Đình làng Đông Hương thuộc xã Nham Sơn (Yên Dũng) nằm bên bờ bắc sông Cầu, cách làng không xa là dãy Nham Biền non xanh hùng vĩ. Nơi đây còn lưu giữ nhiều nét văn hoá dân gian độc đáo phản ánh về một thời kỳ lịch sử gắn liền với lịch sử dân tộc. Truyền tích về quan Thái sư Trần Thủ Độ diệt mãng xà bảo vệ nhân dân vùng đất này phản ánh nét văn hoá dân gian độc đáo đó.
|
Theo truyền tích, làng Đông Hương xưa kia còn có tên là Hương Tảo, nằm gần chân núi Nham Biền, vùng đất này cây cối rậm rạp lại có nhiều thú dữ hay về quấy quả nhân dân. Trên núi Nham Biền có một con rắn to, ngày ngủ trong rừng, đêm thường về làng quấy phá. Đã nhiều năm con rắn này luôn gây tai hoạ cho người dân mà không ai trừ được. Một ngày kia, quan Thái sư Trần Thủ Độ đi kinh lý qua, nghe dân làng kể chuyện về con rắn, ông bèn nghĩ kế diệt rắn cứu dân. Ông đã sai người lấy vỏ trứng gà dồn vôi sống vào bên trong rồi gắn lại đem để ở bên sườn núi đoạn rắn hay đi uống nước, dân địa phương vẫn gọi là khe rắn. Rắn thấy trứng gà ra ăn no rồi xuống uống nước, khi ấy vôi nở ra làm rắn vỡ bụng mà chết. Từ đó dân làng được bình yên. Trần Thủ Độ còn hướng dẫn cho nhân dân nơi đây đắp đập khơi ngòi dẫn nước từ khe suối trên núi Nham Biền chảy ra để tưới cho đồng ruộng, ngài chỉ giáo cho dân cách làm ăn mở mang cơ nghiệp. Ghi nhớ công ơn ấy, dân làng Đông Hương đã tạc tượng quan Thái sư Trần Thủ Độ và vợ là Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, tôn làm thành hoàng làng và đưa vào trong đình làng để thờ phụng mãi mãi.
Đình Đông Hương hiện nay toạ lạc ở cạnh làng Đông Hương nhìn ra cánh đồng và dòng sông Cầu thơ mộng. Di tích được xây dựng từ lâu đời và đã được tu sửa lớn ở thời Nguyễn và các giai đoạn sau này. Bình đồ kiến trúc ngôi đình hiện nay kiểu chữ công gồm toà tiền đình, dải ống muống và hậu cung. Phần liên kết các vì mái theo kiểu vì truyền thống, chồng rường giá chiêng và cốn mê, nghệ thuật chạm khắc trên các cấu kiện kiến trúc đơn giản song vẫn đượm màu thời gian cổ kính. Trong đình hiện còn lưu giữ được nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị như sắc phong, các đồ thờ bằng gỗ, độc đáo nhất vẫn là hệ thống di sản bia đá có đến hơn 30 tấm bia đá khắc chữ Hán từ thời hậu Lê và thời Nguyễn. Đây là nguồn di sản văn hoá quý giá, khai thác nội dung văn tự trên văn bia sẽ giúp làm sáng tỏ hơn về phong tục tập quán vùng đất và con người nơi đây.
Hàng năm tại khu di tích đình Đông Hương dân làng mở hội truyền thống từ ngày 7 đến hết ngày 9 tháng 4 âm lịch với nhiều nghi lễ và trò chơi thể hiện bản sắc văn hoá dân gian độc đáo của vùng đất ở vào thế tựa núi nhìn sông. Các trò chơi dân gian như đánh đu, đấu vật, bắn vịt trên ao, lệ hát ví, hát ống, hát nhà tơ được diễn ra từ ngày mồng 7. Độc đáo nhất vẫn là tích trò diễn lại cảnh Trần Thủ Độ trừ rắn bảo vệ nhân dân. Trò chơi dân gian này còn gọi là tục "múa bông đánh bệt". Để diễn lại tích trò này, làng phải sắm một cái đầu rắn thật to và hung dữ, một nam thanh niên mình trần, đóng khố nằm đội đầu rắn, gọi là ông Bệt. Một người bưng rổ trứng nhử rắn ra ăn, hai người múa gậy đánh bệt (múa bông) cũng mình trần, quấn khố, đầu quấn khăn dìu đỏ, mặt hoá trang vết đen, vết đỏ thật đậm, tay cầm gậy bông. Người múa bông và người bưng rổ trứng múa hai bài để nhử rắn ra ăn trứng. Sau đó người múa bông và rắn quần nhau, vật lộn những pha tấn công nguy hiểm, sau hai bài múa, đầu rắn oằn oại, lảo đảo rồi lao đầu chạy ra ngoài cánh đồng cạnh cầu đá phía trước dãy núi Nham Biền, lao đầu xuống gầm cầu. Đây là nét văn hoá dân gian độc đáo, nó không những tạo sự khác biệt văn hoá dân gian vùng miền mà còn làm giàu thêm kho tàng văn hoá dân gian dân tộc.
Đình Đông Hương với dấu ấn văn hoá thời Trần đã làm nên nét văn hoá độc đáo, khẳng định bản sắc văn hoá truyền thống ở một làng Việt cổ bên núi bên sông.
Đồng Ngọc Dưỡng
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét