Là một trong 12 di tích lớn của đất nước được công nhận di tích lịch sử - văn hóa đợt đầu vào năm 1962, Đền Voi Phục là một trong bốn Tứ Trấn của Thành Thăng Long xưa được xây dựng năm 1065. Ngôi đền thờ đức thánh Linh Lang đại vương - người có công lớn trong công cuộc đánh đuổi giặc Tống trong buổi đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
|
Nằm trên mảnh đất giao nhau giữa ba đường Cầu giấy- Kim Mã- Đê La Thành, đền Voi Phục có một vị thế khá đẹp. Thế nhưng ít ai biết được nơi đây là Trấn phía Tây (một trong bốn trấn) của Thành Thăng Long xưa. Và ngay cả người Hà Nội cũng không nhiều người biết đến sự tích huyền bí của ngôi đền này.
Tọa lạc trên mảnh đất của làng Thủ Lệ, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội ngôi đền có khuôn viên đẹp, thoáng mát và nằm tiếp giáp với công viên Thủ Lệ. Theo sử sách, đền được dựng năm 1065, đời vua Lý Thánh Tông, thờ Linh Lang Đại vương. Lịch sử của ngôi đền mang tính huyền thoại, dã sử đã được lưu truyền qua nhiều tài liệu. Hoàng tử Hoằng Chân là con thứ tư của vua Lý Thánh Tông với bà Hạo Nương, cung phi thứ 9. Khi giặc Tống sang xâm chiếm nước ta, trong lúc vua cha lo lắng vì thế giặc mạnh, hoàng tử đã xin đi đánh giặc. Lúc hoàng tử lên đường, con voi trận liền quì xuống để ngài bước lên. Vì nghĩa đó ngôi đền được lấy tên Voi Phục. Sau khi đánh giặc trở về người lâm bệnh rồi hóa tại đây. Nhà vua đã sắc phong hoàng tử là Linh Lang Đại vương, cho sửa lại nơi ở cũ để làm đền thờ và đổi tên Thị Trại thành Thủ Lệ, người dân ở đây được miễn phu phen tạp dịch để chuyên phục dịch việc cúng tế. Năm 1947, ngôi đền đã bị thực dân Pháp phá hủy, qua nhiều lần trùng tu mới giữ được như ngày hôm nay. Ban đầu khởi thủy, Đền Voi Phục được xây dạng chữ Đinh, sau này tu sửa được xây lại dạng chữ Công. Bao gồm Tiền tế 5 gian, Trung đường và hậu cung. Tiền Tế có mái lợp kiểu mũi hài cổ. Trung đường là một gian chạy dọc vào phía trong nối với hậu cung. Tại Trung đường đặt những ngai thờ lớn, trên có chạm khắc hình rồng, hoa văn tinh tế... mang đậm dấu ấn của thế kỉ XIX. Dưới ngai thờ thần là tượng hai tùy tướng quỳ chầu. Hậu cung gồm 5 gian, gian chính giữa ở vị trí sâu và cao nhất là tượng Linh Lang đại vương. Phía trước tượng là hòn đá lớn được đặt cẩn thận trong hộp kính. Hòn đá có vết lõm mà theo tương truyền thì thần Linh Lang sau khi diệt giặc đến lúc lâm chung đã gối đầu lên phiến đá này rồi hóa rồng bay về trời. Ngôi đền lưu giữ những pho tượng quý giá cùng nhiều hoành phi, câu đối, long ngai, cửa võng bát bửu... đều được sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Ngoài ra những bộ sách Hán Nôm cổ và ba bộ sắc phong được lưu giữ trong ngôi Đền có giá trị phi vật thể độc đáo. Bộ sắc phong Thời Lê có ghi: “Phối đồng thiên địa. Vạn cổ lưu truyền”. Có nghĩa là tiếng thơm của Đức thánh Linh Lang còn lưu truyền mãi mãi sánh cùng trời đất. Nhân dịp kỉ niệm 1000 năm thăng Long Hà Nội, ngôi Đền lại một lần nữa được tu bổ với vốn đầu tư hơn 18 tỷ đồng, cùng với các công trình tu bổ tôn tạo đình Kim Liên - trấn Nam (quận Đống Đa), đền Bạch Mã - trấn Đông (quận Hoàn Kiếm), đền Quán Thánh - trấn Bắc (quận Ba Đình). Khởi công ngày 4-7-2009, các công trình được tôn tạo như nhà Mẫu, nhà quản tượng, am hóa vàng, giếng ngọc, miếu Tả, miếu Hữu... hoàn thành vào mùa xuân để kịp phục vụ Lễ hội truyền thống của ngôi đền vào Tháng 2 âm lịch hàng năm. Mang trong mình một huyền thoại lịch sử và song hành với chiều dài định đô của nhà Lý, gần 1.000 năm qua, đền Voi Phục đã chứng tỏ những giá trị văn hóa, giá trị tâm linh trong lòng dân tộc.
Đỗ Huyền Anh
|
Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012
Đền Voi Phục
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét