Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Đình Rùm và truyền tích ba anh em Khang công đánh hổ



  
Đình Rùm.
Đình Rùm thuộc xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, đình Rùm thuộc xã Khả Lễ, tổng Cương Sơn, huyện Lục Ngạn, phủ Lạng Giang. Đình Rùm được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng (khoảng nửa cuối thế kỷ XVIII) thờ thành hoàng làng.
Đình Rùm được xây dựng từ lâu đời, dân gian còn lưu truyền câu ca "Ngọn đình Cọc, gốc đình Rùm" (đình Cọc là ngôi đình to nổi tiếng của tổng Chu Điện, nay đổi tên là đình Ngọc Mai, xã Chu Điện) cũng đủ nói lên quy mô bề thế của một ngôi đình cổ xưa. Năm 1952, giặc Pháp càn từ Đồi Ngô vào Nghĩa Phương, phá đình lấy gỗ làm hầm, ngôi đình trở thành phế tích của cuộc chiến tranh. Năm 2007, nhân dân địa phương đã đóng góp tiền của, công sức xây dựng lại ngôi đình khang trang như hiện nay. Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đình Rùm vẫn còn lưu giữ được những nét kiến trúc và hệ thống cổ vật từ xa xưa như: Cột đá ghi chữ Hán, Quý Hợi niên (khoảng năm 1743), hệ thống chân tảng cột cái, cột quân và đường dũng đạo bằng đá gan gà... Đặc biệt, phía bên phải toà tiền tế còn bảo lưu được hai hiện vật bằng đất nung có giá trị nghệ thuật cao gồm: một con giống và một mô hình cá hoá long, là những thể khối dùng để trang trí trên bờ mái và đao đình cổ xưa. Đây là những hiện vật có niên đại khoảng thế kỷ XVII, XVIII, từ việc xác định được mốc niên đại này có thể giúp chúng ta đoán định những hiện vật cổ khác mà không  rõ niên đại nhưng có những nét tạo  tác tương đồng. Đồng thời, những hoạ tiết, hoa văn được tạo tác đẹp của hai hiện vật bằng đất nung này có thể làm tiêu bản để phục vụ cho công tác trùng tu, tu bổ những di tích có cùng niên đại khởi dựng (trong khoảng nửa cuối thế kỷ XVII và nửa đầu thế kỷ XVIII).
Tổng thể quy mô kiến trúc của đình Rùm gồm: nghi môn, đường dũng đạo bằng đá cổ, sân đình, toà tiền tế và hậu cung. Trong đình hiện đã phục chế được một đạo sắc phong thời vua Thiệu Trị thứ 6 (năm 1846) phong cho đình thờ đức Cao Sơn đại vương làm thành hoàng làng. Qua nghiên cứu về vùng đất nơi đây và tham khảo các tài liệu như: thần tích, sắc phong, văn tế tại đình được biết đình Rùm thờ ba anh em Khang công là: Tản Viên Sơn Thánh (một trong Tứ bất tử), Cao Sơn và Quý Minh. Ba vị thần này đầu thai vào nhà họ Khang có công đánh hổ tinh bảo vệ đất nước. Về sự tích của Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh có nhiều tài liệu nói tới với nhiều sự tích tương đồng nhau, một trong những tài liệu chính xác nhất về ba vị đại vương thời Hùng Vương thứ 18 này phải kể đến tấm bia đá cổ (tạo dựng thế kỷ XVI) tại đình Kim Liên, một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long - Hà Nội. Theo  sách Bắc Giang địa chí xuất bản năm 1937:  Cháu ba đời vua Viêm đế là Đế Minh sinh ra lộc tục, hiệu là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương thừa mệnh phụ thân xuống cai trị phương Nam, lấy thiên uy mà gọi họ Hồng Bàng, đặt hiệu nước là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình là Thần Long sinh ra Sùng Lãm, hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Lộ Nương, hiệu là Âu Cơ tiên, sinh ra trăm trứng, nở trăm con, chia làm trăm họ, trăm tên, phong làm trăm vua, chia nhau ra góc bể đầu non, làm thuỷ tổ trăm họ nước Việt.
Việt Hùng Lân Vương là con trưởng ở lại nối ngôi cha, rời đô ra đất Phong Châu, đổi hiệu nước là Văn Lang, nối truyền 18 đời Hùng Vương. Đến thời Hùng Duệ Vương, xảy ra nạn hổ lang yêu quái. Đức thánh Tản Viên mở xem tiên bạ có duyên tái thế, bèn cùng hai em đầu thai vào cửa Khang công. Bấy giờ, Khang công ở Mã Yên động, vợ là Trịnh Thị Rượu đã 63 tuổi mà chưa có con. Năm ấy, thụ thai, ngày mồng 10 tháng 11 sinh ra một bọc ba con trai.
Khang công đặt tên ba con là: Tùng, Hiển, Sùng. Lớn lên ba anh em được gậy trúc trượng của Thái Bạch tinh quân, chỉ sống được sống, chỉ chết phải chết, cứu được Long vương Thái tử, lại được quyển sách ước (Thần thư quyển ước). Ba anh em cùng làm tông thống một đời.
Duệ Vương gả công chúa cho Sơn Thánh Tản Viên. Gặp lúc hổ lang yêu quái tàn dân, hại vật. Duệ Vương bèn sai Tản Viên tiễu trừ. Tản Viên tâu hai em chia đi các nơi để trừ yêu, trói quỷ. Công thành danh mãn, anh em lại trở về núi Tản Viên, núi Lãng Sơn, núi Nộn Sơn. Nhân dân cảm công đức thờ làm thần minh.
Duệ Vương phong làm Nhạc phu thần (thần núi). Sau ba anh em hoá ngày 11 tháng 3. Đến thời vua Trần Anh Tông phong làm Tả Nhạc phủ (Hiển Công) là Cao Sơn đại vương, tặng hai chữ Quý Minh, lại sai Phủ Doãn cử Xuân nhật tới Đông giáp phường ở Hà Đông đặt lễ yết bái. Nơi nào có đền thờ đều có sắc phong là Linh ứng Thượng đẳng thần"...
Nằm trong vùng "sông Lục, núi Huyền", đình Rùm là một ngôi đình cổ, khang trang, tố hảo cả về không gian cảnh quan kiến trúc, về thuyết phong thuỷ và cả về hệ thống cổ vật tiêu biểu của huyện Lục Nam và của tỉnh Bắc Giang.
Ngoài giá trị lịch sử - văn hoá, đình Rùm còn là nơi có cảnh sắc đẹp của vùng, hợp với khu suối Mỡ thuộc xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam sẽ tạo nên khu du lịch nổi tiếng của vùng đất Bắc Giang, thu hút đông đảo khách du lịch tới tham quan, nghỉ mát.
Khuê Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét