Trong nền văn hóa lâu đời của người Mường ở tỉnh Hòa Bình, có rất nhiều di sản văn hóa cổ đến nay vẫn còn lưu giữ được. Một trong số đó là lịch Đoi, một bộ lịch cổ với cách tính lịch hết sức lạ kì. Ngày nay, lịch Đoi và cách tính lịch Đoi ít người biết đến, may chăng chỉ còn lại một số ít thầy mo hoặc các cụ già trong các bản Mường là còn biết đến loại lịch cổ này.
Ngày xưa, cộng đồng người Mường ở Hòa Bình được chia thành bốn vùng Mường là: Mường Bi (nay là huyện Tân Lạc); Mường Vang (nay là huyện Lạc Sơn); Mường Thàng (nay là huyện Cao Phong); Mường Động (nay là huyện Kim Bôi). Trong đó Mường Bi được xem là Mường lớn, nơi tập trung nhiều nét đặc sắc của văn hóa xứ Mường, và cũng chính là nơi còn lưu giữ được lịch Đoi và cách xem lịch Đoi. Tại nhà ông Bùi Văn Ểu (Mường Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc) hiện vẫn còn một bộ lịch Đoi cổ, và theo như lời ông nói thì bộ lịch này được tổ tiên nhà ông cất giữ và truyền lại qua rất nhiều đời. Ông Ểu là một thầy mo hiếm hoi trong vùng hiện còn biết xem và sử dụng lịch Đoi. Ông cho biết, lịch Đoi được tính theo cách vận hành của sao Thần Nông (người Mường gọi là sao Đoi) khi đi qua mặt Trăng để xác định ngày tháng cho việc gieo trồng, đánh bắt, hay ngày có mưa lũ…Người mẹ của thầy mo đã truyền lại cho ông những bí quyết để tính lịch Đoi |
Cũng giống như cách tính lịch của người Việt, lịch Đoi được chia làm 12 tháng. Bộ lịch có 12 thanh tre. Mỗi thanh dài khoảng 20cm, rộng 3cm và tượng trưng cho một tháng. Mỗi tháng có 30 ngày, được chia thành 3 khoảng (gọi là Tuần, gồm có Thượng tuần, Trung tuần và Hạ tuần), mỗi Tuần có 10 vạch tượng trưng cho các ngày và có những tên gọi riêng. Lịch Đoi được xem như lịch vạn sự của người Mường với những chỉ dẫn chọn ngày lành tháng tốt cho các công việc quan trọng trong đời sống. Thượng tuần gọi là "ngày kâl", những ngày này được người Mường chọn để tổ chức cưới xin, khánh thành, xây nhà mới. Hạ tuần là những ngày hết trăng, được gọi là "ngày cối"; những ngày này người Mường thường không làm công việc gì hết vì sợ sẽ bị thua lỗ hoặc công việc không được suôn sẻ. Trung tuần là 10 ngày giữa tháng, được gọi là "ngày lồng", tức những ngày có trăng, và theo quan niệm của người Mường, trẻ con sinh vào những ngày này sẽ thông minh, sáng dạ.
Căn cứ trên chu kì hoạt động của sao Đoi, người Mường đã xác định được các tháng, các tuần, các ngày trong năm có những sự kiện về thời tiết ra sao để từ đó đưa ra các quyết định cho công việc đồng áng, làm ăn của mình. Vì người Mường đã thất truyền chữ viết nên để xem được lịch, trong vạch của mỗi ngày có những kí hiệu đặc biệt để người ta có thể biết đó là ngày làm ăn thuận lợi hoặc hao tổn, cũng có ngày để đi làm đồng, gieo mạ, đi săn, đánh bắt cá được nhiều nhất…
Cũng từ kinh nghiệm đúc kết nhiều đời mà cách xem lịch cũng được chuyển thể thành những câu ca dao, tục ngữ để dễ truyền tải đến các thế hệ sau. Tuy nhiên theo ông Ểu, do chu kì vận hành của vũ trụ đã thay đổi, đồng thời do chịu tác động của biến đổi khí hậu khi mưa nắng, bão lũ thường xuyên và thất thường hơn, thì sự chính xác trong cách tính lịch cũng không còn chính xác nữa. Đấy cũng là nguyên nhân mà nhiều người Mường ngày nay không còn dùng lịch Đoi và vì thế lịch Đoi dần bị lãng quên.
Đối với các nhà nghiên cứu, lịch Đoi xuất hiện từ khi nào, có quan hệ gì với âm lịch, những giá trị của nó trong đời sống văn hóa của người Mường cho đến nay vẫn còn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn cần được giải đáp.
Trên những chiếc thẻ tre có những ký hiệu dùng để xem ngày |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét