Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Đình Xuân Đám và tục thờ Bố Cái Đại Vương



Đình Xuân Đám, xã Xuân Phú (Yên Dũng) nằm bên bờ bắc dòng sông Thương, nhìn ra dãy Nham Biền non xanh hùng vĩ. Nơi đây là địa danh nổi tiếng với các chiến tích lịch sử của quân và dân Đại Việt chống giặc phương Bắc từ thời Bắc thuộc đến các triều đại phong kiến Lý, Trần, Lê sau này. Ngôi đình được nhân dân địa phương xây dựng thờ Bố Cái Đại Vương tức Phùng Hưng.
Vốn xuất thân ở đất Đường Lâm, nay là xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội, Phùng Hưng là thủ lĩnh cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống lại sự thống trị của nhà Đường ở Việt Nam thời Bắc thuộc lần thứ ba (602-905), đuổi được người phương Bắc và cầm quyền cai trị một thời gian. Cho tới nay, ngày sinh của ông vẫn chưa rõ. Các sách chính sử như Đại Việt sử ký Toàn thư, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục ghi ông mất năm 791, chỉ một thời gian ngắn sau khi giành được chính quyền. Sau khi ông mất, con trai ông là Phùng An lên nối ngôi, dâng tôn hiệu cha là Bố Cái Đại Vương. Phùng An nối nghiệp được hai năm thì chính quyền lại rơi vào tay giặc. Nền tự chủ vừa mới xây dựng, chỉ tồn tại khoảng 9 năm. Quan quân nhà Đường liên tục truy sát những người trong gia tộc họ Phùng. Theo các dòng sông lớn, dòng họ Phùng toả về các vùng núi trung du, các vùng hạ lưu các con sông lớn nhỏ để lập nghiệp trong đó có vùng đất Bắc Giang. Xuân Đám, miền đất bên dòng sông Thương được dòng họ Phùng chọn làm nơi sinh cơ lập nghiệp và cho xây dựng đền, miếu là tiền thân của ngôi đình sau này để tôn thờ Bố Cái Đại Vương tức Phùng Hưng. Cho tới nay, người dân làng Xuân Đám- Yên Dũng vẫn còn lưu truyền câu chuyện dân gian về Phùng Hưng dùng mưu kế giết hổ dữ mang lại bình yên cho xóm làng: Thời bấy giờ dãy núi Nham Biền rừng cây còn rậm rạp, ban đêm thường có hổ dữ về làng bắt lợn, bắt người, khi ấy Phùng Hưng đã nghĩ cách làm con bù nhìn bằng rơm giống như người, một tay cầm gậy, buổi tối bù nhìn được dựng ở giữa đường làng. Hổ dữ đi qua tưởng là người liền vồ ăn thịt nhưng không phải, nhiều lần như vậy nên những lần sau hổ dữ đã bỏ qua không để ý đến. Khi ấy Phùng Hưng đã nguỵ trang, tay cầm cây đại đao đứng thay vào chỗ con bù nhìn chờ lúc hổ dữ đi qua không chú ý liền bị ông đâm chết. Từ đó nhân dân được yên ổn làm ăn, cuộc sống ấm no, mọi người ai cũng khâm phục, kính nể ông. Sau này dân địa phương đã lập đình, đặt linh vị tôn thờ làm thành hoàng làng Xuân Đám. Ngôi đình hiện nay toạ lạc ở cánh đồng thuộc làng Xuân Đám, bên bờ bắc dòng sông Thương. Di tích được xây dựng từ lâu đời và đã được tu sửa qua nhiều giai đoạn. Bình đồ kiến trúc ngôi đình hiện nay kiểu chữ đinh gồm toà tiền đình ba gian và hậu cung hai gian, kiến trúc mái kiểu vì kèo, quá giang, các cấu kiện kiến trúc không chạm khắc nhưng vẫn còn đượm màu thời gian cổ kính. Đình Xuân Đám có giá trị nổi bật là người được thờ và các tài liệu, hiện vật còn lưu giữ trong di tích như tấm bia đá thời Lê dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 16 (1720) có nội dung ghi về việc phụng thờ hậu thần, các nghi tiết phụng thờ hậu thần và nội dung văn ước của làng…  Hằng năm, vào ngày mồng mười tháng Giêng âm lịch, nhân dân địa phương mở hội làng, tổ chức rước kiệu, bài vị và sắc phong từ đền ra đình tế lễ. Sau đó vui các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, độc đáo nhất vẫn là tích trò diễn lại sự tích Phùng Hưng đánh hổ năm xưa.
Đình Xuân Đám được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh năm 2009.
Đồng Ngọc Dưỡng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét