Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Lễ hội Nàng Hai ở Chu Lăng (Thạch An)


 Lễ hội Nàng Hai (lễ hội Nàng Trăng) được người dân các huyện: Thạch An, Phục Hòa duy trì và phát huy. Đây là lễ hội giàu bản sắc dân tộc, độc đáo, mang nhiều yếu tố huyền bí, tâm linh, thiên về dự đoán mùa màng, cầu mùa, cầu an cho nhân dân trong vùng.
    Lễ tiễn hồn Nàng Hai về trời.
              Ngay từ sáng sớm 8/4/2012 (18/3 âm lịch), trên mọi ngả đường, già trẻ, gái trai nườm nượp đổ về thôn Chu Lăng, xã Kim Đồng (Thạch An) để dự lễ tiễn đưa Nàng Hai về trời. Chu Lăng có địa hình bằng phẳng, nằm giữa núi non hùng vĩ, vốn là một miền quê yên tĩnh, hôm nay nhộn nhịp lạ thường. Nhân dân từ Thị xã và các nơi nô nức về đây dự lễ hội.
              Ông Hoàng Văn Quân, ở huyện Tràng Định (Lạng Sơn) vui vẻ: Đây là lần thứ hai tôi về dự lễ hội này, đây là lễ hội đặc trưng của dân tộc Tày, bảo tồn được những nét văn hóa riêng có, như áo dài dân tộc và các điệu hát lượn... Bà Đặng Thị Thám, 74 tuổi, ở Chu Lăng bày tỏ: Tôi thấy lễ hội này đã có từ rất lâu. Tôi rất vui vì hiện nay con cháu tổ chức được lễ hội như xưa để những người cao tuổi có dịp gặp gỡ anh em, bè bạn, mừng cho quê nhà ngày càng đổi thay, mọi người đều có cuộc sống ấm no.
              Lễ hội Nàng Hai là lễ hội lớn có từ lâu đời của người dân thôn Chu Lăng với nhiều hoạt động gắn với miếu thổ thần đầu làng. Lễ hội Nàng Hai là tục cầu mùa, kéo dài nhiều đêm xướng hát. Theo lệ cũ thì ngày 30 tháng Giêng âm lịch, dân làng tổ chức làm Then lên đón hồn Nàng Hai trên mường trời xuống hạ giới du xuân và dạy nhân dân cách làm ăn. Những năm gần đây, dân làng chỉ tổ chức vào năm nhuận.
              Tại đầu làng, chọn bãi đất trống cao ráo, sạch sẽ làm địa điểm tổ chức lễ hội, dựng sạp sàn bằng những cây vầu, đặt cao cách mặt đất nửa mét. Nghi thức chính là mời hồn Nàng Hai về nhập vào hai cô gái (tuổi từ 15-18, chưa chồng, nhẹ vía), rồi đoàn người gồm 30 người: 15 cô gái mặc áo dài dân tộc Tày, đầu chít khăn đỏ tượng trưng cho mặt trời và 15 cô gái đầu chít khăn vàng tượng trưng cho mặt trăng cùng hát theo nhiều khúc hát được soạn từ trước với nội dung cầu xin các mẹ Hai trên mường trời cho giống tốt, diệt trừ sâu bọ, làm cho mưa thuận gió hòa, mọi người mạnh khỏe.
               Hai thiếu nữ ngồi Sở và ngồi Cường (hay gọi là ngồi nhập hồn) là hai cô gái đẹp, hát hay, ứng đối thông minh, linh hoạt nhập vai Nàng Hai.  Nàng Sở mặc áo vàng, đầu vấn khăn vàng biểu hiện Trăng chị, nàng Cường mặc áo đỏ trên đầu vấn khăn màu đỏ đóng vai Trăng em. Sau khi dân làng dựng một chiếc lều, gọi là lều trăng (tiếng Tày gọi là “Thiêng hai”) cho Nàng Hai thì Nàng Hai cùng Mẻ cốc (mẹ gốc) đến ở hẳn đó để ngày đêm tập luyện những bài lượn gốc. Trong lều treo các loại hoa như: bjoóc mạ, khảo quang, hoa guột, hoa chuối…, buộc lại từng bó vắt lên sào.
                Trước khi hành lễ, người đóng vai Mẹ Trăng và các nàng Hai đứng trước bàn thờ để ông Tào làm lễ hóa thân. Mỗi người hít thở ba lần khói hương để tống khứ linh hồn của người ra,  để linh hồn Mẹ Trăng và các nàng tiên nhập vào. Khi Mẹ Trăng và các nàng tiên đã nhập hồn  thì về nhà không được làm những công việc tạp uế như vào chuồng gia súc, gánh phân...
                Mẻ Cốc là một bà thầy giỏi đàn hát, thuộc nhiều bài lượn. Ngoài Mẻ cốc và hai cô gái thế vai nhập hồn Nàng Hai, còn có các nhân vật tham gia trình diễn, đó là hai chàng trai trẻ, gọi là Khủ tiến, có vai trò từ trên trời xuống bảo vệ cho hai bà chị (Nàng Hai). Một người gác ở cửa Đông, một người gác ở cửa Tây. Khủ tiến đầu buộc khăn lụa xanh, mặc áo lụa đỏ, thắt lưng xanh, tay cầm cây trúc hoặc cây vầu đi hai bên dọn đường cho đoàn diễn xướng.
                Sau khi cầu hết các cửa, xin các mẹ được đầy đủ các giống cây, con, các điều kiện mưa gió thuận hòa thì dân bản tổ chức đưa tiễn các nàng Trăng về trời. Lễ này được tổ chức chu đáo và là ngày hội chính thức.
                Để tiễn đưa các nàng Trăng về trời, dân làng dựng một lều Trăng thứ hai ở ngoài đồng. Mẹ Trăng và các nàng Trăng phải làm lễ chia tay, hát các bài hát chia tay vừa đi vừa múa quạt và dùng tay du mạnh những cột lều cho lều đổ, sau đó Mẹ Trăng và các nàng Trăng ra cầu thần trông coi đầu bản và cuối bản mở cửa cho Mẹ Trăng và các nàng Trăng về trời.
                Lượn slương là thể loại được diễn xướng trong suốt quá trình. Đặc biệt, trước lúc giã từ trần thế về nơi tiên cảnh, các nàng Hai hát lên những câu hát mượt mà êm ái, dịu ngọt: “...Gà gáy ra nhìn Đông lại Tây/Tiếng gà giục giã lệ tràn đầy/ Còn thấy lúc này duyên trước mặt/Lát sau ly biệt làm sao đây”.
               Lễ hội Nàng Hai là lễ hội đặc sắc, mang đậm dấu nét riêng có của người Tày, thể hiện khát khao, ước vọng của con người trước thiên nhiên, cầu mong một cuộc sống ấm no hạnh phúc. Lễ hội Nàng Hai cần được quan tâm gìn giữ, làm cho kho tàng văn hóa các dân tộc thêm phong phú.
    Mông Văn Bốn

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét