Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

Làng mai vàng Phước Định

Phước Định có khoảng 360 hộ thì đến 330 hộ đã có mai. Nhà nhà trồng mai; hộ nhiều, hộ ít, nhưng ít thì cũng có vài chục cây kiểng mai vàng. Riêng tổ làng nghề, trên 160 hộ thành viên, có số lượng kiểng bình quân mỗi hộ khoảng từ 400 tới 1.000 cây mai các loại. Nếu tính tuổi mai, nhiều nhà vườn còn giữ được những cây kiểng cổ đã có vài chục năm đến cả 100 năm.
Phước Định, thuộc xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) là ấp miệt vườn nổi tiếng, quanh năm được bao phủ với vườn cây trái xanh tươi.Ở đây, nghề chơi kiểng cổ, đặc biệt kiểng mai vàng chưng Tết, có trên 55 năm, được truyền qua nhiều thế hệ. Tháng 8/2009, UBND tỉnh Vĩnh Long đã công nhận làng nghề truyền thống “hoa kiểng - cây giống”. Tổ hợp làng nghề Phước Định cũng đã làm thủ tục đăng kí thương hiệu cho làng nghề kiểng mai vàng.
Phước Định có khoảng 360 hộ thì đến 330 hộ đã có mai. Nhà nhà trồng mai; hộ nhiều, hộ ít, nhưng ít thì cũng có vài chục cây kiểng mai vàng. Riêng tổ làng nghề, trên 160 hộ thành viên, có số lượng kiểng bình quân mỗi hộ khoảng từ 400 tới 1.000 cây mai các loại. Nếu tính tuổi mai, nhiều nhà vườn còn giữ được những cây kiểng cổ đã có vài chục năm đến cả 100 năm. Mai nguyên liệu được mua từ nguồn Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp. Làng mai chỉ trồng, chăm sóc lại để tạo thành kiểng cổ.
Chơi kiểng cổ không tốn nhiều diện tích. Thường nhà vườn trồng mai trước sân nhà, vì là “vật bất ly thân”; mặt khác, vừa tiện chăm sóc, cắt tỉa, uốn cành, vừa để ngắm mai thư giãn. Theo anh Tiêu Hùng Minh, tổ phó làng nghề: “Cây mai vàng có điểm đặc biệt là trồng khít, nắng sẽ không rọi vào gốc làm nóng gốc khiến cây dễ bị suy. Lúc nắng sáng hoặc nắng chiều, các tán cây che nắng đỡ cho nhau, giúp gốc mai thường xuyên có được độ ẩm cần thiết cho sự phát triển”. Nói chung, trồng mai có được lợi kép, vừa là thú chơi tao nhã vừa là công việc kinh doanh siêu lợi nhuận.
Cây mai Phước Định thường là mai nguyên thủy, ít có mai ghép, mai tháp như ở một số vùng khác. Vì vậy, cây có tuổi thọ rất cao, sống khoảng vài chục năm đến cả trăm năm là chuyện bình thường. Người trồng mai chỉ ngại hai bệnh nguy hiểm: bệnh nấm hồng và bệnh sương mai. Nấm hồng mọc trên cành có màu đỏ nhạt, nếu không trị sớm sẽ làm cho cây chết nhánh, dần sẽ làm thiệt đến thân; còn sương mai làm cho lá bị quăn queo lại. Tuy chơi mai là để ngắm hoa nhưng lá không tốt sẽ làm cây mai khó phát triển như ý. Ngoài ra, bọ chỉ, nhện đỏ cũng làm hại rễ. Nhưng, cái thắng thua hàng năm của người trồng mai là việc xử lí ra hoa đúng Tết. Năm rồi, tiết trời thất thường khiến cho toàn bộ mai vàng ngậm không nở; thành thử người chơi mai đành phải chờ năm sau.
Cây mai có giá trị được căn cứ vào các yếu tố: rễ, thân, cành, tán, bông. Tuổi thọ của cây cũng là một tiêu chuẩn để được định giá: cây càng nhiều tuổi thì giá trị càng lớn. Các tiêu chí khác cũng được tính tới. Chẳng hạn: rễ phải có hình thù đẹp; gốc phải có bề hoành lớn; thân phải có chiều cao cân đối, hài hòa; các chi nhánh phải cân xứng với thân.
Mai vàng có ít nhất 6 loại: loại lá dài, lá ngắn, lá bầu tròn, lá rất dài… Mỗi loại cho hoa với điểm mạnh và điểm yếu riêng: Lá dài bông ít, thưa; nhưng bông lại bự (lớn). Lá bầu tròn thì bông khủng khiếp (nhiều); nhưng bông thưa chỉ 5, 6 cánh. Còn loại 15, 16 cánh thì bông rất bự nhưng cũng rất thưa nụ… Tùy sở thích của khách hàng, việc chọn mai và giá cả cũng có gia giảm.
Giá cả mai vàng cũng tùy mùa. Với kiểng cổ thụ mai có gốc bề hoành 1,2m, chiều cao 6,5m, tán dưới 3m, tán trên cùng 20cm và các chi nhánh độ 15 năm, ứng với thân khoảng 100 tuổi, giá có mềm gì cũng không dưới 500 triệu đồng. Nói chung, người chơi kiểng đều hiểu: cây đẹp, để càng lâu, cây càng có giá trị lớn, không sợ lỗ. Nhưng do không đủ vốn để giữ lâu cây trong vườn nên sau khi tạo dáng cây chừng vài ba năm, họ bán đi để thu hồi vốn kinh doanh tiếp. Chỉ trừ những cây “độc” mới được giữ lại, vừa để chơi, vừa làm của.
Anh Lê Văn Tý, tổ trưởng tổ cây kiểng làng nghề cho biết: “Cơ sở anh hiện có 500 cây lớn nhỏ. Loại lớn khoảng 150 triệu cây, loại nhỏ giá thấp nhất cũng vài trăm ngàn. Bình quân một dịp Tết, anh kiếm được cũng khoảng 100 triệu”. Anh khoe mới bán được một cây 120 triệu. Cây mai này, anh chỉ cần 3 năm chăm sóc. Công cán có thể nói không bao nhiêu mà giá mua cây nguyên liệu lúc đầu cũng chỉ vài chục triệu.
Mai ở làng Phước Định có nhiều giá. Loại vài trăm triệu, cá biệt có cây hơn 500 triệu; loại vài chục triệu, vài triệu và loại mới tạo 5, 7 năm giá vài trăm ngàn. Theo anh Minh: “Một dịp Tết, tổng thu nhập kiểng mai vàng mang lại cho Phước Định có tới 7, 8 tỉ đồng. Hộ thu nhập ít nhất hàng năm cũng 40, 50 triệu đồng”. Đây là khoảng thu nhập không nhỏ đối với doanh thu của một xã, đừng nói chi một ấp.
Anh Minh cho biết thêm: “Làng Mai từ lâu là sự tự phát của bà con nhưng từ khi được tỉnh công nhận, chúng tôi đăng biển hiệu trên Quốc lộ 57 để khách đi đường tiện có thể ghé tham quan làng nghề, hoặc để chọn hàng. Còn dịp chuẩn bị Tết, chúng tôi có rất đông khách hàng. Tháng này, đã bắt đầu có khách hàng tới mua lai rai. Họ từ TPHCM, các tỉnh Miền Đông, miền Tây về.
Có thể nói, xuất phát từ một thú chơi, trồng kiểng mai vàng đã trở thành ngành kinh doanh chủ lực của làng Phước Định. Cái khó của người dân muốn làm ăn lớn là vốn. Nếu được hỗ trợ vay vốn, chắc chắn số lượng mai vàng sẽ tăng lên và tiếng tăm của làng nghề có dịp đi xa hơn. Đây sẽ là điểm du lịch thú vị, khi khách về miền Tây thưởng xuân, có thể ngắm mai vàng khoe sắc dưới nắng xuân trong ba ngày Tết.
Theo báo NNVN
Tác giả: Thạch Thảo  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét