Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Đình Phương Lạn - di tích kiến trúc nghệ thuật thời Lê độc đáo



  
Đình Phương Lạn (còn có tên Nôm là đình Sàn), trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 là xã thuộc tổng Lan Mẫu, huyện Phượng Nhỡn, phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc; nay thuộc xã Phương Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Đây là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo: Đình - Chùa với quy mô lớn và cổ kính vào bậc nhất ở huyện Lục Nam (hiện nay).
Với niên đại khởi tạo mang niên hiệu Vĩnh Thịnh, đình Sàn là một trong những ngôi đình và đình có sớm nhất trong Tứ Trấn. Đặc biệt với các huyện miền núi của Bắc Giang và với Lục Nam thì đình Sàn là công trình kiến trúc đình cổ xưa bậc nhất còn lại cho đến nay. Đình Phương Lạn được khởi dựng vào năm Ất Mùi triều vua Vĩnh Thịnh (Lê Dụ Tông - Duy Đường) năm thứ 11 (1715) như trên câu đầu bên trái của ngôi đình đã khắc). Hai bên cột trụ đá có hai tấm bia đẹp khắc nổi chữ Hán: Hạ Mã. Qua cổng đình, bên phải là chùa Sàn, đi thẳng vào là tòa đại đình 3 gian hai dĩ, hai chái cao, rộng, bề thế, uy nghiêm với bốn đầu đao cong vút, cải đắp tuyệt vời. Bờ nóc đắp "Lưỡng long chầu nguyệt", hai đầu có kìm và sấu, bờ dải đắp nổi nghê chầu, phượng múa, sinh động vô cùng. Tất cả bờ nóc, bờ dải đều gắn hoa chanh, chạy suốt, tôn thêm vẻ đẹp uy nghiêm, to lớn, vượt trội hẳn lên, nhưng vẫn nhẹ nhàng, thanh thoát bởi sự kết hợp hài hòa đến tinh xảo các đường ngang, nét thẳng với các đường cong vút lên mềm mại, sinh động.
Thông thường, đình làm kiểu chữ Đinh (J) nhưng đình Phương Lạn làm kiểu chữ công (I) có nghĩa là ba gian dải muống nối liền với ba gian hậu cung, và ba gian hậu cung cũng có đao chầu kẻ góc rất đẹp. Khiến cho toàn bộ ngôi đình đồ sộ này vượt trội hơn hẳn các ngôi đình khác ở phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang. Hơn nữa, vẻ đẹp hài hòa của kiến trúc ngoại thất với kết cấu nội thất đình với các mảng phù điêu, cốn, kẻ, bẩy, đầu dư... trang trí kiến trúc làm ta phải giật mình, ngưỡng vọng. Đình có kết cấu khung mái kiểu thượng con chồng, giá chiêng, hạ con chồng - cốn, kẻ trường chắc khỏe, đẹp. Đặc biệt, đây là đình thời Lê còn khá nguyên vẹn, nhưng khung cột cái cao vượt hẳn lên và cột quân thấp hẳn xuống tạo cho lòng đình cao rộng mà rất thoáng đạt. Với kết cấu "Tứ hàng chân" này của hệ thống khung cột đã tạo cho mái đình có độ dốc nước lớn, mái xoải rộng làm cho ngôi đình vừa bền, chắc, vững vàng, đồ sộ mà bên trong lại cao thoáng và rộng rãi mà vẫn nhẹ nhàng, thanh thoát.
Về trang trí kiến trúc, cho đến nay đã gần 300 năm trôi qua, nhưng các mảng phù điêu vẫn còn khá nguyên vẹn kiểu thức của ngày khởi tạo: cốn trước, cốn sau, cốn hai bên thuận, hai trái dày đặc, mang phong cách mỹ thuật chạm lộng tinh xảo đến phiêu dật của thời Lê với các đề tài phong phú như: "Cửu long tranh châu", "Long ổ", "Long vân dạ hội", "Long hí cầu"... Sẽ là thiếu sót nếu ta không nói đến những mảng điêu khắc kiến trúc dày đặc lên đến tận nóc của cửa cấm hậu cung và các vì bên trong, cùng các cột đều sơn son, vẽ rồng mây dày đặc. Khám thờ trong hậu cung sáng lòa, rực rỡ bởi hai long đình sơn son thếp vàng, hai ngai thờ, trong có hai pho tượng thần lộng lẫy, bài vị sơn thếp thời Lê cùng kiệu bát cống và rất nhiều đồ thờ khác với tranh nhà điện thánh sơn mài... Cả tòa ngang dãy dọc của ngôi đình như một bảo tàng kiến trúc mỹ thuật và nghệ thuật chạm lộng, sơn son thếp vàng điển hình của thời Lê - Nguyễn.
Trong đình hiện còn lưu giữ được khá nhiều đồ thờ tự quý thời Lê như: Kiệu bát cống, chấp kích, bát biểu, long ngai, bài vị, khám thờ, long đình, hậu bành, tượng thánh bằng gỗ, hương án, câu đối, sắc phong thân của các triều vua... cùng nhiều đồ thờ khác.
Sang cuối thế kỷ XIX, đình Phương Lạn được sửa chữa, thu nhỏ cả nội và ngoại thất như: Đắp cải rồng chầu mặt nguyệt ở bờ nóc đình và đắp thêm một số con giống (nghê, sấu...) gốc sử ở bờ nóc và bờ chảy đình, lợp lại mái... Nội thất thì cho lập thiết trần, lòng giếng, cửa võng, đồ thờ ngai kiệu và tượng thánh... còn cơ bản vẫn là đình thời Lê (đầu thế kỷ XVIII).
Cũng như bao ngôi đình cổ ở đôi bờ sông Thương, sông Lục, đình Phương Lạn thờ thánh Cao Sơn - Quý Minh và Minh Giang Đô thống, là những vị tướng của vua Hùng, đã có công đánh giặc giữ nước, hộ quốc tý dân, trừ tai diệt họa và đã được các triều đại phong kiến Lê - Nguyễn ban sắc phong thần.
Việc thờ phụng thánh thần được tổ chức rất trọng thể và tôn nghiêm với đầy đủ các tiết lệ (việc làng). Hằng năm, vào ngày 9 và 10 tháng Giêng (tương truyền là ngày sinh đức thánh) mở hội lớn, rước thánh từ đền (Rừng Chùa) về thờ ở đình, mở hội với tế lễ, trò vui, thi cỗ, chọi gà, cờ người, bắn cung... đặc biệt là chơi cướp cầu mong được mùa, hát cửa đình, diễn trò nhà Phật... Đình Sàn đã được Nhà nước xếp hạng là di tích kiến trúc - nghệ thuật.
THANH HUYỀN
(Ban Quản lý di tích Bắc Giang)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét