Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Kiến trúc đình làng Bắc Giang: Mãi mãi thanh xuân những cô gái tuổi 400



  
Bức chạm cô gái chơi đàn đáy ở đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hoà).
(BG) - Từ cổ xưa, người Việt đã đề cao vai trò vị trí người phụ nữ trong đời sống gia đình và xã hội. Các truyền thuyết dân gian về các bà chúa dạy dân trồng dâu nuôi tằm dệt vải, dạy dân trồng bầu bí sớm hơn trồng lúa lấy gạo ăn, dạy dân nặn nồi đất, ấm đất nấu cơm đun nước hàng ngày, dạy dân đàn hát làm đẹp thêm cuộc sống... còn được kể lại ở nhiều địa phương. Nhưng với các ngôi đình làng thời cổ, các cô gái trên các bức chạm khắc còn biểu hiện rõ ràng hơn, sinh động hơn suốt mấy trăm năm qua.
1. Đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hoà) có niên đại cổ nhất xây dựng đời Mạc Mậu Hợp niên hiệu Sùng Khang thứ 11 (Bính Tý, 1576). Đáng kể trước hết là trong đình có dòng chữ chạm thành hình trang trí ở mặt sau một bức cốn "Đệ nhất Kinh Bắc" nói lên vị trí thứ hạng của ngôi đình đương thời mà theo các nhà nghiên cứu thì về niên đại cổ chỉ xếp sau đình Tây Đằng (Hà Tây, nay thuộc Hà Nội). Nhưng độc đáo hơn cả, không đình nào có bức chạm nổi một cô gái ngồi gảy đàn đáy, một cây đàn duy nhất chỉ dùng trong hát ca trù như ở đình Lỗ Hạnh. Cô gái là một nhạc công chứng tỏ nữ sử dụng nhạc cụ là phổ biến thời xưa. Nàng Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du vốn sống thời Gia Tĩnh nước Minh là một cô gái giỏi về thơ hoạ lại giỏi đàn hát Cung thương làu bực ngũ âm/ Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương. Niên hiệu Gia Tĩnh triều Minh chấm dứt năm 1567, đến 9 năm sau (1576) thì Lỗ Hạnh được dựng đình ở nước ta, cô gái chơi đàn đáy đình Lỗ Hạnh có thể coi đương thời với nàng Kiều vậy. Cho đến thời Nguyễn, ở ta đã phổ biến bộ tranh tứ bình bốn cô tố nữ đang chơi nhạc cụ thì tại đình Lỗ Hạnh cũng có thêm bộ tranh vẽ bằng sơn trên gỗ tới tám cô tố nữ cũng đang chơi nhạc cụ. Đình Lỗ Hạnh còn rất nhiều bức chạm khắc khác. Nổi bật giữa các tác phẩm đậm chất dân gian, gần gũi trong cuộc sống với các chàng trai khoẻ mạnh cởi trần đóng khố, cưỡi ngựa đấu võ, kéo đầu rồng và các con vật như lân, nghê, hổ, phượng cùng hoa lá vẫn là các cô gái. Các cô ăn vận theo phong tục thời đó nhưng không cài cúc áo ngoài mà để lộ áo đang làm duyên, các cô cũng cưỡi rồng giữa thanh thiên bạch nhật, giữa đông đảo dân làng. Lạ nhất là có cô mặc váy rộng, dưới váy thò ra một đuôi cá khoẻ khoắn, có cô mọc cánh trên lưng như có thể bay được. Các cô ở dưới nước. Các cô ở trên trời. Đuôi cá và cánh bay là biểu tượng hai thế giới dưới thấp và trên cao. Phải chăng nghệ nhân chạm khắc muốn thể hiện các cô gái có năng lực, sức sống ở mọi nơi, mọi lúc chốn trần gian này, là hiện thân cho sự giao hoà giữa âm và dương ở cõi đời này?.
2. Đình Thổ Hà (Việt Yên) được dựng cuối thế kỷ XVII, theo chữ viết ở đôi câu đầu thì hưng công năm Chính Hoà thứ 6 (1685), hoàn thành vào năm sau Chính Hoà thứ 7 (1686) tức đời vua Lê Hy  Tông, chúa Trịnh Căn. Sáu năm sau, dân làng thiết kế bổ sung cửa võng, dựng bia ghi chép việc làm đình.
Vào đình ta thấy ngợp về các tác phẩm chạm khắc nhưng con rồng lớn. Nhưng đáng chú ý ở đây là có những cô gái múa lấp ló trong chòm râu rồng. Lại có các cô gái cưỡi trên lưng chim phượng đang xoè cánh bay, có cô từ trên may đạp chân lên mình rồng ở mấy bức chạm lớn, chạm nhỏ. Có bức miêu tả tới năm cô gái đang biểu diễn múa, tư thế không giống nhau, nửa thân trên quay ra phía chính diện. Các cô gái với gương mặt trái xoan, vẻ mặt say sưa, tóc búi làm hai búi trên đỉnh đầu, có cô chít vành khăn mềm, hai tai đeo hoa tai dài chấm vai, hai tay trần, tròn thon thả, một tay duổi ngang vai, tay kia gấp lại đưa lên, bàn tay uốn cong mềm mại, cánh tay được đeo hai vòng lớn. Chiếc áo bó chẽn thân, thắt lưng tết búi trước bụng, buông dải thướt tha, váy dài đến mắt cá chân, lộ hai bàn chân  trần rất xinh. Có thể lấy trang phục của các cô gái đình Thổ Hà này để làm tài liệu nghiên cứu về trang phục nữ cuối thế kỷ XVII.
Ngắm nhìn chiếc hương án chạm rồng, chim ưng, tôm càng, thạch sùng ta lại bắt gặp các cô gái đầu búi tóc hoặc chít khăn, tay trần, áo chẽn, váy dài đang múa dất dẻo mặc dù được tạo tác sau dựng đình khá lâu. Nhìn chung các cô gái chạm khắc ở đình Thổ Hà múa hát đằm thắm, trang phục nghiêm chỉnh, không có nét tinh nghịch mà đoan trang mực thước.
Đình làng Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên).
3. Đình Phù Lão (Lạng Giang) chắc chắn dựng vào cuối thế kỷ XVII và theo chữ viết trên câu đầu giữa đình thì dựng xong từ năm Mậu Thìn, Chính Hoà thứ 9 (1688) và theo tấm bia công đức dựng năm Chính Hoà thứ 15 (1694) tức đời vua Lê Hy Tông và chúa Trịnh Căn. Về số lượng chạm khắc liên quan đến các cô gái nói riêng thì đình Phù Lão đứng vào bậc nhất.
Lại đáng chú ý có bức chạm một phụ nữ mặc áo dài, vạt áo bay toả mềm mại về phía sau, vai vác cây đàn đáy, tay trái cầm cần đàn dài trong nhóm một vài người đàn ông, phụ nữ khác có lẽ là nhóm đi đàn hát đâu đây. Một nhóm nam nữ khác đang múa hát. Dường như tác phẩm nhằm miêu tả các giáo phường hát cửa đình đương thời.
Trong hội làng, các chàng trai cô gái mới thực hồn nhiên, phác thực. Các bức chạm đều thể hiện các cô gái tự do thoải mái tự tình, đùa nghịch với các chàng trai, có một đôi tách ngồi riêng, có chỗ tới ba đôi mà mỗi đôi một cách chơi đùa.  Các chàng trai cô gái đều có các cử chỉ rất mạnh bạo, thậm chí họ đều mình trần ngồi tự tình với nhau ngay trong miệng rồng một cách thản nhiên. Người xem dễ thấy tính chất phản phong, chống lễ giáo phong kiến mạnh mẽ của các nghệ nhân dân gian và cộng đồng thôn xóm ngày xưa. Không ít cảnh các cô gái không mặc váy áo mà vắt vẻo cưỡi đầu rồng hoặc đứng ôm râu rồng. Có cảnh một cô gái bụng to đi trước, bà mẹ theo sau giữa cuộc vui hội, đấu võ, đánh khiên, cướp cầu náo nhiệt. Sức sống dân gian toát lên từ các bức chạm khắc đình làng mà các cô gái là nhân vật trung tâm không hề che đậy giả tạo, không giấu diếm khát vọng tự do. Họ đàn hát, múa hát, vui chơi với tuổi xuân phơi phới đã hơn 300 năm nay rồi và còn tiếp tục vui chơi mãi…
4. Đình Cao Thượng (Tân Yên) đáng tiếc không tìm thấy dấu tích ghi chép niên đại làm đình nhưng xét qua kiến trúc, các bức chạm khắc còn lại đến ngày nay thì các nhà nghiên cứu khẳng định đình được dựng vào cuối thế kỷ XVII. Tuy nhiên, đời sau, cho đến đời Nguyễn, ngôi đình tỏ rõ có chỗ đã được sửa chữa bổ sung theo phong cách gần đây.
Hình ảnh các cô gái làng ngồi trên mình rồng, chân cô kẹp chặt thân rồng, người quay ra phía chính diện một cách thản nhiên như muốn cho mọi người qua lại biết. Lưng rồng võng xuống, đầu rồng vươn lên chịu sự điều khiển. Cô gái đội mũ cánh sen, cổ đeo vòng có tua, mặc áo dài, thắt lưng bao, tà áo bay phấp phới, lộ ra chiếc váy buông kín bàn chân. Hình ảnh cô gái cưỡi rồng vẫn là một đề tài táo bạo phản phong , đó là hình ảnh một đi không trở lại kể từ thế kỷ sau, thế kỷ XVIII trở đi. Ngoài ra, đình Cao Thượng còn có một bức chạm khác với đề tài gia đình chưa thấy ở đình nào. Người mẹ đang bế đứa con hay nói đúng hơn là người mẹ ngồi, dùng tay phải giữ đứa con. Đứa con thì vươn đôi tay ngoài ra phía trước có người bố đang ghé đầu bên cạnh người mẹ rất đầm ấm, dí dỏm. Gương mặt của người mẹ tỏ rõ sự vui sướng hạnh phúc. Ngay từ xa xưa, người phụ nữ với bao công việc xã hội phải tham gia gánh vác nhưng cuối cùng vẫn lo cho gia đình, lo cho chồng con. Cảnh gia đình đầm ấm hạnh phúc thực riêng tư nhưng cũng thực là niềm vui chung của dân làng đã được khắc lên đình làng.
Tìm hiểu nghệ thuật điêu khắc những ngôi đình cổ nhất còn lại đến nay ở Bắc Giang như các ngôi đình kể trên cho thấy hình ảnh các cô gái thuở xưa là một đề tài hấp dẫn trở đi trở lại dưới bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân điêu khắc dân gian thế kỷ XVI-XVII. Đã trên dưới 400 năm qua đi, những cô gái trẻ trung, hồn nhiên, tài hoa của làng quê miền thương kinh Bắc vẫn gặp gỡ chúng ta vào dịp hội làng xuân thu nhị kỳ. Các cô vẫn đem tuổi thanh xuân của mình góp phần cho làng xóm quê ta thêm vui tươi thêm sinh khí.
Nguyễn Đình Bưu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét