Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Lời hẹn Khau Vai


Khau Vai nằm trong một thung lũng đẹp, xung quanh là những dãy núi cao chót vót, xa hơn một chút là đỉnh Mã Pí Lèng quanh năm mây khói. Chợ tình Khau Vai còn gọi là “Chợ Phong lưu”, có từ năm 1919, chợ họp trên một quả đồi tại thôn Khau Vai, xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Chợ họp mỗi năm một lần vào ngày 27.3 (âm lịch); gọi là chợ, nhưng không phải nơi để buôn bán hàng hóa, gần như không có người bán, người mua hàng hóa đúng nghĩa mà chỉ có một số người bán đồ ăn uống phục vụ cho những người về đây họp chợ.

Vì đây là địa điểm, là nơi để người ta tìm đến với nhau, sau một năm (cũng có thể là nhiều năm) xa cách, chủ yếu là những người có mối tình chắc trở, yêu thương nhau thực sự, nhưng vì một lý do nào đó không lấy được nhau, nay mỗi người đều có duyên phận riêng của mình. Đúng ngày này, họ hẹn nhau về đây để tâm sự, thông báo cho nhau cuộc sống riêng của mỗi người, ôn lại những tình cảm, sự nhớ nhung do xa cách.

Có rất nhiều đôi vợ chồng cùng nhau đến chợ; đến nơi, vợ đi tìm bạn của vợ, chồng đi tìm bạn của chồng, họ không gen tuông, không bực bội, mà tôn trọng nhau, tôn trọng bạn của vợ, của chồng mình; họ coi đó là sự linh thiêng, là bổn phận và trách nhiệm trước cuộc sống tinh thần của người bạn đời. Nhưng sự cho phép đó, những phút giây “ngoài chồng, ngoài vợ” đó chỉ có và được phép diễn ra trong ngày chợ đó, hết ngày 27.3. “Cửa lòng” phải đóng lại, mọi hành vi tương tự đều bị coi là vi phạm luật tục và pháp luật, đều có thể bị trừng phạt tùy theo mức độ vi phạm (thực tế tại Chợ tình Khau Vai, các đôi bạn tình có thể ngồi tâm sự với nhau suốt đêm 26, cả ngày 27.3, chợ tình bắt đầu từ đêm 26 kết thúc vào chiều tối ngày 27).


Người đến chợ chủ yếu là các cặp tình nhân các dân tộc: Tày, Nùng, Giấy từ các xã Nậm Ban, Niêm Sơn, Tát Ngà, Lũng Pù, Sơn Vĩ, Thượng Phùng, từ các xã của huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) sang.

Chuyện kể rằng ngày xưa, ở làng người Giấy gần cạnh trong một gia đình tộc trưởng có một cô con gái út xinh đẹp vừa đến tuổi thích ra bờ suối soi bóng mình. Đôi mắt nàng trong như dòng suối, đôi môi hồng như nụ đào mới nhú, làn da trắng mịn như hoa Lê, hoa Mận. Nàng có giọng hát rất hay tựa như chim hoạ mi hót..
.

Tuy con nhà khá giả nhưng nàng rất tốt bụng, thường giúp đỡ những người khó khăn, thích chăn trâu cùng các bạn gái trong bản, mỗi khi có dịp đi chơi cùng các bạn trong bản nàng lại ra bờ suối thả hồn theo mây gió và gửi tiếng hát của mình vào dòng suối, rừng sâu vách đá. Càng lớn càng đẹp rực rỡ như chim nộc hang, nộc phầy vào mùa kết bạn. Đã có bao chàng trai con nhà giầu, con tộc trưởng người Giấy ở các bản trong vùng ngỏ ý muốn hỏi nàng làm vợ nhưng nàng không bằng lòng với ai vì trái tim của nàng chỉ rạo rực thổn thức vì tiếng sáo của chàng Ba, tiếng hát của nàng đã quyện vào tiếng sáo của chàng Ba từ lúc nào không rõ nữa. Chỉ biết rằng khi nghe tiếng sao của chàng Ba, cái chân của nàng lại muốn xuống cầu thang chạy đến bên chàng. Đối với chàng Ba mỗi khi nghe thấy tiếng hát của nàng út trái tim chàng thấy bồi hồi xao xuyến... Mối tình của hai người như suối lửa âm ỉ đến một ngày bùng cháy thành ngọn lửa, đó là vào đêm lễ hội “lồng tồng”.

Tiếng sáo của chàng Ba réo rắt ngay chân cầu thang nhà nàng. Nàng Út ra mở cửa đón chàng lên nhà cùng ngồi bên bếp lửa hát đối. Thấy vậy, cha mẹ nàng lấy trộm gạo với muối đem ra cầu thang ném để đuổi chàng đi vì chàng là con nhà nghèo lại khác dân tộc... Sự cấm đoán gay gắt của gia đình, họ hàng càng làm cho mối tình của chàng Ba và nàng Út ngày càng thắm thiết, tình yêu càng bùng cháy như ngọn lửa gặp gió. Nàng út đã nhiều lần trốn gia đình ra bờ suối cùng chàng Ba gặp gỡ tâm tình.

Nhưng lần nào cũng bị cha mẹ sai người đi bắt về và bị nhốt trong buồng, cuối cùng chàng Ba và nàng Út đã dùng tiếng sao, lời hát hẹn nhau bỏ nhà lên sống trong một cái hang trên núi Khâu Vai. Biết vậy gia đình, họ hàng, dân làng người Giấy bên nàng út vác gậy gộc, cung nỏ ... sang nhà chàng Ba chửi bới, cho rằng chàng Ba đã phá lệ làng, bắt nàng Út bỏ nhà theo chàng sống trong rừng. Gia đình họ hàng, dân làng người Nùng bên chàng Ba cũng mang gậy gộc, cung tên ra chửi bới bên nhà nàng, ở trên núi nhìn xuống thấy cảnh hai bên xô xát ngày một lớn, thương cha mẹ, anh em phải đổ máu. Hai người đành gạt nước mắt chia tay nhau về bản của mình, họ hẹn thề kiếp sau sẽ nên vợ nên chồng và hứa với nhau hàng năm nhớ ngày chia tay này sẽ trở lại núi Khâu Vai để gặp nhau. Ngày ấy là ngày 27 tháng 3 âm lịch.

Cũng từ đấy chợ tình Khâu Vai hay còn gọi là “chợ Phong lưu” được diễn ra vào ngày 27/3 âm lịch hàng năm. Trước đây người đến chợ không nhiều, chủ yếu là những người có mối tình trắc trở, họ yêu nhau nhưng không lấy được nhau vì những ràng buộc của lễ giáo phong kiến, những tập tục lạc hậu.

Tuy mỗi người đã có một mái ấm gia đình, có người đã thành ông thành bà, xa nhau 3 năm, 5 năm, 10 năm hoặc vài chục năm, nhớ nhau đến chợ gặp nhau tâm sự, kể cho nhau nghe về những vui buồn của mình, gia đình, sự trưởng thành của con cháu và hát cho nhau nghe những làn điệu dân ca quen thuộc (gửi gắm tình thương, nỗi nhớ và giận hờn vào câu hát). Có thể hai vợ chồng cùng đến chợ, khi đến chợ chồng đi gặp người yêu cũ của chồng, vợ đi tìm người tình cũ của vợ, không có sự ghen tuông. Những người ở bản xa đến chợ từ chiều hôm trước, họ tìm đến ngủ trọ ở nhà người quen ở gần chợ, đôi bạn tìm thấy nhau có thể ngồi tâm sự với nhau suốt đêm 26, cả ngày 27/3, họ mời nhau uống rượu, ăn cơm nắm, cơm lam, các loại bánh (tất cả đồ ăn, đồ uống được mang từ nhà đến chợ) tình cảm của họ hoàn toàn trong sáng. Nếu một trong hai người có sự sàm sỡ thì người kia coi là bị xúc phạm, bị bạn tình coi thường, tình cảm sẽ bị rạn nứt và không bao giờ gặp lại nhau nữa. Chiều ngày 27/3 chợ tan, đôi bạn tình bịn rịn chia tay hẹn gặp lại vào phiên chợ năm sau.

Trước đây chợ tình Khâu Vai là chợ của những mối tình trắc trở. Từ năm 1991 trở lại đây đến chợ có nhiều thanh niên nam, nữ các dân tộc trong vùng đến chợ để vui xuân và cũng để tìm bạn tình, nhiều đôi đã nên vợ nên chồng trong dịp đi chợ tình Khâu Vai.
Theo dulichbui

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét