựng nối thêm 2 gian hậu cung tạo thành bố cục đình hình chữ đinh (J). Kết cấu phần hậu cung đơn giản theo lối quá giang gác tường, kèo kìm bào trơn đóng bén. Toà đại đình được chạm khắc các đề tài độc đáo, đường nét tinh xảo như rồng, voi, rùa… ở các đầu bẩy hiên và đầu dư, mõm kẻ. Các hiện vật như kiệu bát cống, nhang án, bộ chấp kích, bát bửu… cũng được chạm lộng công phu, tỷ mỉ thể hiện tài khéo léo của nghệ nhân dân gian. Các đề tài được chạm khắc như tứ linh, tứ quý: long, ly, quy, phượng.
Một số hiện vật có giá trị cao như hệ thống bia đá thời Lê, Nguyễn gồm có 4 bia đá xanh, sắc phong gồm 11 đạo sắc do triều đình phong kiến Lê và Nguyễn ban cấp. Đây là những tài liệu, hiện vật gốc quý có giá trị tìm hiểu về nguồn gốc di tích, về lịch sử làng xã cũng như các phong tục tập quán của vùng đất này từ xa xưa tới nay.
Các công chúa nhà Lý được nhân dân làng Thân phụng thờ ở đình làng Thân và một số di tích khác trên đất Bắc Giang đã minh chứng cho ta thấy sự ảnh hưởng sâu sắc, rộng lớn của nhà Lý đối với nhân dân khu vực phía Bắc chiến tuyến sông Như Nguyệt từ thế kỷ XI. Đặc biệt trong giai đoạn kháng chiến chống giặc Tống xâm lược. Đó còn là sự hy sinh cao cả vì sự đoàn kết cộng đồng để xây dựng và bảo vệ giang sơn xã tắc Đại Việt của vương triều Lý.
Dương Thị Ánh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét