Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Khám lớn Sàigòn và cuộc giải thoát “Phan Xích Long hoàng đế”



Xem h�nh
Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM nằm trong khuôn viên Khám Lớn Sài Gòn ngày xưa

Đúng 96 năm về trước, tại Sài Gòn đã xảy ra một sự kiện gây chấn động dư luận. Đó là vào đêm 14 rạng ngày 15.2.1916, khoảng 300 hội viên của tổ chức yêu nước Hội kín đã tấn công Khám Lớn Sài Gòn để giải thoát “Phan Xích Long hoàng đế” và những tù nhân khác đang bị thực dân Pháp giam cầm. 57 nghĩa sĩ vô danh đã anh dũng ngã xuống trước họng súng quân thù.

Khám lớn Sài Gòn ở đâu?

Đây là câu hỏi mà không ít người các thế hệ hôm nay đặt ra. Bởi cái tên Khám Lớn Sài Gòn khá quen thuộc trong sử sách lẫn trong những câu chuyện về quá khứ của thành phố, nhưng dấu tích của nó hiện nay chẳng còn gì, nên ít người biết đến.

Cách đây tròn 120 năm, vào năm 1886, thực dân Pháp cho xây dựng tại trung tâm thành phố Sài Gòn một nhà giam tù nhân, gọi là Khám Lớn Sài Gòn (Maison Centrale de Saigon), đến năm 1890 thì xây xong. Ban đầu, khám dài khoảng 30m và rộng 15m, có lối đi hẹp ở giữa hai dãy khám, vách tường sơn đen, chỉ chừa cửa sổ nhỏ ở trên cùng, rất ngột ngạt, nên tù nhân dễ bị bệnh tật. Sau một thời gian, do số tù nhân tăng lên, khám phải xây thêm nhiều phòng mới, tường cao bao quanh, gồm hai dãy nhà một tầng và hai dãy nhà trệt, phân chia thành nhiều khu vực để giam cầm nhiều hạng tù khác nhau.

Cây đa cổ thụ - “chứng nhân”
lâu đời của Khám Lớn Sài Gòn
Khám Lớn Sài Gòn trở thành khám đường lớn nhất Nam Kỳ lục tỉnh bấy giờ, giam giữ tra tấn tù nhân người Việt, người Hoa lẫn người Âu, có lúc lên tới 1.500 - 2.000 người. Nhiều nhà yêu nước và cách mạng nổi tiếng đã từng bị giam giữ tại đây như: Nguyễn An Ninh, Phan Xích Long, Phan Văn Hùm, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Nguyễn, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Tống Văn Trân, Lý Tự Trọng,... Trong khám có khu biệt giam tù chính trị, xà lim án chém, phòng để máy chém và khu hành quyết tù nhân. Chiếc máy chém do thực dân Pháp đưa sang năm 1917, cao 4,5m, lưỡi dao nặng 50kg. Ngày 20.11.1931, người anh hùng trẻ tuổi Lý Tự Trọng đã ngã xuống trước cái máy chém này. Trước đó, ngày 10.10.1929 chúng cũng đã dùng máy chém đó để xử tử hai người cộng sản tiền bối Ngô Thêm và Trần Trương Công,...

Theo các cứ liệu lịch sử, Khám Lớn Sài Gòn được xây trên mảnh đất xưa vốn là chợ Cây Da Còm, giới hạn bởi bốn con đường Lagran Dière (nay là đường Lý Tự Trọng), Mac Mahon (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa), Espagne (Lê Thánh Tôn) và Filippini (Nguyễn Trung Trực) . Đối chiếu với thực địa hiện nay, khám nằm trọn trong khuôn viên Thư viện khoa học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Dưới thời thuộc Pháp, Khám Lớn Sài Gòn cùng với Toà án Sài Gòn (xây năm 1881-1885) và Dinh Thống đốc Nam Kỳ (xây 
Thư viện Khoa học
tổng hợp TP.HCM
năm 1885-1890) nằm ở ba góc tạo thành “tam giác quỷ” là “biểu tượng” cho bộ máy thống trị của chế độ thực dân ở Nam kỳ lục tỉnh. Đến ngày 8.3.1953, sau khi xây xong khám Chí Hoà, chính quyền Bảo Đại đã cho phá huỷ Khám Lớn Sài Gòn, phóng thích một số tù nhân, còn lại khoảng 1.600 người cùng chiếc máy chém chuyển về khám Chí Hoà. Bảy năm sau - 1960, khi Ngô Đình Diệm truất phế Bảo Đại lên nắm chính quyền ở miền Nam đã dùng chiếc máy chém này để hành hình ông Hoàng Lệ Kha - tỉnh uỷ viên Tây Ninh. Trước sự lên án kịch liệt của dư luận trong và ngoài nước, “nhà Ngô” phải ra lệnh “xếp xó” mãi mãi chiếc máy chém ghê rợn này vào khám Chí Hoà.

“Phan Xích Long hoàng đế” là ai ?

Ông tên thật Phan Phát Sanh, sinh năm 1893 ở Chợ Lớn, nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, sớm có tinh thần yêu nước mong đánh đuổi giặc ngoại xâm, đem lại thái bình cho dân. Vào khoảng năm 1911, lúc mới 18 tuổi, Phan Phát Sanh được các ông Nguyễn Hữu Trí và Nguyễn Văn Hiệp tôn làm lãnh tụ tổ chức Hội kín chống Pháp. Đây là phong trào yêu nước nông dân mang màu sắc tôn giáo. Để thu hút được đông đảo hội viên, kế tục phong trào yêu nước Cần Vương, Phan Phát Sanh chủ trương lấy danh nghĩa con vua Hàm Nghi, tự phong mình là “Đông cung”, rồi tôn là “Phan Xích Long hoàng đế”, về vùng Thất Sơn ở biên giới Tây Nam dựa vào núi non hiểm trở lập căn cứ địa mưu đồ lâu dài cho sự nghiệp cứu nước.

Nhiều nông dân áo vải lẫn dân giang hồ tứ chiếng có tinh thần yêu nước đã “đầu quân” dưới trướng Phan Xích Long hoàng đế. Ông và bộ tham mưu Hội kín của mình đã cho in truyền đơn kêu gọi nhân dân nổi dậy chống Pháp, bí mật đem rải các nơi mà chủ yếu tập trung ở Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn. Bên cạnh đó, Phan Xích Long cũng đích thân đi nhiều tỉnh để vận động chống Pháp.

Theo kế hoạch, vào đêm 23 rạng ngày 24.3.1913, các hội viên Hội kín Phan Xích Long sẽ ném bom và tạc đạn vào các đồn binh Pháp ở Sài Gòn và Chợ Lớn. Tuy nhiên, kế hoạch đã bị bại lộ và khi các hội viên Hội kín hăm hở hành động thì... bom lại không nổ, bị địch phục kích trấn áp, bắt bớ. Trước đó hai ngày, lãnh tụ Phan Xích Long cũng đã bị bắt khi đang ở Phan Thiết. Địch di lý vị thủ lĩnh trẻ tuổi cùng các nghĩa quân về giam ở Khám Lớn Sài Gòn để khảo tra.

Cuộc giải cứu bất thành

Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa
thời Pháp thuộc là đường
Mac Mahon - một trong
bốn con đường bao quanh khám.
Dù thủ lĩnh Phan Xích Long nằm trong ngục, nhưng bên ngoài các hội viên của ông vẫn bí mật hoạt động và chờ cơ hội ra tay để cứu thủ lĩnh. Năm 1916, gần ba năm sau ngày Phan Xích Long bị bắt, quân Pháp bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Cảm thấy thời cơ đã đến, các hội viên Hội kín đã lên kế hoạch tấn công Khám Lớn Sài Gòn để giải cứu Phan Xích Long cùng các nghĩa sĩ. Nửa đêm 14 rạng sáng15.2.1916, khoảng 300 hội viên từ các tỉnh thành Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, Biên Hoà, Thủ Dầu Một... bí mật tề tựu về trung tâm thành phố xông vào phá khám đường. Với vũ khí chủ yếu là gươm giáo, mã tấu thô sơ, các nghĩa sĩ không thể đương đầu với súng đạn của bọn thực dân bảo vệ khám. Trước sự đàn áp khốc liệt của kẻ thù, 19 nghĩa sĩ đã hy sinh ngay trong đêm phá khám, một số khác thì bị bắt.

Cuộc phá ngục giải cứu Phan Xích Long bất thành, nhưng đã gây chấn động dư luận trong và ngoài nước. Thực dân Pháp vừa truy lùng các hội viên của Hội kín còn lại, vừa đưa ra toà kết tội những người bị bắt. Chúng kết án Phan Xích Long cùng 37 nghĩa sĩ của ông vào tội tử hình và đưa ra Đồng Tập Trận hành quyết ngay sau đó, vào ngày 22.2.1916 để thị uy những người chống đối.

Như vậy, trong sự kiện hào hùng và bi thương này có tất cả 57 nghĩa sĩ đã hy sinh. Riêng vị thủ lĩnh trẻ tuổi Phan Xích Long ngã xuống trên pháp trường của quân thù khi ông mới 23 tuổi, để lại niềm thương tiếc lẫn nể phục trong lòng những người dân Việt yêu nước. Tên tuổi Phan Xích Long cũng đã trở thành tên chung cho những hội viên Hội kín yêu nước đã bỏ mình vì đại nghĩa. Để tưởng nhớ nghĩa khí của họ, từ lâu tại Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều thành phố khác đã đặt tên đường Phan Xích Long.

Tuy nhiên, nhiều lúc tôi tự hỏi: Hàng ngày, những bạn đọc đến Thư viện khoa học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, mấy ai biết được chính chỗ họ đang ngồi bình yên say sưa đọc sách vốn ngày xưa từng là Khám Lớn Sài Gòn đã giam cầm, thậm chí vùi chôn cả xương máu của nhiều bậc tiền nhân đáng kính, trong đó có các nghĩa sĩ của Hội kín Phan Xích Long 96 năm về trước?
Nguyễn Minh Nhật (Theo Kiến Thức Ngày Nay 562)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét