Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Lăng Cha Cả .


Là khu lăng mộ gắn liền với tên một địa danh ở vùng đất Sài Gòn khi xưa , nay đã không còn khu lăng mộ vì được cải táng di dời , mặc dù Lăng không còn nhưng người dân Sài Gòn - Gia Định vẫn biết , nơi đó nay được chỉnh sửa thành vòng xoay tiếp giáp các tuyến đường : Hoàng Văn Thụ - Lê văn Sĩ - Cộng Hòa ( TP HCM ).

Lăng Cha Cả là ngôi mộ của Giám mục Bá Đa Lộc (tục gọi là "Cha Cả", tức Pierre Joseph Georges Pigneau de Béhaine). Ngôi mộ xưa là một di tích lịch sử ở vùng Sài Gòn.

Lăng Cha Cả còn được dùng gọi khu vực gần mộ, nay là Phường 1, quận Tân Bình , nằm gần khu vực sân bay Tân Sơn Nhứt .

Giám mục mất năm 1799 ở Thị Nại trong trận vây thành Quy Nhơn. Vì được vua Gia Long trọng vọng, coi là "Giám mục Thượng sư", ông được đưa về an táng ở gần ngôi nhà cũ tỉnh Gia Định.

Khu vực đó là khu Vườn Xoài, Tân Sơn Nhứt phía tây-bắc Sài Gòn.

Triều đình giao việc xây mộ cho linh mục Barthélémy Sang. Tuy giám mục Bá Đa Lộc là người Pháp, kiến trúc mộ ông theo kiểu Việt, có bình phong, bái đường và hậu cung.

Khu Tân Sơn Nhứt sang thế kỷ 20 xây cất lên, hoà nhập vào khu ngoại ô Sài Gòn. Xế về phía bắc lăng là phi trường quốc tế Tân Sơn Nhứt. Về phía tây là bến xe lớn.

Với những thay đổi đó, ngôi lăng bị thu hẹp lại làm điểm tròn nằm lọt giữa đường Võ Tánh. Tuy vậy khu mộ được giữ gìn đến 1983 thì tất cả được cải táng.

Riêng di hài của Giám mục Bá Đa Lộc được giao lại cho tổng lãnh sự Pháp đưa về Pháp. Mấy nếp nhà cũ bị san bằng. Giờ chỉ còn lại là điểm tròn làm vòng xoay lưu thông trên đường Hoàng Văn Thụ mà thôi.


Tin thêm từ bài viết của tác giả Phạm Cường đăng trên Vietnamnet, số báo ngày 18/8/2005:

Tuy nhiên, việc cải táng còn nhiều điều đáng lưu ý.
Có người nói những hài cốt tại khu mộ này đã được đại diện từ nước Pháp sang nhận và mang về chôn.

Nhưng riêng mộ của Giám mục Bá Đa Lộc, khi khai quật, chỉ thấy cây Thánh giá bằng vàng Tây lớn mà ông đeo khi xưa, chiếc gậy vàng của chức Giám mục, những mề đay của nhà nước Pháp và Việt trao tặng

Nhà nghiên cứu Lý Nhân Phan Thứ Lang, người Công giáo, lật ngược vấn đề:

"Nhiều người nghĩ đó là mộ thật của Đức Giám mục, nhưng tờ Nam Phong Tạp Chí của Phạm Quỳnh, quyển XVI, 92, phát hành tháng 2 năm 1925, có bài: "Bá Đa Lộc: mộ ông... hiện nay ở đâu?" của Vương Gia Bật, chỉ rõ:

Lăng Ngọc Hội cách thành phố Nha Trang 8 cây số. Phía trước mộ có một cái miếu nhỏ ở giữa đề chữ Hán: "Bá Đa Lộc chi mộ". Phía sau miếu có khắc cây Thánh giá.

Ngày 13/3/1925, quan Công sứ và Linh mục nhà thờ Bình Can (Nha Trang) ra lệnh cải táng. "Bên trong, xương cốt đã mục, hàm còn dính 3 cái răng, có 2 - 3 cái rơi ra ngoài...".

"Như vậy đích là mộ Bá Đa Lộc chôn ở Nha Trang"- Ông Lý Nhân Phan Thứ Lang thành kính nói - "Theo tôi, ngay sau khi cải táng, hài cốt của Đức Cha đã được đưa về Pháp, ngôi mộ ở tại Sài Gòn chỉ là tượng trưng. Tôi nghĩ, khi Gia Long mới lên ngôi, sợ Tây Sơn có ngày lật ngược thế cờ, nên phải cho dựng lăng Cha Cả ở Gia Định để đánh lạc hướng.

Tin thêm từ một người đi đường tận mắt trông thấy:

Ngày hôm đó, tình cờ tôi đi qua khu vực Lăng Cha Cả đúng lúc các công nhân khai quật mộ vừa đem được quan tài lên khỏi hầm mộ ở trong lăng, nên tôi dừng lại xem.

Tôi đứng ở bên nay lề đường để nhìn qua Lăng.

Lúc ấy có khoảng chừng hơn một trăm người bu lại xem. Ngay cạnh hầm mộ tôi thấy có vài người Âu, tôi đoán là nhân viên Lãnh sự Pháp ở Sài gòn. Công nhân hì hục cạy mở nắp quan tài khá lâu.

Một lúc sau tôi chợt nghe mùi hôi thối bay tới, phải đưa tay bịt mũi lại (sao lạ vậy,thân xác ông được chôn lâu lắm rồi mà- Đào Nguyên ghi thêm). Nhìn qua, tôi thấy một công nhân đang cầm một xương ống chân có kích cở rất lớn nếu so với xương ống chân cuả dân Việt.

Cái xương này có màu vàng nghệ rất đậm, gần như đỏ xậm. Người công nhân giủ giủ sơ sơ cho rơi bớt những bụi ( thịt) cũng có màu vàng đỏ xậm ,rồi bỏ vào cái khạp sành ngay cạnh chân mấy người Pháp, những người Pháp chỉ đứng im quan sát, không thấy có cử chỉ gì bất thường, tiếp theo đó là nhiều khúc xương khác nữa.

''Như vậy,tôi thấy rõ ràng là trong quan tài chôn trong Lăng Cha Cả có di cốt cuả Đức Cha Bá Đa Lộc. ''

Trước nhiều nguồn tin trái ngược nhau như vậy, thật sự là một dấu hỏi ...
tongquan is offline  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét