Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Đình Vường: Di tích kiến trúc - nghệ thuật ở Tân Yên



  
Đình Vường. Ảnh: Anh Tuấn
Đình Vường còn có tên chữ là đình Vượng, xưa thuộc thôn Hậu, xã Chung Sơn, tổng Tuy Lộc Sơn, huyện Yên Thế nay thuộc thôn Hậu, xã Liên Chung, huyện Tân Yên.
Đình Vường nằm trên một quả đồi nhỏ cuối làng Hậu, mặt hướng nam đây là một vị trí đẹp của cả làng: cao, rộng, thoáng đãng; đằng trước có đường làng, đằng sau có hồ rộng, đi lại sinh hoạt thuận tiện. Đình Vường là nơi thờ nhị vị thánh Cao Sơn - Quý Minh, hai danh tướng giỏi có công giúp vua Hùng Duệ Vương đánh tan quân Thục, giữ yên bờ cõi.
Đình Vường có niên đại khởi dựng khoảng đầu đời Chính Hòa (1682). Điều này cũng phù hợp với tư liệu điều tra, tức là ngôi đình này được tạo dựng sau khi sáp nhập 3 làng nhỏ lại cách đây khoảng trên dưới 400 năm. Và đây cũng là khoảng niên đại chung cho hàng ngàn ngôi đình ở xứ Bắc.
Đình Vường là ngôi đình to, rộng, bề thế, kết cấu kiểu chữ công (I) với tòa đại đình 3 gian, hai chái, có sàn, dải muống rộng điêu khắc đẹp nối với hậu cung 3 gian 2 chái nhỏ hơn. Cũng đao tàu bẻ góc, đầu dư cột cái, kết cấu con chồng chắc chắn, cửa cốn bức bàn suốt cả 3 gian, khám thờ bưng gỗ, trên hương án đủ đồ thờ và long ngai, bài vị; 2 gian bên cạnh để 2 ngựa thờ: một hồng, một bạch. Ngoài cửa võng là hai hạc thờ cúng trên lưng quy ngoảnh cổ ra. Mỏ hạc chấm xà hạ đại đình.
Tất cả nền đình được bó bằng 2 hàng đá xanh, lòng gian giữa đình lát toàn phiến lớn. Kể từ ngày khởi tạo, đến nay đã trên dưới 300 năm, ngôi đình vẫn giữ nguyên vị trí, chỉ có điều đã bị hỏng mất 2 xảo xá trước sân đình, cổng tam quan to rộng, bề thế đã bị hỏng, trong các cây cổ thụ của đình, một số cây đã bị hạ để thay thế sàn đình bị hỏng. Trong kháng chiến chống Pháp, đây là nơi liên lạc, hội họp của dân quân, du kích và địa phương quanh vùng Yên Thế hạ, liên quan chặt chẽ với căn cứ tiền tiêu núi Dành. Còn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khu vực đình Vường là nơi cất giữ kho phim dự trữ quốc gia gần 10 năm, suốt hai đợt chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc.
Căn cứ vào dòng lạc khoản khắc trên kẻ góc chái đình thì ngôi đình này được trùng tu lại năm Bính Tý - niên hiệu Bảo Đại năm thứ 11-1936. Trong đó, đã thay một số đầu dư, tháo bỏ một số mảng điêu khắc thời Lê, thay hoành xà, con chồng hoành nên không còn lạc khoản của ngày khởi tạo. Đây là ngôi đình thứ 4 có kiến trúc độc đáo, điêu khắc tinh xảo mà ta mới biết đến, ngoài 3 ngôi đình đã xếp hạng, đó là đình Phù Lão (xã Đào Mỹ - Lạng Giang), đình Nội (xã Việt Lập - Tân Yên) và đình Cao Thượng (Tân Yên).
Nét độc đáo của đình Vường vượt trội các ngôi đình kia bởi: Bờ nóc, bờ dải còn nguyên gạch rỗng trang trí hoa thị; các đầu đao ở tòa đại đình và 4 đầu đao ở hậu cung còn nguyên và mái đều phẳng, lại được đặt trên một địa thế đẹp, thoáng với nhiều cây cổ thụ xum xuê tỏa bóng.
Kết cấu khung cột của đình Vường rất chắc khỏe: Thượng con chồng giá chiêng, hạ con chồng hoành, đấu kê với các mảng phù điêu chạm lộng, chạm bong kênh với nhiều đề tài phổ biến như: "Cửu long tranh châu", "tiên múa", "long vân đại hội", "long ổ", "nghê hí cầu"…
Điều độc đáo nữa ở đình Vường là về mặt điêu khắc: Các đầu dư trên cột cái vì thế 4 đầu quay mặt chầu ở giữa đình; các đầu dư cột quân và đầu dư ở dải muống đều có và đầu ở dải muống cũng quay chầu giữa tòa đại đình; các đầu dư ở cột cái hậu cung cũng được tạo tác tinh xảo nhưng nhỏ hơn. Vì vậy, điều dễ nhận thấy nhất ở ngôi đình này là: Rất nhiều đầu dư, dư cột cái, dư cột quân, dư dải muống, dư hậu cung với rất nhiều kiểu dáng khác nhau, đẹp lộng lẫy.
Xét về giá trị quý báu trong kiến trúc - nghệ thuật, ngày 25 tháng 01 năm 1991, đình Vường đã được Nhà nước xếp hạng là di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia.
Thanh Huyền(Ban Quản lý di tích tỉnh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét