g
Dân gian xưa có câu: "Vui nhất là hội chùa Thầy / Vui thì vui vậy chẳng tầy hội IA"
|
Nằm ở dải đất trung du của Bắc Giang, xã Hoà Sơn, Hiệp Hoà gồm chủ yếu là đồi gò và những cánh đồng rộng phẳng, những xóm làng bình dị, núi Y Sơn đột khởi tựa hòn ngọc châu, soi mình xuống dòng sông Cầu "lơ thơ nước chảy". Những xóm thôn toạ lạc ven sườn núi, hay trên những bãi đất cao ven sông, bốn bề là ruộng lúa, bãi, màu xanh ngắt, tạo nên bức tranh sơn thuỷ thật ngoạn mục, hấp dẫn.
Đền IA nằm ở phía Đông của ngọn núi Y Sơn nên còn được gọi là Y Sơn Đông Từ. Vốn là một công trình kiến trúc cổ, kiểu "Nội công - Ngoại quốc" khá hoành tráng; chùa Y Sơn dựng sườn phía Tây của ngọn núi Y Sơn (còn gọi là Y Sơn Tây Tự) - nay thuộc xóm An Khánh. Ngôi chùa này vốn là một thiền tự cổ, là một quần thể kiến trúc gồm toà tam bảo, thượng điện, hậu đường. Truyền rằng, chùa IA là nơi thánh phụ, thánh mẫu qua thăm cầu tự, rồi sau đó sinh ra đức thánh Hùng Linh, nên chùa là nơi thờ phật, đồng thời là nơi thờ thánh Phụ, thánh Mẫu của đức Thánh Hùng Linh Công.
Hàng năm, vào những ngày từ 15 đến 17 tháng giêng âm lịch (hay còn gọi là tết Thượng Nguyên), nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội ở chùa IA để tưởng nhớ ông bà sinh ra đức thánh Hùng Linh. Theo quy định của người dân Hoà Sơn, cứ 3 năm chùa lại mở hội lớn một lần theo đúng nghi thức cổ truyền (những năm khác chỉ mở hội trong vòng 1 ngày).
Tham gia tổ chức lễ hội, xưa gồm "Tam xã, lục giáp" là: xã Thù Sơn, xã Thù Cốc, xã Mai Sơn và 6 giáp là: Hương Trù giáp, Tiên Cảnh giáp, Hoà Thuận giáp, Trại Xuyên giáp, Thù Cốc giáp, Mai Sơn giáp. Lễ hội diễn ra trong các ngày vừa tôn nghiêm, vừa sùng kính với các nghi lễ trang trọng, vừa vui nhộn náo nhiệt với nhiều trò vui hấp dẫn như dâng hương, lễ vật cúng Phật và thánh phụ, thánh mẫu, tế lễ, kéo quân đập đất, kéo chữ…
Theo thông lệ giáp nào đứng ra đăng cai sẽ phải chịu trách nhiệm toàn bộ mọi công việc diễn ra trong dịp hội. Tuy nhiên, giáp đăng cai sẽ không phải thửa voi, ngựa; 5 giáp còn lại mỗi giáp phải chịu trách nhiệm thửa 01 cỗ voi, 02 cỗ ngựa (01 ngựa hồng, 01 ngựa bạch); đặc biệt voi phải có đủ bành, ngựa phải có đủ yên cương có tàu che và đều được đặt trên giá có bánh xe để di chuyển dễ dàng. Mỗi giáp lại phải tuyển chọn 01 nam làm quản tượng và 03 nữ làm tướng để cưỡi lên những con voi, cỗ ngựa của giáp mình. Tiêu chuẩn chọn tướng và quản tượng tất nghiêm ngặt, chỉ được trong độ tuổi 16, 17 đẹp người, đẹp nết, đẹp gia phong, gia đình không có "bụi", chưa vợ, chưa chồng "sắc vụ tinh hoa, y mạo đoan nghiêm".
Trong những ngày mở hội, 5 nam mặc quần áo quản tượng; 15 nữ mặc quần lụa, áo dài lụa, đội khăn lụa tứ sắc (xanh, đỏ, tím, vàng) theo lệ cổ, chân đi hài. Trước ngày lễ hội, các tướng và quản đều phải tập luyện cho thuần thục các nghi thức và những thao tác nghi lễ: Lễ "rún"; lễ "kéo quân đập đất"; lễ "kéo chữ"…
Ngày 15 là mở đầu ngày hội, tất cả các giáp rước kiệu, có đủ: Cờ, quạt, chiêng, trống tập trung về đền, nơi thờ thánh Hùng Linh, sau khi làm lễ tại đền tất cả lại rước sang chùa cùng 02 cỗ ngựa thần bằng gỗ (01 hồng - 01 bạch). Đoàn lễ rất đông vui, khách trẩy hội đi theo đoàn kiệu tiếp nối dài từ đền sang chùa, vượt qua núi Yên Ngựa. Khi đoàn rước về tới chùa, ngựa thần được đặt vào vị trí có bệ đứng trang nghiêm rồi rước nồi hương xuống nhà hội và rước chuối dò vào chùa để làm lễ (một cây chuối dò được chọn theo tiêu chuẩn quy định để cắm những cây dò, dò là một thanh tre bánh tẻ, dài 2 gióng, vót sao chụm lại ở một đầu như bông hoa, bên bông hoa dò còn nhuộm một gié lúa sai bông, mẩy hạt; mỗi giáp làm 10 cây dò như vậy). Bông hoa dò và gié lúa tượng trưng cho lòng thành cầu trời, khấn phật mưa thuận, gió hoà, cho cây trái mùa màng đơm hoa, kết trái. Sau khi tế lễ, những bông hoa dò và gié lúa ấy được phân phát về các giáp để biếu các cụ cao tuổi nhất trong giáp mình.
Ngày 16, tướng và quản tượng lại lên voi, ngựa thần vào chùa lễ phật và thực hiện các thao tác lễ như ngày 15.
Ngày 17, cũng là ngày vui nhất, náo nức nhất và cũng là ngày cuối của hội. Trước khi vào chùa làm lễ, 5 quản tượng và 15 nữ tướng phải qua 3 vòng khám. Đây là nghi thức cực kỳ quan trọng, phải thể hiện đúng "Sắc vụ tinh hoa, y mạo đoan nghiêm". Khi kiệu rước và ngựa thần đi qua các quản và tướng mắt nhìn thẳng, mặt tươi, ngồi thẳng, tư thế đường bệ. Việc khám do giáp đăng cai phụ trách được tiến hành nghiêm túc và chính xác. Qua 3 vòng khám, tướng và quản nào đạt tiêu chuẩn thì được thưởng, nếu làm chưa tốt thì bị phạt. Nghi thức lễ là lễ rún, nhìn các nam quản tượng và nữ tướng trong trang phục lễ hội truyền thống mới thấy rất kỳ công, những thao tác rất nhịp nhàng, uyển chuyển, vừa cung kính, vừa đẹp mắt.
Trong những ngày lễ hội, ngoài những cuộc tế lễ, rước sách theo nghi thức cổ truyền, hội còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như cờ tướng, kéo co, đánh đu, bịt mắt bắt dê, nhảy bắt phỗng, diễn tuồng, hát chèo…
Thanh Huyền
(Ban Quản lý di tích tỉnh) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét