Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Kỳ bí ngôi đền thờ của người Việt cổ


GiadinhNet - Ấy là ngôi đền Tam Giang - Bạch Hạc (TP. Việt Trì- tỉnh Phú Thọ) cổ xưa nằm ngay ngã ba sông, nơi có địa thế sơn thủy hữu tình.
Không chỉ là ngôi đền cổ xưa thờ tín ngưỡng nguyên thủy của người Việt cổ - thờ các nữ thần tự nhiên như Mẫu Thoải cai quản sông nước, Mẫu Thượng Ngàn cai quản núi rừng, Mẫu Cửu Trùng cai quản bầu trời - mà nơi đây còn có chiếc chuông đồng "Thông Thánh quán chung ký" có niên từ thế kỷ 19.
 
Đền Tam Giang- Bạch Hạc nhìn ra dòng sông Thao thơ mộng.
Ảnh: T.G
 
Nơi thờ các nữ thần tự nhiên cổ xưa
 
Cách Thủ đô Hà Nội khoảng 80 km về phía Tây, ngôi đền cổ Tam Giang - Bạch Hạc thuộc TP. Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) được xây dựng trên nền đất cố đô Văn Lang xưa.

Ấy là nơi có địa thế sơn thủy hữu tình hiếm có với sự hợp lưu của ba con sông lớn là sông Lô, sông Thao, sông Đà. Theo dân gian: Buổi đầu dựng nước, Lạc Long Quân từ trên núi Nghĩa Lĩnh nhìn về phương Nam thấy hợp lưu của 3 con sông với bãi phù sa mượt mà trù phú, có đàn hạc đậu trắng cả một vùng nên gọi đó là Bạch Hạc- nơi đất lành chim đậu, nơi lan tỏa vượng khí núi sông. 
Ngôi đền cổ được xây dựng theo hướng tây bắc nhìn ra cửa sông, thờ vị thần huyền thoại Vũ phụ Trung dực Uy Hiển Vương, húy là Thổ Lệnh, một vị thần thời Hùng Vương. Từ bao đời nay, người dân Bạch Hạc coi thần Thổ Lệnh như thần làng, thần sông. Thần luôn phù hộ cho người dân có một cuộc sống an lành, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Tương truyền: Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông ở thế kỷ XIII, triều đình nhà Trần đã nhiều lần chọn ngã ba Bạch Hạc làm nơi huấn luyện quân sĩ. Vào ngày Tết Thượng nguyên năm Ất Dậu (1285), tướng quân Trần Nhật Duật đã cắt tóc thề với thần linh, tổ tiên nguyện đem hết lòng trung thành để báo ơn vua rồi chỉ huy binh sĩ ra trận, kiên cường mưu trí ngăn cản bước tiến công và tiêu hao sinh lực địch, góp phần vào chiến thắng oanh liệt của quân dân nhà Trần năm 1287. Sau này, thái sư Trần Nhật Duật được cấp biểu trạch nơi Bạch Hạc để lập thái ấp, nên khi qua đời, ông được người dân tôn kính tạc tượng thờ cùng với vị Thổ Lệnh Đại Vương từ thời Hùng Vương.

Ngôi đền cổ còn là một trong số ít nơi xuất phát từ tín ngưỡng Tam Phủ,  một tín ngưỡng nguyên thủy của người Việt cổ nên trong đền thờ các nữ thần tự nhiên như: Mẫu Thoải, cai quản sông nước; Mẫu Thượng Ngàn, cai quản núi rừng; Mẫu Cửu Trùng, cai quản bầu trời. Sau nhiều thế kỷ bị tàn phá bởi thời gian và chiến tranh, đền Tam Giang đã được trùng tu nhiều lần. Ngôi đền cổ bây giờ nằm trên khuôn viên có diện tích lên tới hơn 1.000m2, ngay chính vị trí đắc địa với đỉnh đền là bầu trời mây thoáng đãng, phía trước là dòng nước hùng vĩ nơi tụ hợp của ba con sông lớn, xung quanh núi non sơn thủy hữu tình.
 
Ông Nguyễn Thế Xuyên- Phó ban Quản lý di tích bên quả chuông đồng cổ. Ảnh: T.G

Độc đáo chuông đồng cổ…

Ngôi đền cổ từ ngàn năm nay vẫn luôn quay ra phía dòng sông cuồn cuộn nước, nhìn theo hướng Tây Bắc thấy núi Nghĩa Lĩnh - nơi thờ Quốc tổ Hùng Vương.

Ông Nguyễn Thế Xuyên- Phó ban Quản lý di tích đền cho biết: Ngôi đền có lối kiến trúc kiểu chữ "đinh", đền gồm hai tòa tiền tế và hậu cung, nhà 4 mái, đao cong, có hai tòa tiền tế và hậu cung, nội thất chạm các bộ tứ quý như "long, ly, quy, phượng", "tùng, trúc, cúc, mai", các nét chạm trổ hết sức tinh tế toát lên vẻ đẹp linh thiêng mà thật hoàn mỹ. Trong đền Tam Giang - Bạch Hạc còn có cặp chuông đồng cổ "Thông Thánh quán chung ký" có niên đại Minh Mệnh năm thứ 11 và các bài minh chuông như: Thác bản chuông "Phụng Thái Thanh Từ" niên đại Gia Long năm thứ 17, "Thông Thánh Quán" niên đại Đại Khánh thứ 8, đời vua Trần Minh Tông.

"Trước đây một chiếc chuông cổ từng được treo ở lầu ngoài, nơi chính điện nhìn ra cửa sông nhưng kẻ gian đã lấy đi. Nhưng rồi dường như chiếc chuông cổ ấy vẫn nặng duyên với ngôi đền mà sau đó không lâu, chúng tôi đã tìm lại được và đưa về đền", ông Nguyễn Thế Xuyên kể.

Mỗi chiếc chuông cổ nặng chừng hơn 120kg, những họa tiết, hoa văn trên chuông cổ vẫn còn đó sự tinh xảo sau hàng thế kỷ bị bào mòn bởi thời gian, bom đạn chiến tranh. Dường như dấu vết tàn phá duy nhất trên chuông cổ chỉ là những vết sứt nhỏ xuất hiện quanh vành đáy quả chuông cùng màu sắc cũ kỹ phôi phai theo thời gian.
 
Bây giờ, những quả chuông cổ xưa được ban quản lý đền treo trang trọng ngay trong gian chính điện, nơi hàng ngày nhân dân và khách thập phương tấp nập tới lễ bái, bày tỏ lòng kính vọng. Phía ngoài chính điện nơi có khoảng sân rộng trông ra cửa sông, khi xưa vốn là nơi treo quả minh chuông cổ thì bây giờ thế vào đó là một quả chuông mới mô phỏng theo hình dáng, hoa văn, họa tiết của chuông cổ để khách thập phương tiện bề chiêm bái và cũng là để tránh cho kẻ gian có ý nhòm ngó cổ vật quý xưa.

Lễ hội bơi chải nổi danh vùng đất Tổ
 
Xuất phát từ tín ngưỡng nông nghiệp cổ xưa, lễ hội bơi chải ở Bạch Hạc bây giờ đã trở thành nét văn hóa tín ngưỡng nổi danh khắp vùng đất Tổ. Quần thể đền cổ Tam Giang - Bạch Hạc cũng đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, nổi tiếng với tín ngưỡng thờ của người Việt cổ và những quả chuông đồng cổ quý hiếm. Đây chính nguồn tư liệu lịch sử quý giá giúp các nhà khoa học nghiên cứu, tìm hiểu nhiều mặt kinh tế, văn hóa, xã hội thời Trần.
Ngã ba Bạch Hạc chốn cửa Tam Thanh Tử, nơi có ngôi đền cổ tọa lạc, quả thực là thắng cảnh tuyệt vời ở vị trí đắc địa không mấy nơi sánh được.

Không chỉ là bến cảng Việt Trì tấp nập thuyền bè như ngày nay, mà từ thuở xa xưa, Bạch Hạc đã là nơi thuyền bè giao lưu buôn bán sầm uất. Nơi vị trí đắc địa ấy, đền Tam Giang - Bạch Hạc xưa vốn là một công trình kiến trúc được xây dựng khá sớm với khởi đầu là Thông Thánh Quán Bạch Hạc nổi tiếng, thờ thần Thổ Lệnh, vị thần huyền thoại từ thuở Hùng Vương dựng nước.
 
Hàng năm, vào tháng 3 âm lịch này, tại Tam Giang - Bạch Hạc diễn ra lễ hội nổi tiếng vùng đất Phú Thọ. Lễ hội chính là dịp diễn lại tích thần Thổ Lệnh đưa tiễn Tản Viên khi Ngài đến thăm Bạch Hạc, ca ngợi các vị nữ thần tự nhiên như một tín ngưỡng cổ xưa của cư dân nông nghiệp.

Không những thế, lễ hội thi bơi chải Tam Giang - Bạch Hạc được tổ chức vào dịp tháng 3 âm lịch này cũng chính là để nhắc lại tích thần Thổ Lệnh đưa tiễn thần Tản Viên theo truyền thuyết xưa được lưu từ đời này qua đời khác trong dân gian. Hội thi bơi chải giữa Bạch Hạc và các làng xung quanh được tổ chức ngay trước cửa đền Tam Giang với 4 phe giáp, mỗi phe có một chải (thuyền) sơn một màu: vàng hoặc xanh, trắng, đỏ. Tất cả các tay chèo cũng đều mặc quần áo một màu với chải.
 
Ông Nguyễn Quang Sáng (Phó ban Quản lý di tích đền) cho hay, điều đặc biệt là chải ở Bạch Hạc khác với chải ở nơi khác là không dùng ván ghép mà là độc mộc đẽo bằng thân cây gỗ. Mỗi chải có 50 tay chèo và một người cầm lái, một người cầm cờ, một người gõ mõ làm nhịp. Sau lệnh xuất phát, 4 chải lao vun vút như những con thoi trong tiếng reo hò cổ vũ. Các chải đua từ cửa đền xuống ngã ba sông, vòng lên phía trên một đoạn rồi mới quay lại đích phía trước cửa đền. Khi chiếc chải đầu tiên vượt đích thì cũng là lúc cả vùng ngã ba sông dậy tiếng reo hò, các chải giơ cao mái chèo, cờ lệnh trong niềm vui chiến thắng.
 
Lã Xưa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét