Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Đình Phù Lão và những mảng điêu khắc gỗ độc đáo



  
Đình Phù Lão. - Ảnh: VH
Đình làng là một trong những di sản văn hoá đặc trưng, tiêu biểu của người Việt Nam. Trong quá trình mở mang đất đai, lập ấp, định cư, đi đến đâu người dân Việt đều lập đình để thờ Thành hoàng làng, Tiền hiền, Hậu hiền (là những người có công lao với người dân trong vùng). Đình còn là nơi các quan lại địa phương dưới triều đại phong kiến điều hành, cai quản toàn bộ hoạt động của làng và là trung tâm sinh hoạt văn hoá của cộng đồng dân cư.
Cũng như nhiều làng, xã khác trong tỉnh, người dân làng Phù Lão, xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang cũng tạo dựng cho mình một ngôi đình từ những năm cuối của thế kỷ XVII. Mặc dù qua bao năm tháng chiến tranh giặc giã, nắng mưa tàn phá, sự xuống cấp bởi thời gian qua nhiều lần tu bổ, đình Phù Lão vẫn giữ nguyên được cho mình những nét cơ bản của ngôi đình cổ Việt Nam, nhất là về mảng kiến trúc nghệ thuật.

Đình Phù Lão được khởi dựng vào năm 1688, thời vua Lê Chính Hoà thứ 15. Từ nguyên sơ đình Phù Lão có kiến trúc theo lối chữ nhất (-), chỉ có toà đại đình dài 13m, rộng 12m; sau này mới nối thêm phía sau 2 gian hậu cung. Phía trước, bên trái đình Phù Lão còn có một tấm bia tứ diện khá hơn, cao hơn 1m ghi công bà Đào Thị Hiền đã đóng góp tiền của xây dựng đình, tấm bia này cũng là minh chứng cho năm xây dựng đình. 
Đình là nơi thờ thánh Cao Sơn - Quý Minh, ngoài ra còn thờ hai vợ chồng ông Hậu là những người có công tạo dựng ngôi đình.

Đình Phù Lão toạ lạc trên một dải đất cao, thoáng, đẹp ở phía đầu làng Phù Lão. Lưng đình xây ra phía ngoài, mặt đình quay về phía xóm làng, ẩn mình dưới bóng đa xanh mát, soi mình xuống bến nước trong veo. Chỉ cảnh quan, môi trường không thôi cũng đủ để cho ai cũng cảm nhận được rằng tự ngày xưa ông cha ta đã chọn nơi đây để dựng lên một ngôi đình với hàm ý cầu mong cho sự trù phú của con cháu về sau, sự trù phú của dân làng xã Đào Mỹ hôm nay.

Nói tới đình Phù Lão thì nét nổi bật nhất không phải là ở sự to lớn, bề thế mà là ở những nét, những mảng điêu khắc gỗ cực kỳ đẹp, độc đáo. Ngôi đình này có tới 4 hiệp thợ cùng chung sức đua tài. Mỗi hiệp thợ phụ trách một góc đao, mỗi hiệp có một kiểu tạo dựng riêng, vậy mà khi ghép mộng tất cả lại vừa khít các mộng, kích cỡ đều ăn khớp đâu vào đấy; có hiệp thì nghiêng về tạo dựng, phô diễn những khối tròn; có hiệp nghiêng về tỉa tót các mảng chạm khắc công phu với những vật rõ ràng; có hiệp lại giữ nguyên nét đục thô ráp mà quyến rũ... Tất cả tạo cho đình Phù Lão một vẻ đẹp riêng. Chính sự đa dạng về kiểu thức kiến trúc ấy đã tạo nên giá trị hiếm có của di tích. Ngôi đình như những bông hoa đủ màu đang đua nhau khoe sắc. Riêng về con giống cũng rất nhiều loại: rắn, kỳ đà, ngựa, chuột, thằn lằn, cáo, chồn..; rồng cũng vô cùng đa dạng: rồng đàn, rổng ổ, rồng múa, rồng bay, rồng cắn đuôi nhau, rồng chầu, con to, con nhỏ đua nhau uốn khúc, luồn lách trên đầu, trên râu, dưới bụng nhau, con lại bò toài đầu thì ngoắt lại, mông quay ra ngoài thật ngộ nghĩnh...; những hình hoa, lá, thú vật hoà vào với thiên nhiên hợp thành một môi trường hoạt động của con người. Ở đình Phù Lão hình ảnh con người xuất hiện trong các mảng chạm khắc cũng tự do bay bổng không kém: Có người cưỡi rồng, người lại chui hẳn vào miệng rồng, kích cỡ con người trong các mảng chạm khắc cũng có độ to nhỏ khác nhau: Người to thì từ 20-25cm, người nhỏ thì lại chỉ có 1,2cm; có người đơn lẻ một mình song cũng có những cảnh sinh hoạt đông vui như cảnh hội hè, săn bắn, đấu vật, tình tự...

Với những giá trị kiến trúc - nghệ thuật điêu khắc gỗ độc đáo riêng có ấy, đình Phù Lão đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia.
Thanh Huyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét