Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Làng chiến đấu Long Trì



  
Làng Long Trì nằm ở trung tâm thị trấn Tân Dân (trước kia là xã Tân An), huyện Yên Dũng. Thời kỳ 1940-1954, phải đi qua Long Trì thực dân Pháp mới có thể tiến đánh Tân An, Trí Yên, Lãng Sơn và huyện lỵ Yên Dũng.
Với vị trí trọng yếu như vậy, Long Trì luôn là mục tiêu đánh phá của thực dân Pháp xâm lược. Được sự chỉ đạo của cấp trên, chính quyền và nhân dân thôn Long Trì đã quyết định xây dựng "làng chiến đấu Long Trì" thành pháo đài vững chắc để ngăn chặn những đợt tấn công của giặc Pháp vào sâu trong huyện lỵ, đồng thời ta có nhiều thời gian chuẩn bị lực lượng khi địch tấn công.
Làng chiến đấu Long Trì được rào xung quanh kiên cố, toàn bộ hàng rào dài khoảng 2.500m, dưới chân rào là hệ thống giao thông hào rộng chừng 0,6m, sâu 1m, dài 1.300m. Phía trước cổng làng được bao bọc bởi 23 ụ chiến đấu. Trong làng có 6 lô cốt được đào rộng có thể chứa được cả một tiểu đội, tường đắp dày 1m khá kiên cố. Nơi đây còn có một hệ thống đường hầm, hào ngầm là nơi dự phòng khi địch tiến công mạnh vào làng, ta có thể rút xuống đó trú ẩn. Đường hầm này từ phía đầu làng chạy theo hình chữ "chi" tới tận cuối làng dài khoảng 1.500m, mỗi đoạn lại được bố trí các ngách ngang, mỗi ngách ngang chứa được từ 5 đến 10 người.
Nhân dân Long Trì huy động toàn bộ sức người, sức của để ủng hộ kháng chiến, 80% số hộ trong thôn đều có đường hầm. Trung đội du kích "Bạch đầu quân" làm hàng  trăm bàn chông tre có gài mìn phía dưới. Gia đình bà Hà Đình Sức hiến cả một khu đất để xây dựng ụ lô cốt kiên cố. Gia đình bà Hà Thị Chang đã hết lòng phục vụ cơm ăn nước uống cho bộ đội, du kích...
Thời kỳ 1947-1954, làng chiến đấu Long Trì đã anh dũng bất khuất đương đầu với 247 trận càn quét lớn nhỏ của kẻ thù. Thế nhưng, bom đạn và sự tàn bạo của địch không thể khuất phục được ý chí, lòng dũng cảm mưu trí của người dân nơi đây. Một trong những trận đánh đáng nhớ nhất là trận "đường đất đỏ" gây tiếng vang khắp vùng. Hôm đó là ngày 24-7-1952, thực dân Pháp huy động 500 quân từ Thái Đào (Lạng Giang), có đại bác yểm trợ càn quét vào Long Trì. Dựa vào hầm hào làng chiến đấu, bốn chiến sĩ của đại đội 555 và sáu du kích xã đã mưu trí, dũng cảm chiến đấu suốt một ngày, tiêu diệt và làm bị thương 27 tên địch, buộc chúng phải rút chạy. Cuối năm 1952, Trung ương Đảng và Tổng Quân uỷ Trung ương Đảng mở hội nghị rút kinh nghiệm chiến tranh du kích Bắc Bộ, đoàn đại biểu các tỉnh Bắc Bộ đã đến Long Trì học tập, rút kinh nghiệm và cái tên "Long Trì khói lửa" nổi tiếng từ đó.
Qua những trận chiến đấu ấy, du kích và nhân dân thôn Long Trì thể hiện tinh thần gan dạ, dũng cảm chiến đấu chống lại kẻ địch. Xóm làng Long Trì ngày đó bị súng đạn quân giặc cày nát nhưng ngọn lửa cách mạng, lòng căm thù và tinh thần quật cường không thể dập tắt mà còn vang đến bây giờ. Từ đây "Long Trì khói lửa" được nhân dân cả nước biết đến như một tấm gương điển hình của phong trào giết giặc lập công. Với thành tích đó, năm 1961, thôn Long Trì vinh dự được đón Bác Hồ về thăm.
Nguyễn Khải Hoàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét