Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

Thưởng ngoạn núi Tà Cú

Tại thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, có một ngọn núi luôn nổi bật trên nền trời xanh ngắt, giữa những vườn thanh long sai trĩu quả, đó là núi Tà Cú - một địa danh gắn liền với di tích lịch sử văn hóa chùa Linh Sơn Trường Thọ và tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn lớn nhất Ðông Nam Á.

Khu du lịch núi Tà Cú lâu nay vốn là nơi có khí hậu lý tưởng, rất thuận lợi cho việc nghỉ dưỡng với tổng diện tích hơn 250.000m2, bao gồm cả rừng, núi và biển trong quần thể sinh thái phong phú, đa dạng. Từ năm 2003 đến nay, núi Tà Cú còn nổi tiếng với hệ thống cáp treo, giúp du khách có thể vừa ngắm cảnh một vùng đồng bằng cực Nam Trung Bộ vừa tận hưởng không khí trong lành của vùng rừng nguyên sinh ngay bên dưới. Cả tuyến cáp treo có 25 -35 cabin, đóng mở tự động, mỗi cabin chở được 6 người, di chuyển trên đường cáp dài 1.600m và cao 500m. Công suất tải khách lên xuống trong vòng 1 giờ có thể lên đến 1.000 lượt khách, chỉ mất từ 7-10 phút để đến ga trên.

Cổng chào Khu du lịch núi Tà Cú tại thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Du khách mua vé vào tham quan Khu du lịch núi Tà Cú.

Hệ thống xe điện đưa du khách từ cổng chào đến nhà ga cáp treo.
Ngoài ra, du khách còn có thể thong thả dạo bộ để thưởng ngoạn phong cảnh.

Nhà ga cáp treo được xây dựng trên một phiến đá lớn.

Mỗi cabin có thể chở được 6 du khách. Với hệ thống cáp hiện đại,
mỗi giờ hệ thống cáp treo ở đây có thể vận chuyển khoảng 1.000 lượt du khách.

Đi cáp treo lướt qua Khu rừng nguyên sinh Tà Cú.

Phong cảnh vùng đồng bằng cực Nam Trung Bộ nhìn từ cabin cáp treo.

Từ cổng khu du lịch, xe điện chở thẳng du khách đến trạm ga lên núi, cách đó khoảng vài trăm mét. Chọn cho mình và bạn đồng hành một cabin, du khách sẽ bắt đầu cuộc hành trình, bỏ lại phía sau không gian rộng lớn. Phía dưới chân là những ngọn cây cổ thụ với dây leo mọc um tùm, hoang sơ, gợi cho du khách cảm giác thật thư thái, dễ chịu. Đi lên cao nữa, trước mặt du khách sẽ là biển Hàm Thuận Nam, còn bên trái là ngọn hải đăng Kê Gà nổi tiếng, hơn 100 tuổi, bên những bãi đá tuyệt đẹp đang dập dềnh sóng vỗ.

Xuống trạm ga trên, không khí trở nên mát hẳn. Tiếp tục theo con đường mòn, rồi đi thêm hơn 100 bậc thang nữa, du khách ngỡ ngàng trước một tổng thể kiến trúc tượng Phật, tháp mộ, miếu thờ của di tích chùa Linh Sơn Trường Thọ nằm ngay trên đỉnh núi trong khi phía dưới và xung quanh, trời đất như đang ôm trọn lấy. Đầu tiên là cảnh tịnh độ nhân gian với ba pho tượng Phật Di Đà, Quan Thế Âm và Đại Thế Chí, hiện là một trong bảy cấp của cảnh tịnh độ đạo tràng theo Quán kinh và Kinh Di Đà do sư trụ trì Thích Vĩnh Thọ phác thảo từ năm 1960. Màu vôi trắng toát của các pho tượng giữa màu xanh cây rừng tạo nên cảnh hùng vĩ siêu nhiên. Tất cả được hình thành dựa theo thế núi nên chùa Trên, chùa Dưới đều quay mặt về hướng Đông Nam với đặc trưng kiến trúc chùa theo phái Bắc Tông, dù qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được nét riêng cổ kính, mái cong lợp ngói, lưỡng long chầu nguyệt đang nhuốm màu rêu phong. Gặp buổi sớm, khi những đám sương mù còn bao phủ lẫn vào lớp đá hoa cương thì khung cảnh này rất dễ đưa du khách phiêu bồng, ngỡ đây là cõi mộng của trần gian.

Tuy vậy, công trình mang tính đồ sộ và độc đáo nhất vẫn là di tích “Song Lâm Thị Tịch” với pho tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn lớn nhất Ðông Nam Á, dài 49m, cao 11m, trong tư thế nằm nghiêng, lưng tựa vào vách núi, gối đầu lên tay. Tượng được khởi công xây dựng từ năm 1962 và gần 4 năm sau mới hoàn thành. Từ đó đến nay, hàng triệu lượt du khách, Phật tử đã hành hương về đây viếng thăm, thắp hương cầu Phật trong khung cảnh hùng vĩ, oai nghiêm trên đỉnh núi Tà Cú.


Cổng chùa Linh Sơn trên núi cao.

Không gian cổ kính như rũ bỏ bụi trần cho du khách tham quan núi Tà Cú.

Cảnh tịnh độ nhân gian với ba pho tượng Phật Di Đà, Quan Thế Âm và Đại Thế Chí.

Du khách thắp nén hương thành kính với các vị chư Phật.

Chùa Linh Sơn giữa cảnh núi non hùng vĩ.

Tảng đá có hình bàn cờ vây trên đỉnh Tà Cú.

Du khách lên đỉnh núi theo đường bộ.

Tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn lớn nhất Ðông Nam Á.

Phật tử thành kính dâng hương lễ Phật.

Những gian hàng lưu niệm bắt mắt men theo con đường bộ hành trong Khu du lịch núi Tà Cú.

Du khách mua mủ trôm, một loại nguyên liệu làm món giải khát thanh nhiệt nổi tiếng Bình Thuận.

Khu nhà hàng với dịch vụ du thuyền thiên nga mang đến cho du khách những giây phút thư giãn
và thưởng thức món ngon của Bình Thuận.

Không chỉ là thắng cảnh du lịch, núi Tà Cú còn được biết đến là Khu rừng bảo tồn thiên nhiên quốc gia, có thảm động, thực vật phong phú với hơn chục loài quý hiếm, có tên trong sách Đỏ của thế giới như: thằn lằn đá Gekko takouensis sp. nov Ngô & Gamble, thằn lằn chân ngón Cyrtodactylus takouensis Ngô & Bauer, gà gô, diều núi, voọc bạc Trường Sơn, chà vá chân đen…, các loại cây quý như: Afzelia xylocarpa, Irvingia malayana… và trên 150 loại cây thuốc.

Đến đây vào mỗi độ Xuân về, du khách thỏa thích ngắm hoa mai vàng, hoa vông đỏ nở thơm nức cả cánh rừng. Đặc biệt, dòng nước suối trong vắt tuôn ra từ những tảng đá trên núi mát lạnh, có vị ngọt lịm, vốc một hụm nước đưa lên miệng thưởng thức, cứ ngỡ đang tận hưởng nguồn nước Cam lộ, vốn chỉ có trong truyền thuyết…
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Nguyễn Luân
Nằm ven quốc lộ 1 A thuộc thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, cách TP Phan Thiết 28km về phía Nam. Tà Cú là ngọn núi dài nhất châu Á có đỉnh cao 649 m so với mặt nước biển. Nơi đây có phong cảnh hữu tình với bờ biển trải dài, đá núi đủ hình dạng được bao phủ bởi các loại cây rừng …tất cả tạo cho Tà Cú một vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ.
Tà Cú được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu quanh năm không khí trong lành, mát mẻ, hơi nước toát ra từ núi đá với không khí mát lạnh hấp dẫn trong mùa hè. Phong cảnh hùng vĩ nên thơ của núi rừng làm cho chùa Núi càng thêm nổi tiếng.
Chùa núi Tà Cú hay còn gọi là Chùa Núi là một thắng cảnh đẹp với đầy đủ các hạng mục của thiên tạo và nhân tạo. Đến với Chùa Núi du khách không những được thưởng ngọn cảnh đẹp thiên nhiên mà còn được tận mắt chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc tại chùa. Nổi bật nhất là pho tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn dài 49m, cao 7m từng được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập là tượng Phật Thích Ca Niết bàn dài nhất Việt Nam và Tổ chức kỷ lục Châu Á xác lập là tượng Phật Thích Ca Niết bàn trên núi dài nhất châu Á. Tác phẩm do kỹ sư Trương Định Ý xây dựng năm 1962. Và nhóm tượng Tam Thế Phật: A Di Đà, Quan Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí, cả 3 pho tượng đều có chiều cao khoảng 7m với nét mặt hiền hòa đang nhìn bao quát thế gian như để sẵn sàng cứu nhân độ thế. Di tích Chùa Núi Tà Cú được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia ngày 11/9/1993.
Xưa kia, Núi Tà Cú là một ngọn núi lửa thuộc đệ nhất nguyên đại nên trong đất có vàng sa khoáng và sulfur, trong nước suối có hoạt chất của các loại rễ cây thuốc như ngũ gia bì, thần xạ, đỗ trọng bắc... rất tốt để chữa một số bệnh.
Chùa Núi Tà Cú hiện là một trong những điểm du lịch khá nổi tiếng ở Bình Thuận. Cảnh chùa cổ kính, tượng phật trầm tư và dấu thiêng của sư tổ từ buổi khai sơn cách đây trên một trăm năm luôn làm du khách ngỡ ngàng. Vào các mùa trong năm lúc nào cũng có khách thập phương đến viếng Phật, ngắm cảnh chùa và rừng núi, nhất là dịp Xuân về Tết đến và ngày giỗ Tổ Hữu Đức hàng năm (mùng 5 tháng mười âm lịch).
Trước đây khi chưa có hệ thống cáp treo, khách hành hương hay vãn cảnh chùa phải vượt qua hàng ngàn bậc tam cấp với đoạn đường ngoằn ngoèo giữa rừng già có nhiều đoạn dốc đá chênh vênh. Điều thú vị là bên những con đường ngoằn nghèo giữa khu rừng hoang sơ ấy du khách lại cảm thấy gần gũi khi nghe tiếng nước chảy róc rách từ khe đá hoặc tiếng chim hót véo von giữa đại ngàn…Với hệ thống cáp treo ngày nay, du khách sẽ có dịp trải nghiệm cảm giác bồng bềnh cùng mây núi, ngắm cảnh rừng cây nguyên sinh bên lưng núi hay những vườn cây Thanh long bạt ngàn lượn mình theo quốc lộ 1A.
Khánh Chi (TTVN)
Tổ chức kỷ lục Việt Nam vừa đề cử Tượng Phật nằm trên núi Tà Cú (thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) lập kỷ lục Đông Dương về độ dài.


Tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn (Phật nằm) đặt tại ngôi chùa Tà Cú, trên núi nay. Tượng được đúc bằng bêtông, quét vôi trắng dài với thế nằm nghiêng gối đầu lên tay, mặt quay về hướng Nam dài 49m (tượng trưng 49 năm từ khi Đức Phật thành đạo đến khi nhập diệt), rộng (nơi bàn chân) 8,8m, cao (2 bàn chân xếp lên) 4,9m, cao (từ vai xuống) 12,2m.


Tác phẩm do nghệ nhân Trương Đình Ý chủ trì được tạo tác từ năm 1958 đến 1962 và hoàn toàn được làm bằng công sức lao động của con người, không dung máy móc hay cần trục, cùng với sự hỗ trợ của đông đảo Phật tử khắp các tỉnh miền Nam.



Tượng Phật toát lên vẻ an lạc trong một cấu trúc tôn nghiêm nhưng giản dị. Cách thể hiện những đường nét trong bộ cà sa trên thân tượng rất đơn giản nhưng sắc như triết lý của đạo Phật.
Trải qua hơn 45 năm, với nhiều biến cố lịch sử, tượng có một ít chỗ bị nứt nhưng nhờ được trùng tu nên vẫn giữ được tổng thể, tôn nghiêm. Nhờ vậy, tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn còn khá nguyên vẹn, thể hiện quy mô bề thế, nghệ thuật xây dựng, tạo tác tinh tế. 
Núi Tà Cú còn có tên gọi trước đây là Trà Cú và tuy chỉ cao 649m nhưng từ xưa nơi đây đã được xem là một kỳ sơn. Vào khoảng 1870-1880 thời vua Tự Đức, tổ Hữu Đức húy Thông Ân (1812-1887) đã khai sơn lập chùa trên núi và được các chư hậu tổ tiếp tục trùng tu. Ngôi chùa Tà Cú nằm ở độ cao 563m.

Bảo Bình (tổng hợp)

Trở lại ngọn núi thiêng



GN - Trước đây nhiều năm, tôi đã đến khu du lịch này, lúc đường lên núi chưa có phương tiện cáp treo... Những thay đổi về cảnh quan, giờ đây, hiện ra trước mắt tôi là nhà nghỉ, nhà hàng, vườn hoa… trong khu vực đã được quy hoạch...
Thông tin cho người… ưa du lịch
Những “con số” ghi chép này, là dành cho những ai muốn đến ngọn núi thiêng này, và đã được in trong tập tài liệu mỏng mà một cán bộ của khu du lịch trao cho tôi. Ấy là, khu vực núi rộng hơn 250.000m2, thuộc thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, nằm sát Quốc lộ 1A, cách TP.HCM 170km, cách thành phố Phan Thiết 30km. Hệ thống cáp treo với tuyến cáp dài 1.600m, độ cao 505m với 2 nhà ga trên-dưới, với tổng đầu tư 64 tỷ đồng, hoạt động từ tháng 9-2004, do Tập đoàn Doppelmayr (Cộng hòa Áo) sản xuất v.v... và v.v…
tacu05.JPG
Tượng Phật trên núi Tà Cú được trao kỷ lục châu Á - Ảnh: V.Giang
Riêng tôi, tôi vẫn thích toát mồ hôi khi leo núi, thay vì ngồi trong cabin lướt như… ru mà ngắm nhìn toàn cảnh núi rừng, biển xa, đồng gần. Tất nhiên, từ ngày có đường cáp treo, khách đến ngoạn cảnh, hành hương chiêm bái Phật Tổ nhiều hơn, vì không phải ai cũng “điên khùng” mà chịu cuốc bộ, leo dốc.
Tập tài liệu mà tôi nhận được, tất nhiên là kể khá nhiều về “những điều bí ẩn tuy chưa giải thích được nhưng hàm súc tính nhân văn và giá trị văn hóa cao”. Còn tôi, tôi chỉ ghi lại những thấy và nghe của riêng mình, chuyện cũ và chuyện mới. Ấy là…
Nhìn để mà… nhận
Ấy là, khi đang “lơ lửng” trên đường lên núi, anh bạn Nguyễn Văn Biện hơi “phiền não” vì ống kính không bắt được chiều sâu cho pô ảnh: hướng lên thì contre với ánh sáng, hướng xuống thì “mù mờ”. Thôi, đành hẹn một cơ duyên khác vậy. Tôi mô tả cho anh về nét huyền ảo của đêm trăng Tà Cú với lời “chúc phúc” cho cái máy ảnh khá xịn của anh.
Linh Sơn Trường Thọ, khu chùa chính với chùa trên và chùa Tổ, bắt đầu xây dựng khoảng năm 1870-1880, đến nay đã qua vài đợt trùng tu, và là nơi khách dừng chân đông đúc nhất. Tôi không dừng ở đó, mà đi tiếp đến Linh Sơn Long Đoàn, nơi sư Minh Thiện mà tôi quen biết trụ trì.
Đến chùa được một lát thì trời mưa. Tiếng mưa, giọng suối hòa với lời gió ràn rạt đùa giữa đại ngàn vừa gợi nên cảm giác nhỏ bé trước thiên nhiên, đồng thời dường như mở ra cánh cửa cho con người hội nhập với đất trời… Nửa phần đầu của cái cảm giác ấy có lẽ không xa lạ với nhiều người khi đối diện với vô cùng thiên nhiên nhưng nửa phần sau, phải mất hàng chục năm tôi mới hiểu được, rằng, để cảm nhận được sự hòa-nhập-trở-về này, con người phải kinh qua dằng dặc những kiếm tìm lắm khi vô ích. Và, tôi thầm cám ơn gió và mây, cây cỏ, ánh sáng và thanh âm của đất trời cùng những con người tốt bụng mà tôi may mắn gặp đã dần dần gieo trồng trong tôi cái cảm thức ấy…
Còn lác đác ít sợi mưa. Nhiều người leo con dốc ngắn lên chiêm bái tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết-bàn. Tượng dài 49m, cao 12m, khởi công xây dựng từ năm 1962 và gần bốn năm sau thì hoàn tất. Dân gian truyền rằng, ngọn núi hội tụ linh khí, vì thế, những ai có tâm nguyện chí thành thì lời cầu mong thường được ứng nghiệm. Phần mình, nơi đây, tôi đã hai lần cảm nghiệm được cái mà tôi gọi là sóng-thức, khi tiếp xúc với những lực mà tôi chưa từng gặp trước đó. Điều này có vẻ bất thường, nhưng là điều có thực. Giản dị, bởi tất cả chúng ta chẳng phải đang sống giữa vô vàn những trường, những xung động vô hình đó sao?
Đám đông du khách lặng lẽ, nhiều người chắp tay vái lạy đấng Thế Tôn. Có những người đứng yên, trầm tư. Tôi hiểu rằng trong số họ, có người có niềm tin tôn giáo, có người không. Nhưng tâm trạng chung vẫn là lòng kính ngưỡng trước sự vĩ đại của một con người đi tìm và đã tìm thấy được con đường đưa đến hạnh phúc cho nhân loại. Con đường ấy là sự vượt thắng những tăm tối của chính bản thân mình, là sự khảo sát tuyệt đối nhất và triệt để nhất những trạng thái mù lòa vi tế của tâm thức vô tận, như chính lời Ngài đã dạy: “Đứng lại thì chìm xuống, bước tới thì trôi giạt, chỉ có vượt qua…”. Vâng, chúng con xin thành tâm và luôn dặn lòng: Gate, gate, paragate, parasamgate…
Từ chân tượng đấng Thế Tôn, leo qua những tảng đá lớn vài trăm mét là đến hang Tổ. Tổ thuộc dòng Lâm Tế, sinh ngày 8-2 năm Nhâm Thân (1812), quê gốc Tuy An, Phú Yên. Trước khi lên núi, Ngài thường trú ngụ trong hang đá ven biển, sau khi chèo thuyền nan từ Phú Yên vào đây. Năm 1880, Hoàng Thái hậu Từ Dũ lâm trọng bệnh, các ngự y bó tay. Tổ Hữu Đức được chiếu vua vời nhập cung nhưng do đã phát nguyện không rời khỏi núi, Tổ chỉ cho thảo dược và vài mật chú Chuẩn Đề. Vậy mà Hoàng Thái hậu hồi phục. Vì thế mà vua Tự Đức kính ngưỡng và ân tứ sắc phong bốn chữ “Linh Sơn Trường Thọ”, còn đến ngày nay. Có vào hang Tổ, mới sinh lòng e sợ trước nỗ lực tu tìm của người xưa. Miệng hang hẹp, chỉ vừa một người chui lọt. Lòng hang chỉ vài mét vuông, phần bằng phẳng vừa đủ cho một người nằm. Lấy nước uống thì phải luồn thật sâu xuống khe hẹp chìm trong lòng hang nữa… Lòng từ của Tổ đã thu phục được cả chúa sơn lâm. Khi Người viên tịch, bạch hổ về chầu rồi cũng hóa theo.
tacu03.JPG
Trên đỉnh Tà Cú nhìn xuống - Ảnh: V.Giang
Gửi lại lời chào
Đêm Tà Cú lơ mơ như không có thực. Chúng tôi ngồi trò chuyện trong cảnh “thương mang vân hải gian” (*) biến ảo, đẹp không tả được. Đà Lạt có những đêm sương mờ ảo nhưng không huyền hoặc như đêm Tà Cú. Có lẽ do Tà Cú không bị (hay chưa bị?) cái chất đô thị làm giảm đi những sắc điệu lung linh của thiên nhiên. 
Đêm Tà Cú còn lưu nét sơ nguyên hoang dã của rừng với bóng tối mênh mang, với tiếng gió gào ngàn, lời suối ầm ào, hơi mưa cô tịch. Hơn 10 giờ, một cú điện thoại đường dài cắt chúng tôi ra khỏi những phút yên lặng: một anh bạn ở xa đang… buồn. À, hóa ra cái căn bệnh “nhức răng trong tim” bất trị muôn đời của con người là sự ám ảnh của nỗi cô đơn vẫn không buông tha bất cứ ai, trừ những người đã… đáo bỉ ngạn. 
Sau tiếng chuông ấy, chúng tôi ngồi yên cho đến lúc đi ngủ. Nhưng dường như phải khá lâu, mỗi người mới đi vào những giấc mơ của riêng mình. Lướt qua rất nhanh hình ảnh Hội An với những con phố buồn thiu của tuổi thơ tôi, những con đường gập ghềnh và những đám người nhẫn nại bước đi, màu nắng mơ hồ một chân trời mất dấu… Có tiếng gõ cửa, không, trong mơ tôi vẫn biết đó là tiếng nước giọt bên mái hiên và những ánh vô hình bay giăng trong đêm tối… 
Tôi thầm nói, cám ơn Tà Cú, của riêng tôi và của những ai còn muốn tìm đến một nơi thanh sạch ít oi lưu lại giữa những ngày này. 
Nguyễn Đông Nhật
--------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét