Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Khen ai khéo tạc... bia Nghè Nếnh


Ở tỉnh Bắc Giang hiện tàng lưu hơn 1.300 tấm bia. Tấm có niên đại sớm nhất được phát hiện năm 2001 ở vườn chùa Hang Tràm (tên chữ là Nham Nguyệt tự) thuộc thôn Liễu Nham, xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng. Bia được khắc dựng vào năm Xương Phù 11 (1387) dưới triều Trần.
Tấm bia Hán - Nôm có niên đại muộn nhất được phát hiện ở đình Trung Đồng, xã Vân Trung, huyện Việt Yên khắc dựng năm Đinh Hợi (1947). Trong bài viết này chúng tôi tập trung giới thiệu về tấm bia tiêu biểu nghệ thuật chạm khắc bia đá thế kỷ XVII, đó là bia Nghè Nếnh.
Hiện Nghè Nếnh thuộc thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên. Bia được soạn/ khắc/ dựng năm Đức Nguyên nguyên niên (1672) để ghi nhớ công đức của Hán Quận công Thân Công Tài. Bia cao tổng thể 1,65m, hình thể dáng long đình. Bia tứ diện đều, phong cách độc tôn của nửa sau thế kỷ XVII. Tấm bia được tạo bởi hai khối đá được trau chuốt vô cùng kỹ lưỡng gồm khối đế bia và khối kia là thân và mái/ đỉnh bia. Thật khó tìm được tấm bia nào trên đất nước Việt Nam lại được chạm khắc cầu kỳ, tinh tế như tấm bia này. Trừ phần lòng văn, mái/ chóp bia thì những bộ phận còn lại của 4 hướng/ góc/ cạnh bia đều được chạm khắc các mảng phù điêu có hoạ tiết/ hoa văn trang trí độc đáo.
Nét độc đáo đầu tiên trên tấm bia này phải kể tới là 4 cột bia ở 4 góc bia mà chưa hề thấy ở nơi nào khác có được. Lẽ thường thì đó là những cặp đường diềm trên thân bia, nhưng ở đây diềm bia được các nghệ nhân điêu khắc xưa thổi hồn thành 4 long trụ (cột rồng). Mỗi cột là một con rồng ẩn hiện uốn khúc quanh thân cột. Đuôi rồng hình bút có đủ vây lườn. Thân rồng uyển chuyển xuống dưới chân cột nơi có lớp lớp thuỷ ba dồn dập giáp đế bia rồi thân rồng biến ẩn trong muôn trùng vân vụ rồi đột ngột hiện ra đầu rồng với vẻ dữ tợn kỳ lạ. Long trụ được chạm khắc với trình độ siêu việt. Hình rồng trên chất liệu đá mà ẩn hiện trong mây, trong phong ba bão tố có nhiều tầng lớp không gian, tạo độ sáng tối hài hoà khiến ta có cảm tưởng bức tranh được thể hiện bằng kỹ thuật chạm khắc kênh bong trên gỗ vậy.
Nét độc đáo thứ hai trên tấm bia này chính bốn mảng chạm trên 4 đường diềm giáp chân đế được chạm khắc như 4 bức phù điêu nghệ thuật phản ánh chân thực cuộc sống hồn hậu của người dân quê đương thời.
Mảng ở mặt trước bia là bức phù điêu đề tài song ngư liên ngoạn. Khác với những bia cùng thời thường miêu tả đôi cá chép với bố cục đăng đối, đôi cá ở đây tạo ở tư thế vờn nhau âu yếm mỗi con mỗi vẻ. Khoảng cách giữa đôi cá là hai nón lá sen nhô cao khỏi mặt nước, cạnh đó một bông sen chúm chím nở. Tất cả liên - ngư đều được tả rất thật, rất chi tiết đến từng gân lá, từng đôi râu cá cũng được thể hiện như thật. Thưởng ngoạn bức hoạ này chúng tôi cứ ngỡ nó là cội nguồn, gốc gác của các mảng chạm đề tài cá chép vượt vũ môn mà ta thường gặp trên các cấu kiện kiến trúc đình Bắc Giang thời kỳ sau đó.
Mảng ở cạnh bên phía trái tuy không còn đầy đủ nhưng vẫn còn có thể trông thấy một số hình trang trí thật sống động. Hình như, đó là bức tranh miêu tả các trai gái thôn quê vui vầy bên bến ao làng. Nhìn rõ nhất là những hình ở bên phải bức tranh. Có một cô gái búi tóc đang cúi xuống vốc nước đùa nghịch. Cô không mặc váy yếm gì cả, vì thế mà lộ rõ đôi gò bồng đảo thật gợi cảm.  Ngay bên cạnh có một trai làng cởi trần đóng khố ngồi cạnh vẻ mặt mãn nguyện xênh xang, tay phải giấu dưới làn nước, tay trái giơ cao qua đầu bạn gái, có lẽ anh ta đang thật thích thú bởi trò chòng ghẹo ngộ nghĩnh bên bến nước. Lấp ló sau chàng trai có thêm một cô gái cũng ở trần nhưng thẹn thùng làm duyên bằng hình ảnh lấy chiếc nón thúng che nghiêng khuôn mặt… Phía sau cô gái làm duyên còn mấy lớp hình nữa thật khó kể một phần vì lâu ngày bia đã bị mờ mòn…
Mặt sau tấm bia còn rõ nét, hoạ tiết cũng phong phú đa dạng. Tác giả bức tranh này hình như muốn thể hiện hai nội dung khác biệt. Nửa phía trái chạm khắc theo lối mô phỏng cảnh núi rừng, cạnh quả núi có hình hổ dữ đang nhe răng giơ vuốt, chồm lên như muốn nuốt chửng con khỉ đang ngó nghiêng trên đầu núi. Ngăn cách bức tranh này với bức bên phải là một cây dừa nghiêng nghiêng thân lá toả bóng mát cho hai cô gái hớ hênh ngồi chải đầu. Ngay sau lưng hai cô lại xuất hiện hai chàng trai ngồi nghiêng ngó. Chàng phía trước có vẻ trầm tư ngơ ngác, nhưng chàng phía sau tinh nghịch tay đấm lưng bạn, tay kia chỉ chỏ như vừa phát hiện điều gì… Sau hai chàng các nghệ nhân xưa tạc thêm ngay một ông voi lừng lững dùng cả vòi cả chân đùn đít cho hai chàng xông lên.
Mặt cạnh bên phải  cũng còn rõ nét, cũng cảnh núi non trùng điệp có đôi khỉ ngồi bắt chấy rận cho nhau thật cảm động. Thêm nữa, bức tranh tạc cảnh một nho sinh ưu tú đỗ đạt cưỡi ngựa, tàn ô võng lọng vinh quy. Đám rước ấy có cả ca công, kỹ nữ  xênh xang, dập dìu… đưa tiễn.
Nét độc đáo thứ ba trên tấm bia là sự tập trung vẻ tài khéo của nghệ sĩ điêu khắc xưa vào chân đế của tấm bia này. Bốn pho tượng tròn được đục chạm liền khối ở bốn hướng của đế bia nhưng cũng thoát khỏi bố cục đăng đối truyền thống. Đó là tượng mẹ con mèo mướp nằm thu lu sưởi nắng, con trâu mộng nằm ghếch sừng nghỉ ngơi giữa buổi trưa hè… Tất cả đều được tả thực thật sống động.
Chưa hết, trên tấm bia còn nhiều bức chạm khắc thật đẹp ở phần trán bia. Cả 4 mặt đều có 3 tầng/ 3 dải hoa văn trang trí. Tuy đó chỉ là những dải văn cánh sen, dải văn sóng nước, dải văn nghi môn - thiều châu thường gặp trên những tấm bia cùng thời nhưng đường nét tài hoa tinh tế mà đến nay thật khó có phường thợ chạm khắc đá nào sánh được.
Như vậy, có thể nói bia Nghè Nếnh là tấm bia đẹp nhất, tiêu biểu nhất ở xứ Bắc nghệ thuật trang trí. Ở đây có sự hoà đồng nghệ thuật cung đình và nghệ thuật dân gian.
Bia Nghè Nếnh có giá trị đặc sắc cả về nội dung cũng như nghệ thuật trang trí, nhưng điều khiến nhiều người quan tâm đến sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc vì hiện bia vẫn chưa được sự quan tâm bảo tồn một cách xứng đáng. Di tích Nghè Nếnh bị lãng quên đã trở thành phế tích, bia Nghè Nếnh tuy được xây bục bệ dựng lại nhưng vẫn trơ trọi ngoài trời, chẳng biết mưa nắng nhuần gội bao năm nữa thì những đường nét chạm khắc, những trang sử đá được ghi tạc từ hơn ba trăm năm trước sẽ bị bào mòn bởi sự nghiệt ngã thời tiết, khí hậu xứ Bắc ?
Nguyễn Văn Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét