Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Đình Sàng Bến



  
Lãnh đạo UBND xã Tân Quang, đại diện phòng VH&TT huyện cùng nhân chứng tại đình Sàng Bến.
Đình Sàng Bến thuộc thôn Sàng Bến, xã Tân Quang, huyện Lục Ngạn. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đình Sàng Bến thuộc xã Tân Quang, tổng Hả Hộ, châu Sơn Động.
Đình Sàng Bến được xây dựng trên một khu đất rộng, cao ráo, thoáng đãng, xung quanh được bao bọc bởi khu dân cư thôn Sàng Bến, trước mặt tiền là con sông Lục Nam uốn khúc chạy quanh, phía xa xa là dãy núi Ông Voi và dải Am Vãi án ngữ, phía tả của ngôi đình có 6 cây đa cổ thụ soi bóng mát, phía bên hữu có khu giếng thiên tạo thường được gọi là giếng Hào. Giếng Hào là một mạch nước ngầm chảy từ lòng đất quanh năm không hết nước. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, giếng Hào là mạch nước nuôi bộ đội và dân quân, du kích khi về làng Sàng Bến hoạt động. Đình Sàng Bến có bình đồ kiến trúc hình chữ nhất, gồm 3 gian, 2 chái kết cấu kiến trúc theo kiểu kẻ chàng, giá chiêng, mái được lợp bằng ngói mũi, trên đỉnh bờ nóc có đắp nổi hình "lưỡng long chầu nguyệt" rất đẹp. Hiện trong đình còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ, quý như: bộ kiệu bát cống, bộ bát bửu, trống thờ... thời Nguyễn (thế kỷ XIX), khoảng 20 bát hương sành, gốm Phù Lãng (thế kỷ XIX) trang trí hình "lưỡng long chầu nguyệt", tứ linh, tứ quý, hoa văn chữ thọ... được tạo tác tinh tế và 2 bộ nhang án gỗ (thế kỷ XIX) với các đề tài trang trí "lưỡng long tranh châu", tạo theo kiểu chân quỳ dạ cá với các đề tài hình rồng, hình mặt hổ phù, hoa văn hình kỷ hà... Đây là hai loại cổ vật đẹp, quý thường xuất hiện tại các di tích cổ kính ở dưới xuôi, trên đất Lục Ngạn ít di tích còn lưu giữ được.
Đình Sàng Bến là công trình văn hóa tín ngưỡng được nhân dân xây dựng thờ thành hoàng làng là đức thánh Cao Sơn, Quý Minh (hai vị danh tướng thời Vua Hùng thứ 18); thờ thánh Tam Giang (tướng lĩnh thời Triệu Quang Phục, thế kỷ VI) và thờ Tướng quân Vũ Thành, Nam Sơn, Hồng Vũ và Công chúa nhà Lý. Lễ hội hàng năm được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng và 15 tháng 8, trong ngày hội nhân dân Sàng Bến có tổ chức làm lễ tế các vị thần, bày tỏ tấm lòng thành kính đến các vị thần đã đem lại cuộc sống ấm no cho muôn dân, thái bình cho đất nước. Ngoài tế lễ, nhân dân có tổ chức vui hội với các trò chơi dân gian đặc sắc như: đấu vật hát tuồng, lễ hội bơi chải với nghi thức cầu mùa...
Đình Sàng Bến là một công trình kiến trúc còn lưu lại được những yếu tố cổ kính từ kiến trúc, hiện vật, cổ vật... tiêu biểu trên đất Lục Ngạn, được nhân dân địa phương bảo lưu từ bao đời nay. Đình Sàng Bến không chỉ là một di tích lịch sử - văn hóa mà còn là một điểm lưu dấu một sự kiện lịch sử trọng đại của quân và dân Lục Ngạn. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đình là nơi cất giấu vũ khí của quân đội. Vào tháng 8 năm 1952, Đại hội Đại biểu lần thứ II Đảng bộ huyện Lục Ngạn đã được tổ chức trọng thể tại đình.
Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ vừa kháng chiến vừa phát triển vùng quê miền núi phía Đông Bắc của tỉnh, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, đình là nơi sơ tán và là trụ sở làm việc của Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn 305 về hoạt động tại địa phương trong những năm 1964-1965. Năm 1966-1967, đình Sàng Bến là nơi tổ chức các lớp học của Trường Tiểu học Tân Quang.
Năm 2005, đình Sàng Bến đã được UBND tỉnh ra Quyết định công nhận là di tích lịch sử - văn hóa. Từ đó đến nay, nhân dân Sàng Bến luôn bảo quản và phát huy tốt giá trị của di tích.
Quang Huy (Ban quản lý di tích tỉnh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét