Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Khúc Thừa Dụ - Đặt nền móng độc lập, tự chủ của Việt Nam


Sau cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng bị đàn áp (năm 43 sau công nguyên), nước ta rơi vào ách đô hộ kéo dài hàng ngàn năm của triều đình phong kiến phương Bắc. Đến đầu thế kỷ X, nhà Đường đi vào mục nát, nhiều cuộc khởi nghĩa chống chính quyền nổi dậy. Tại Giao Châu, Tiết độ sứ Độc Cô Tổn làm phản nên bị bắt đi đày ở đảo Hải Nam. Nhân cơ hội, Khúc Thừa Dụ - Một hào trưởng Hồng Châu (Ninh Giang, Hải Dương) đã dấy binh khởi nghĩa, đánh chiếm phủ Tống Bình - Đại La, rồi xưng là Tiết độ sứ.
Đền thờ Khúc Thừa Dụ ở thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương vừa được khánh thành ngày 11/9/2009, sau 5 năm đại trùng tu (đúng vào dịp kỷ niệm 1.102 ngày mất của Khúc Thừa Dụ). Tổng mức đầu tư cho đền thờ hơn 38 tỷ đồng. Đền thờ đặt gần sông Luộc, mặt chính hướng về phía nam. Tổng diện tích của công trình là hơn 57.000m2, gồm các hạng mục chính như: đền chính, nhà tả vu, nhà hữu vu, hai giếng “mắt rồng”, sân lễ, sân hội, cổng vào và đặc biệt là 2 bức phù điêu đá lớn có hình khắc cảnh xưa cha ông ta đánh giặc và dựng xây đất nước làm bình phong trước cửa đền... Những loại vật liệu có độ bền cao được dùng xây dựng đền như: đá xanh, gỗ lim và đồng.
Vùng đất địa linh, nhân kiệt Kiến Quốc, Ninh Giang đã sinh ra 3 đời dòng họ Khúc, được nhân dân ta tôn vinh là những vị chúa: Tiên chúa Khúc Thừa Dụ, trung chúa Khúc Hạo, hậu chúa Khúc Thừa Mỹ...
Ngay khi giành chính quyền, Khúc Thừa Dụ dùng đối sách dĩ nhu chế cương (dùng nhu chế cương) để giữ vững quốc gia non trẻ. Tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ cử phái bộ sang Trung Quốc thần phục. Nhà Đường không còn cách nào khác đành phải công nhận. Về hình thức, Giao Châu vẫn thuộc nhà Đường, nhưng thực chất Tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ đã đặt nền móng cho nền độc lập, tự chủ của Việt Nam sau ngót 1000 năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ.
Năm 907, tiên chúa Khúc Thừa Dụ qua đời, con trưởng là Khúc Hạo thay cha điều hành đất nước. Lịch sử đánh gia chúa Khúc Hạo là người cải cách đầu tiên của thời quân chủ Việt Nam. Khúc Hạo đã thực hiện nhiều cải cách quan trọng. Ông chia quốc gia thành các cấp hành chính là: Lộ, phủ, châu, giáp, xã. Tổ chức hệ thống chính quyền xuyên suốt từ trung ương đến cơ sở. Chế độ tô, thuế, lực dịch nặng nề mà triều đình nhà Đường đặt ra được sửa đổi có lợi cho dân chúng. Bên ngoài, ông vẫn chính sách ngoại giao mềm mỏng, hòa hảo với triều đình phương Bắc nhưng cương quyết gìn giữ biên cương.
Năm 917, chúa Khúc Hạo mất, con trưởng là Khúc Thừa Mỹ nối ngôi. Lúc này, quân Nam Hán đang lăm le ở biên thùy. Chúa Khúc Thừa Mỹ sai quân tích cực phòng thủ đất nước. Nhưng do thế giặc mạnh, Khúc Thừa Mỹ đành chịu thất bại. Tuy nhiên, sau 30 năm cầm quyền, dòng họ Khúc đã để lại một mốc son trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đặt cơ sở cho việc khôi phục nền độc lập, tự chủ và cải cách đất nước.
Văn Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét