Sáng ngày 24-1-2010 , tại Nhà thờ họ Lại ở tổ 18, phường Nghĩa Đô diễn ra lễ kỷ niệm và tọa đàm về thân thế, sự nghiệp của Lý triều Đô thống Khu mật tả sứ gián nghị đại phu Lại Linh. xin giới thiệu đến độc giả bài viết của nhà giáo Lại Cao Nguyện xoay quanh thân thế, sự nghiệp của gián nghị đại phu Lại Linh.
|
Tấm bia ghi công lao Khu mật tả sư gián nghị đại phu
Lại Linh tại đình Yên Phụ
Triều Lý, triều Trần là hai triều đại thịnh trị hơn cả trong lịch sử nước ta, với nền văn trị hết sức huy hoàng và những võ công vô cùng hiển hách. Nhà Lý đến thế kỷ XIII, bắt đầu suy. Nhà Lý suy, nhà Trần thay thế. Thịnh suy - bĩ thái là lẽ tự nhiên của đất trời. Nhưng trong lúc giao thời ấy, tìm được chân chúa, chọn đúng đường đi, không phải dễ dàng. Hành động tuẫn tiết bi tráng của vị cựu thần nhà Lý đáng để chúng ta suy ngẫm.
Lại Linh (1160?-1225) là người Kẻ Bưởi - một tên Nôm rất cổ chỉ vùng dân cư ở các làng phía tây nam Hồ Tây, ven hai sông Thiên Phù và Tô Lịch, thuộc kinh thành Thăng Long xưa. Mảnh đất này từ lâu đã có các họ Lại, Nguyễn, Lê sinh sống và từng là đất phong của một đại quan trong triều (theo truyền ngôn của các cụ phường Nghĩa Đô. Phải chăng đây là đất thực phong của Quan Nội hầu Lại Linh triều Lý? Lại Linh là trọng thần nhà Lý, cùng thời với Trần Thừa, Trần Tự Khánh và Trần Thủ Độ, đời Lý Cao Tông (1176-1210) và Lý Huệ Tông (1211-1225). Thế kỷ thứ XIII, nhà Lý bắt đầu suy. Trước tình thế đó, các thế lực phong kiến tìm đủ mọi cách tập hợp lực lượng, nhằm thay thế triều Lý. Kẻ thì tự xưng là dòng dõi Đinh Bộ Lĩnh. Người thì “tôn phò” hoàng tử này, thái tử kia, trong khi đất nước đang cần một chính quyền đủ mạnh để đối phó cùng lúc cả thù trong, giặc ngoài, nhất là kẻ thù dũng mãnh ở phương Bắc. Phả họ Lại 1990, dựa theo Việt sử lược (của tác giả vô danh thời Trần, Trần Quốc Vượng phiên dịch và chú thích) có ghi Lý triều Đô thống Khu mật tả sứ Gián nghị đại phu Lại Linh, một vị tướng tài triều Lý đời vua Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông, dẹp giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi; dẹp bọn phong kiến cát cứ, giữ vững nền thống nhất nước nhà, năm Bính Tý 1216 được phong tước Quan Nội hầu, năm Mậu Dần 1218 được phong tước Bảo Tín hầu, giữ chức Khu mật tả sứ Gián nghị đại phu và được cử Trấn phủ châu Nghệ An. Năm Kỷ Tỵ 1209, bọn Quách Bốc nổi loạn, lập hoàng tử Thầm lên làm vua. Vì loạn Quách Bốc, vua Lý Cao Tông phải đem gia quyến chạy lên Tam Nông, Phú Thọ. Lúc đó, anh em Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thủ Độ mộ quân giúp Thái tử Sảm khôi phục kinh thành Thăng Long, rồi lên Tam Nông rước vua Cao Tông về kinh đô. (Sự nghiệp nhà Trần bắt đầu từ đấy). Năm Canh Ngọ 1210, mùa đông, tháng 10, vua Cao Tông mất, mới 18 tuổi. Thái tử Sảm lên ngôi năm 16 tuổi, đặt niên hiệu là Kiến Gia; tôn mẹ làm Hoàng Thái hậu, cùng coi chính sự. Tiếp theo, bàn tay Trần Thủ Độ sắp đặt mọi việc để anh em họ Trần nắm mọi triều chính dẫn đến chỗ đế nghiệp từ nhà Lý chuyển sang tay họ Trần. Năm Bính Tí 1216, Chiêm Thành và Chân Lạp vào cướp Nghệ An, Lý Bất Nhiễm, châu mục Nghệ An, đã đánh bại chúng (Việt sử cương mục tiết yếu). Năm này Lại Linh được phong tước Quan Nội hầu, phải chăng vì chiến công cùng Lý Bất Nhiễm đánh Chiêm Thành và Chân Lạp? Năm 1218, Chiêm Thành và Chân Lạp lại vào cướp phá. Lý Bất Nhiễm một lần nữa đánh bại chúng. Lý Bất Nhiễm được phong tước hầu và được thụ phong 1.100 hộ thực ấp. Cũng năm này, Lại Linh được phong tước Bảo Tín hầu, giữ chức Khu mật tả sứ Gián nghị đại phu và chức Trấn thủ Nghệ An. Vì Lại Linh thề không đội trời chung với anh em họ Trần đã tuẫn tiết một ngày trước khi Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh. Nghĩa khí thay, lòng trung quân ái quốc của vị danh tướng họ Lại! Nhưng thịnh suy bĩ thái vốn là lẽ tự nhiên của đất trời. Bánh xe lịch sử vẫn tiến tới không gì ngăn cản nổi. Một cuộc bàn giao lịch sử tuyệt diệu đã hoàn thành hợp với lẽ trời, với lòng người, đáp ứng nhu cầu của tình thế, mở đầu một triều đại mới huy hoàng trên lịch sử nước Đại Việt.
Lại Cao Nguyện
|
Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012
Kỷ niệm 785 năm ngày tuẫn tiết (1225-2010) của Lý triều Đô thống Khu mật tả sứ gián nghị đại phu Lại Linh: Người hy sinh vì nghĩa cả
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét