Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Lai Châu: Bí ẩn miền sơn cước



Rời xa cái náo nhiệt của chốn đô thành, ngày càng nhiều du khách muốn tìm kiếm nét hoang dã, bí ẩn của miền sơn cước...
Sìn Hồ - có biết cũng ít đến
Thị trấn Sìn Hồ, thuộc tỉnh Lai Châu có một điều kiện khí hậu kỳ lạ. Buổi sáng, tối thì rất lạnh nhưng buổi trưa lại nắng ấm.
Đường vào thị trấn Sìn Hồ đẹp, thi thoảng, có những chợ tạm ven đường của người dân tộc Mông, Dao, Lự… bán hàng từ sáng sớm. Cái mà bà con mang bán chủ yếu là hạt dẻ rừng nhỏ tí, quả óc chó nhặt trong rừng và đồ thổ cẩm tự làm. Chúng tôi dừng chân tại một chợ tạm ven đường, mua chút hạt dẻ rừng và chụp ảnh cùng những người dân tộc Mông váy áo sặc sỡ. Những nụ cười hồn nhiên cùng những cái lắc đầu ngượng ngùng của người phụ nữ miền sơn cước càng làm cho không khí buổi sáng thêm ấm cúng và hiền hoà.
Ở ngôi nhà sàn của một bản ven đường, bạn đồng hành của tôi mua được một chiếc váy thêu bằng tay mà cô thiếu nữ sơn cước bán nói “phải mất một năm tự thêu thùa cần mẫn”, với giá 1,2 triệu đồng. Sau này, chiếc váy ấy là chủ thể chính trong bức tranh kỷ niệm gợi cảm và ấn tượng của bạn tôi với phông nền là bức tường đất của vùng Tây Bắc…
Điểm phân ranh giữa Sơn La và Điện Biên là đỉnh đèo Pha Đin nổi tiếng. Còn phân ranh giữa Điện Biên và Lai Châu là cầu Hang Tôm. Cây cầu dây văng to nhất miền Bắc này nối hai bờ sông Đà hùng vĩ - một thời gian dài mang sứ mệnh nối nhịp miền Tây Bắc. Giờ đây, cây cầu đang lặng lẽ nghĩ suy về số phận, về quá khứ hào hùng khi sắp cùng khu vực lòng hồ rộng 15.283 ha thuộc địa phận 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu bị chìm sâu dưới cốt 215m nước để mang ánh sáng về cho cả vùng Tây Bắc lúc công trình Thuỷ điện Sơn La đi vào hoạt động.
Sìn Hồ được ví như là nóc nhà của Lai Châu, với khí hậu khá giống thời tiết  ở Sapa, quanh năm mát mẻ và nhiều loại hoa quả ôn đới là đặc sản của vùng. Dọc đường đi, chúng tôi vẫn còn bắt gặp những cảnh khỏa thân tắm suối của bà con dân tộc. Hồn nhiên và đầy phóng khoáng. Con đường lên với Sìn Hồ càng lúc càng dốc cao. Phong cảnh hai bên tuyệt đẹp. Từ trên cao nhìn xuống, con đường của chúng tôi đã đi qua giờ đây trở nên nhỏ xíu. Nó ngoằn nghèo, nhỏ tí, như con rắn trườn trên quả đồi xanh. Nhìn dễ thương nhưng cũng dễ sợ.
Sìn Hồ là thị trấn nhỏ, nằm lọt trong thung lũng được bao bọc bốn bề là núi. Là huyện vùng cao biên giới, địa hình chia cắt phức tạp với 3 vùng rõ rệt: vùng cao, vùng thấp và vùng biên giới; giao thông đi lại khó khăn; trình độ dân trí thấp, đời sống của nhân dân còn nhiều vất vả, tình trạng di cư tự do khá phổ biến, Sìn Hồ không được mấy người biết đến. Mà biết cũng ít đi đến.
Sìn Hồ nổi tiếng bởi món tắm nước lá thuốc trong thùng gỗ. Nghe bà con nói là để chữa bệnh, làm cho người sảng khoái và khỏe lên. Chả biết có khỏe lên thật không, chỉ biết, tối chúng tôi ở Sìn Hồ, bên đống lửa đốt ngoài thửa ruộng toàn chân rạ trước cửa khách sạn, đám con trai hát ca tưng tưng cả đêm, đám con gái ngồi đong đưa người theo tiếng hát, mắt còn rực hơn lửa.
Chợ huyện Sìn Hồ được coi là sầm uất nhất vùng, có một trung tâm bán buôn, bán lẻ thực phẩm, đồ công nghệ, đồ điện dân dụng. Nhưng chợ cũng nhiều hang thổ cẩm, chăn len Trung Quốc, nhập qua đường tiểu ngạch ở cửa khẩu Ma Lù Thàng, cách Sìn Hồ hơn 20 cây số.
Êm đềm Bản Hon
Bản Hon là một bản người dân tộc Lự sinh sống ở Lai Châu đang được rất nhiều du khách tới thăm.
Dân tộc Lự có tên gọi khác là: Lữ, Nhuồn, Duồn, có khoảng 3.700 người, cư trú tập trung ở hai huyện Phong Thổ và Sìn Hồ (Lai Châu).
Đồng bào Lự có tập quán ăn cơm nếp là chính, thích ăn ớt, ưa uống nước chè và đàn ông thường hút thuốc lào. Phụ nữ dân tộc Lự nếu lập gia đình rồi thường nhuộm răng đen, nhưng tập quán ấy dần dần không còn khắt khe nữa.
Người Lự ở nhà sàn, hai mái, mái phía sau ngắn, còn mái phía trước kéo dài xuống che cho cả hai hàng hiên và cầu thang. Cửa ra vào ở hướng Tây Bắc. Trong các nghề phụ của người Lự thì nghề dệt phát triển nhất. Mỗi gia đình người Lự thường có vài khung cửi. Tài nghệ dệt, may, thêu đều khá cao. Từ chiếc quần của đàn ông cho đến váy, áo, khăn của phụ nữ thường có hoa văn trang trí rực rỡ trên nền vải nhuộm chàm, nhất là trang phục ngày lễ hội càng được trang trí nhiều và đẹp hơn.
Vào bản Hon du khách dễ dàng bắt gặp cảnh phụ nữ ngồi may thêu, dệt cửi trước hiên nhà. Bản Hon là một điểm đến của những du khách khám phá, thích lang thang với nhiều bất ngờ và thân thiện. Khách đi bộ vào thăm bản, chuyện trò với người dân và mua vài món đồ mà người dân tự làm để sử dụng về làm kỉ niệm. Đã có nhiều khách tự tìm đến bản Hon.
Rất ít công ty du lịch đưa khách đến đây. Nhưng sự hoang dã và bí ẩn của vùng này đang khiến du khách mê mẩn.
Nguyễn Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét