Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Lăng họ Trần - di tích lịch sử văn hoá độc đáo ở Hiệp Hoà



  
Hiện vật bằng đá tại lăng. Ảnh: VH
Từ thị trấn Thắng (Hiệp Hoà) đến lăng họ Trần chỉ khoảng chừng 2 km, lăng nằm phía Nam của xóm Chùa, xã Lương Phong.
Lăng họ Trần được xây dựng từ thời Lê (cách đây khoảng hơn 200 năm), là công trình kiến trúc nghệ thuật chạm khắc có giá trị độc đáo. Giá trị chủ yếu của khu lăng này là nghệ thuật chạm khắc đá, bởi toàn bộ công trình trong lăng đều được xây cất bằng đá ong, đá xanh. Từ nhà lăng, am nhỏ che ban thờ và tượng từng vũ sĩ, đến các hiện vật ở đây đều rất phong phú đa dạng và chứa đựng nội dung nghệ thuật rất sâu sắc. Đó là hệ thống hiện vật được cấu tạo bằng đá như: Bia, câu đối, tượng các vũ sĩ, các con vật biểu tượng cũng bằng đá. Tất cả đã tạo cho khu lăng có giá trị lớn về mặt nghệ thuật dù đã trải qua bao biến thiên của thời gian, bao thăng trầm của lịch sử. Đây là nơi thờ tự danh nhân tiêu biểu của dòng họ Trần: Hai vợ chồng Quận công Trần Đình Ngọc và Quận công Trần Đình Miên nên khu lăng này không chỉ đơn thuần là nơi tưởng niệm danh nhân của riêng một gia tộc mà còn là nơi chứng kiến những sự việc trọng đại của địa phương: Các sự lệ, đình đám, tế lễ không chỉ diễn ra ở chốn đình chung mà nó còn diễn ra ở phạm vi gia tộc họ Trần, thể hiện sâu sắc tình cảm "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây" của nhân dân.
Tài liệu ghi chép về các danh nhân tiêu biểu của họ Trần tuy bị thất lạc nhiều, nhưng trong chính sử quốc gia được ghi chép khá rõ ràng trong sách "Đại Việt sử ký toàn thư" (tập I, Bản kỷ lục niên 1686-1740) của Nhà Xuất bản Khoa học - Xã hội, HN, 1982. Phần nội tự của lăng họ Trần hiện nay chia thành hai phần chủ yếu:
Phần thứ nhất là nhà lăng (phần mộ) gồm có 3 am nhỏ hướng của lăng nhìn theo hướng Nam, ba phía kia là dân ở. Phía trước khu lăng có ao lăng, sông máng và đường 19. Xung quanh khu vực lăng có một số mộ hợp chất (thời Lê). Trong các mộ này đáng lưu ý là có những ngôi mộ bà con gia tộc và dân thôn xưa nay vẫn gọi là "lăng hầu ông" và "lăng hầu bà". Hầu hết các mộ trên đều nằm chìm và phẳng dưới mặt đất (không có nấm bằng đất hoặc xây cất bên trên). Một số ngôi đã bị đào bới không còn nguyên vẹn.
Phần thứ hai trong khu vực nội tự của lăng được xem như phần trưng bày ngoại thất của một bảo tàng. Ở đây gồm chủ yếu là các bia đá, tượng võ sĩ và các con vật biểu tượng như sấu đá, ngựa đá. Các hiện vật này được xếp dựng thành hai hàng dài chạy dọc theo khu lăng, ngoài cùng là hai ông ngựa đá chầu vào nhau. Trước đây những tượng võ sĩ đều có mái che như những am nhỏ. Hiện nay, các am đó đều mất và một số bia đá ở đây cũng bị thất tán, sau này mới sưu tầm lại đưa về như cũ. Toàn bộ tượng đá ở lăng họ Trần đều được chạm khắc rất công phu, nghệ thuật điêu luyện, theo phong cách thời Lê rất sinh động, rõ nét và độc đáo. Mỗi vũ sĩ có một sắc thái riêng và thể hiện nội tâm khác nhau nhưng đều toát lên vẻ uy nghiêm của những tiêu binh đứng canh giữ dinh thự (phần mộ) của chủ tướng mình.
Lăng họ Trần là di tích ngoài trời, không có những công trình nhà cửa xây cất như những công trình văn hoá là đền hay đình, chùa. Bởi vậy, các hiện vật có liên quan đến khu lăng, ngoài những thứ ở tại khu vực của nó còn phải kể đến những hiện vật được lưu giữ trong gia tộc và làng xã ở đây.
Những bia đá câu đối đá ở đây là những tài liệu, hiện vật cực kỳ quý báu, có vai trò quan trọng trong công việc nghiên cứu về lịch sử gia tộc, các danh nhân họ Trần và quá trình xây dựng, tu bổ của lăng này. Tượng người và vật ở lăng họ Trần đều có xu hướng đi tới mô tả gần với hiện thực (kích thước giống như người và ngựa thật). Hiện nay, 4 tượng vũ sĩ đã được đưa về Bảo tàng Bắc Giang để trưng bày giới thiệu cho khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan nghiên cứu.
Những hiện vật vốn trước của đình Câu, nay được lưu giữ bảo quản ở điếm xóm Giữa cũng thuộc xã Lương Phong. Đó là sắc phong, văn tế, những minh chứng tin cậy về sự ảnh hưởng to lớn, sâu sắc của những danh nhân tiêu biểu trong gia tộc Trần đối với làng xã Lương Phong. Sắc phong hiện nay còn 18 đạo, đa số thuộc đời Nguyễn nhờ các sắc phong này mà nay ta mới có thể biết được đầy đủ và chính xác. Cụ thể là 5 vị sau - Đức vương linh Cao Sơn đại vương - Đức vương Quý Minh đại vương - Đức vương Diên Bình công chúa. - Đức vương trợ Linh quốc hầu đại vương.
Tóm lại, lăng họ Trần là một công trình văn hoá vô cùng quý báu. Nó bao hàm giá trị cơ bản tương đồng nhau giá trị về mặt văn hoá và giá trị kiến trúc chạm khắc nghệ thuật (chạm khắc đá). Đây là công trình lăng mộ được tạo dựng từ thời Lê. Nghệ thuật chạm khắc đạt đến trình độ cao. Hiện vật là những tác phẩm điêu khắc đá ở đây rất phong phú và đa dạng, thể hiện sâu sắc tâm hồn và tài nghệ của ông cha ta từ thuở trước.
Với những giá trị quý báu về lịch sử cũng như kiến trúc điêu khắc đá độc đáo của lăng họ Trần, năm 1990  Bộ Văn hoá đã công nhận khu lăng này là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Phương Hoa
Ban Quản lý di tích Bắc Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét