Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đình Đông thuộc làng Đông, xã Bích Sơn, huyện Việt Yên, nay thuộc thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên.
|
Làng Đông nằm giữa điểm giao thoa giữa khu vực miền núi, trung du (gồm các xã Minh Đức, Nghĩa Trung) và đồng bằng (thuộc các xã Bích Sơn, Hồng Thái) của huyện, mà làng Đông - thị trấn Bích Động là điểm trung chuyển. Đây chính là cơ sở để vùng đất này hội tụ nên các yếu tố lịch sử, văn hóa mang sắc thái riêng.
Đình Đông được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII), là một công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của vùng giáp ranh trung tâm huyện lỵ, xưa đình có bình đồ kiến trúc hình chữ đinh (J) gồm tiền đình 5 gian, 2 chái, gắn với hậu cung 3 gian. Đến năm 1911, đình được nhân dân sửa chữa và thu gọn lại còn 3 gian, 2 chái, phía trước đình là hai dãy nhà tả vu và hữu vu, mỗi dãy ba gian. Năm 1951, do yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đình đã bị phá bỏ, đến năm 2003, nhân dân đã trùng tu, tôn tạo lại ngôi đình có dáng vẻ uy nghi, tố hảo như hiện nay. Đình có kết cấu kiến trúc theo kiểu con chồng, kẻ truyền, toàn bộ bộ khung chịu lực được làm bằng gỗ lim, chắc khỏe, mái lợp ngói mũi hài, tường bao xây bằng gạch, phủ vữa, đóng cửa bức bàn, nền được lát gạch vuông đỏ…
Hiện trong đình còn lưu giữ được nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị như: bức đại tự, câu đối, hương án, bài vị…là những đồ thờ tự có niên đại thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX) có giá trị nghiên cứu khoa học và giá trị lịch sử, văn hóa.
Đình Đông thờ thành hoàng làng là thánh Tam Giang, năm 1892, Đề Thám đã làm lễ tế cờ nhận chức tại đây, phát động nhân dân tiếp tục đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, sau đó cụ Thống Luận tướng lĩnh của Đề Thám đã giúp dân sửa lại đình để làm chỗ hội họp, vì thế ngoài việc tổ chức các hội lệ tại đình cũng là dịp dân làng cùng nhau ôn lại truyền thống hào hùng đánh giặc ngoại xâm của vùng quê lịch sử. Lễ hội tại đình Đông được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng (âm lịch) hằng năm đã đáp ứng được nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân nơi đây nói riêng và nhân dân trong vùng nói chung.
Đình Đông không chỉ là một di tích lịch sử, văn hóa mà còn là một di tích lịch sử cách mạng, nơi lưu dấu những mốc son lịch sử hào hùng của làng Đông nói riêng, của xã anh hùng (Bích Sơn xưa), thị trấn Bích Động ngày nay nói chung. Trong cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế (1884-1913), đình Đông là một trong những cứ điểm của phong trào, đình là địa danh quen thuộc của nghĩa quân Yên Thế. Nơi đây, đã diễn ra một sự kiện lịch sử trọng đại, nơi in đậm dấu tích của một giai đoạn lịch sử hào hùng: Ngày 19 tháng 12 năm 1892, sau khi lãnh đạo của phong trào khởi nghĩa Yên Thế Lương Văn Nắm (đề Nắm) bị sát hại, Hoàng Hoa Thám (đề Thám) đã cùng hơn 400 binh sĩ tổ chức làm lễ tế cờ tại đình Đông và chính thức trở thành vị thủ lĩnh của phong trào thay đề Nắm tiếp tục phát triển phong trào khởi nghĩa Yên Thế (1892 - 1913). Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đình Đông là điểm nằm giữa hai bốt, đồn địch (đồn Bích Động và bốt Mỏ Thổ), là địa điểm liên lạc trong vùng giáp ranh, nhiều cơ quan và nhiều đồng chí lãnh đạo từ Trung ương, tỉnh, huyện đã về sơ tán và đóng trụ sở tại đình.
Đình là nơi ghi dấu một bước ngoặt của phong trào khởi nghĩa Yên Thế dưới sự chỉ huy của thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám. Chính vì giá trị lịch sử ấy, đình Đông đã được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích Lịch sử - Văn hóa theo Quyết định số 226 VH/QĐ, ngày 5 tháng 2 năm 1994.
Quang Huy
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét