Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Đình Phi Mô thờ các công chúa và danh tướng thời Lý



  
Bức chạm: “Mẫu tử” - Mẹ bồng con ở đình Phi Mô.
Đình Phi Mô, xã Phi Mô (Lạng Giang) là nơi còn lưu giữ nhiều nét kiến trúc cổ độc đáo, là nơi thờ phụng các công chúa và danh tướng thời Lý.
Ngôi đình nằm ở đầu làng có cảnh quan đẹp, tiện cho việc tổ chức lễ hội và các trò diễn xướng dân gian. Đình Phi Mô được khởi dựng từ lâu đời và đã được tu sửa qua nhiều giai đoạn. Di tích hiện nay mang nét kiến trúc đan xen của thời hậu Lê và thời Nguyễn. Trong đình còn lưu giữ các di vật và đồ thờ tự như: ngai bài vị thờ, kiệu, long đình, văn cúng, văn tế và nhiều đồ thờ tự khác có giá trị. Song giá trị nổi bật của di tích đình Phi Mô chính là nghệ thuật kiến trúc và tín ngưỡng về người được thờ trong di tích.
Ngô đình có bình đồ kiến trúc hình chữ đinh gồm tiền đình ba gian hai chái và hậu cung hai gian. Phần liên kết các vì mái theo lối kiến trúc cổ truyền thống: kiểu chồng rường giá chiêng, vì nách liên kết kiểu cốn mê và con chồng. Điều độc đáo trên các cấu kiện kiến trúc ở đình còn bảo lưu được những nét chạm khắc đẹp công phu, với nhiều đề tài nghệ thuật truyền thống. Các con chồng chạm hình vân mây, đao mác tinh tế, các đầu dư chạm lộng hình đầu rồng với nhiều râu dài vặn xoắn lại khá đẹp mắt. Các bức cốn mê cũng chạm lộng đẹp các đề tài hình rồng và linh thú ngộ nghĩnh. Nghệ thuật chạm nổi và chạm chìm rất tinh tế có giá trị nghệ thuật cao của phong cách thời hậu Lê. Đặc biệt trong đình có bức cốn mê ở vì nách chạm cảnh "mẫu tử" - mẹ bồng con bú. Nghệ thuật tả thực kết hợp kỹ thuật chạm nổi, thể hiện trên bức chạm gỗ có màu sáng ngà, cảnh "mẫu tử"  - mẹ đang bồng con bú rất tình cảm. Người mẹ mặc yếm váy đang ngồi bồng con, một tay gối đầu trẻ, tay kia choàng ôm lấy lưng con trẻ. Bức chạm không chỉ đẹp ở nghệ thuật tạo hình mà còn thể hiện sự cách tân trong tư duy sáng tạo của người Việt xưa. Nó vượt qua khuôn mẫu sẵn có của tư tưởng nho giáo mà thay vào đó là hình ảnh sinh hoạt rất đời thường của người nông dân Việt Nam.
Ngoài giá trị kiến trúc nghệ thuật, đình Phi Mô còn có giá trị nổi bật là nơi thờ các công chúa và danh tướng nhà Lý. Căn cứ vào bài vị và văn cúng của đình cho biết đình  Phi Mô thờ thần Quý Minh, các công chúa và danh tướng nhà Lý là Thiên Thành, Thiên Cực và An Trung đại vương. Thần Quý Minh là thuộc tướng đời Hùng Vương đã có nhiều công lao với dân với nước được nhiều làng xã lập đình, đền tôn thờ. Thiên Thành, Thiên Cực là các công chúa nhà Lý được gả cho các quan lại là các tù trưởng thuộc vùng đất Châu Lạng. Dưới các đời vua Lý, thường dùng chính sách "nhu viễn" nhằm ràng buộc và thắt chặt mối liên kết giữa các tù trưởng với vương triều, giữa chính quyền trung ương với các châu mục, thổ ty địa phương miền núi. Vua Lý thường gả các công chúa cho các tù trưởng miền núi trong đó có vùng Châu Lạng. Theo Việt Sử lược thời Trần cho biết: Trong Châu Lạng có động Giáp (tức là động của họ Giáp rất to), chúa động là Giáp Thừa Quý lấy con gái vua Lý sau đổi ra họ Thân. Con trai của Giáp Thừa Quý là Thân Thiệu Thái lấy công chúa Bình Dương. Năm Bính Ngọ (năm 1066) con trai của công chúa Bình Dương là Thân Đạo Nguyên cưới công chúa Thiên Thành. Cũng sách này chép: Năm Đinh Hợi (năm 1167 là năm Chánh Long Bảo Ứng thứ năm, công chúa Thiên Cực về với quan Lạng Châu mục là Hoài Trung Hầu (An Trung đại vương).
Như vậy căn cứ vào sử liệu đã ghi chép vùng đất Lang Châu xưa (nay thuộc tỉnh Bắc Giang) là nơi ở của các công chúa và các danh tướng nhà Lý trong đó có quan Lạng Châu mục Hoài Trung Hầu. Do có nhiều công lao với dân với nước trong việc đánh đuổi quân Tống xâm lược nên đã được nhân dân vùng Lạng Châu tôn thờ trong các di tích đình, đền. Dọc đôi bờ sông Lục Nam - Lục Ngạn có rất nhiều điểm di tích tôn thờ các vị công chúa và các danh tướng nhà Lý. Nhưng điểm di tích ở Lạng Giang tôn thờ các vị thần này thì còn ít, có lẽ đình Phi Mô là điểm di tích đầu tiên tôn thờ các vị danh thần nói trên.
Theo tục lệ, hàng năm đình làng Phi Mô được mở hội vào mồng 9 tháng Giêng. Ngay từ mồng 8, đình được mở cửa để sửa soạn đồ thờ tự, phong cờ quạt. Ngày mồng 9, làng tổ chức rước các Thánh từ đền về tập trung tại đình để tế lễ. Trong những ngày lễ hội, phần tế Thánh có tục đọc trúc văn, ôn lại sự tích người được thờ. Sau phần tế là phần hội với nhiều tục trò chơi dân gian như: đánh đu, đấu vật, chọi gà, cờ tướng…
Đình Phi Mô với kiến trúc nghệ thuật độc đáo và tín ngưỡng về người được thờ, không những phản ánh bề dày lịch sử của quê hương, trong đó có dấu ấn thời Lý với cuộc kháng chiến vĩ đại chống quân Tống xâm lược, mà còn khẳng định vị trí phên dậu của vùng đất Bắc Giang trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc.
Đồng Ngọc Dưỡng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét