Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

Mai vàng Yên Tử




Mỗi độ xuân về, mai vàng đua nhau khoe sắc tạo thành những điểm vàng nổi bật bên mầu xanh kỳ vỹ của rừng núi Yên Tử.
Nhắc đến hoa mai, người ta nghĩ ngay đến vùng đất phương Nam. Thế nhưng ít người biết rằng trên đỉnh non thiêng Yên Tử có một rừng “Đại lão mai vàng” quý hiếm với hàng trăm năm tuổi, vẫn đều đặn trổ hoa mỗi dịp xuân về...Rừng “Đại lão Mai vàng” được phân bố chủ yếu quanh khu vực núi Yên Tử. Theo đánh giá ban đầu của Viện Nghiên cứu Rau quả, mai vàng Yên Tử sống trong nền khí hậu nhiệt độ thấp về mùa đông nên đã tạo ra sự khác biệt về mặt hình thái và hương thơm. Mai vàng Yên Tử thường có rễ len lỏi ở các khe đá, sống thành quần thể rừng,  ít hoa, có mầu xanh hơn so với hoa mai phía Nam. Ước định tuổi của khu rừng mai này vào khoảng hơn 700 năm, trùng với sự kiện vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con, để về Yên Tử tu hành (năm 1285-1288). Rất có thể rừng mai vàng Yên Tử là do vua Trần Nhân Tông trồng khi mới tu hành. Vì thế, mai vàng Yên Tử không chỉ đơn thuần mang vẻ đẹp của loài hoa bình thường mà còn có ý nghĩa lịch sử và nhân văn.
Rừng núi Yên Tử có hệ thực vật phong phú, trong đó có những cây mai quý hiếm với niên đại hàng trăm năm tuổi.




Mai vàng Yên Tử sống trong nền khí hậu có nhiệt độ thấp về mùa đông nên đã tạo ra sự khác biệt về mặt hình thái và hương thơm.


Mai vàng Yên Tử ít hoa và có mầu xanh hơn so với hoa mai phía Nam.


Những cành mai cổ thụ, khẳng khiu ước định tuổi vào khoảng hơn 700 năm.


Mỗi độ xuân về, những cành mai vàng phía sau chùa Hoa Yên nở rộ, tô thêm vẻ đẹp kỳ vỹ chốn non thiêng.

Mai vàng khoe sắc bên núi rừng Yên Tử.
Đến nay, mai vàng Yên Tử đã được bảo tồn và nhân giống, trồng tại các vườn ươm. Trong ảnh: Các chuyên gia Viện Nghiên cứu Rau quả kiểm tra giống mai vàng Yên Tử được nhân giống tại vườn.
,
Theo báo Quảng Ninh


“Ông đỡ” của mai vàng Yên Tử


Khi triển khai đề tài khoa học “Nghiên cứu bảo tồn lưu giữ và phát triển giống hoa mai vàng Yên Tử” do Viện Nghiên cứu Rau - Quả chủ trì, ông Chuyên đã được mời tham gia. Nhờ đó, vợ chồng ông cũng đã có được những kiến thức cơ bản về phương pháp nhân giống vô tính ghép mắt mai vàng Yên Tử vào gốc mai vàng miền Nam để hoa nở vào dịp Tết Nguyên đán.
Bởi yêu quý hoa mai vàng nơi “non thiêng”, sau 6 năm mày mò ươm từng hạt giống, chăm sóc, đánh tỉa từng cây mai con ra trồng... đã cho ông có được kinh nghiệm thực tế để điều khiển được mai nở hoa sớm trong khu vườn của mình. Đó là ông Trần Mạnh Chuyên, hiện ở dưới chân đèo Voi heo hút thuộc thôn Tây Sơn của xã Bình Khê (Đông Triều - Quảng Ninh). Tại nơi này đã có vườn ươm hàng vạn cây mai vàng Yên Tử mà rất ít người biết đến.
Mai vàng Yên Tử được các nhà khoa học phát hiện ra ở trên núi cao của cánh cung Đông Triều kéo dài từ huyện Đông Triều xuống đến Hoành Bồ. Những cây mai vàng cổ thụ mọc trên núi Yên Tử hoa có 5 cánh, lộc màu xanh, cánh hoa có màu vàng tươi rất sáng và có mùi thơm nhẹ đặc trưng rất dễ chịu. Trên một cành có rất nhiều hoa, kích thước hoa không lớn, đường kính khoảng 2 - 3 cm. Đặc điểm của cây mai vàng Yên Tử là sống lâu năm, sinh trưởng mạnh, lại ít sâu bệnh. Tuổi thọ của các loại mai này có thể sống được hàng trăm năm tuổi. Ông Chuyên kể: “Trước đây, người dân địa phương không biết đây là giống mai quý mà chỉ gọi là mai rừng. Khi tôi phát cây dọn vườn, thì thấy ngay dưới khe nước ven rừng nhà cũng có một cây mai rừng đang nở hoa rực rỡ. Thế nên tôi nghĩ là rừng nhà mình cũng trồng được giống hoa đẹp này. Sang hè năm đó, những hạt mai chín đến đâu thì tôi nhặt về đến đó và đem ra ươm hạt, chăm sóc chu đáo. Khi các hạt mai nảy mầm, tôi tiếp tục chăm bẵm cho lớn. Cứ thế, đến năm 2006 thì tôi đánh ra trồng được gần 100 cây mai quanh khu vực nhà ở”.

Những cây mai vàng Yên Tử đã 2 năm tuổi trong vườn ươm của ông Chuyên.
Năm 2007, khi đoàn nghiên cứu khảo sát mai vàng Yên Tử của Viện Nghiên cứu Rau - Quả trung ương sau khi khảo sát trên núi Bảo Đài đi xuống, phát hiện trong vườn nhà ông có những cây mai vàng Yên Tử. Lúc đó, ông mới được biết đây là giống mai quý của nước ta, duy nhất chỉ có ở khu vực núi rừng Yên Tử của Quảng Ninh. Khi triển khai đề tài khoa học “Nghiên cứu bảo tồn lưu giữ và phát triển giống hoa mai vàng Yên Tử” do Viện Nghiên cứu Rau - Quả chủ trì, ông Chuyên đã được mời tham gia. Nhờ đó, vợ chồng ông cũng đã có được những kiến thức cơ bản về phương pháp nhân giống vô tính ghép mắt mai vàng Yên Tử vào gốc mai vàng miền Nam để hoa nở vào dịp Tết Nguyên đán. Tuy có được kiến thức khoa học như vậy cùng với cách sử dụng thuốc kích thích cây qua rễ, qua lá, ông vẫn say mê nhặt những hạt mai của cây mai dưới khe núi và cả hạt của những cây mai ông đã trồng từ năm 2007 để mang về ươm trồng. Dưới bàn tay chăm sóc của ông, chỉ sau 4 - 5 năm mai vàng đã đơm hoa rực rỡ và toả hương thơm ngát. Theo ông, cây giống phải nhân từ hạt thì mới chắc ăn, không thể bị thoái hoá hoặc biến đổi gen được. Đến nay, vườn mai vàng của ông đã có đến hàng vạn cây mai từ 1 đến 5 tuổi. Ông Chuyên cho biết: “Giống mai này khó trồng lắm. Nếu đánh cây không cẩn thận mà vỡ bầu, đứt hết rễ tơ là cây chết”. Từ kinh nghiệm thực tế của ông cho thấy: Loại mai vàng này chỉ phát mầm lộc mới trên cành sau 3 tháng nở hết hoa, khi ấy đã là đầu hè nắng gắt. Với đặc thù sinh trưởng và phát triển như vậy, mai vàng Yên Tử là loài mai phát triển rất chậm, dáng vươn thẳng. Đơn cử cây mai ở sườn núi bên kia chùa Ngọa Vân, gốc cây có đường kính 20 cm mà các nhà lâm học đã giám định có tuổi trên 100 năm rồi... Hiểu được điều này, ông đã nghiên cứu, thử nghiệm biện pháp kích thích đánh rễ từng cây mai. Có sự can thiệp của thuốc kích thích cây nên một số cây mai của ông đã điều khiển được hoa nở sớm theo ý muốn. Ông bảo sau này ông sẽ chuyển giao kỹ thuật ươm trồng mai vàng Yên Tử để loại cây quý này sẽ thành loại cây “giảm nghèo, làm giàu” cho bà con nông dân nơi đây.
Được biết, trong năm qua, đã có rất nhiều người tìm đến hỏi mua những cây mai đến tuổi trổ hoa, ông Chuyên vẫn không bán. Mọi người cho ông là gàn dở, song theo ông thì những cây mai đó ông sẽ tiếp tục đưa lên trồng trả lại cho rừng trước để bảo tồn rừng mai quý nơi đất Phật. Sau này sẽ tiếp tục ươm hạt lấy thật nhiều cây giống nữa thì mới bán. “Tôi đưa những cây mai quý mình ươm được để trồng cả khoảng đồi dọc đường lên chùa Ngọa Vân, sau tết vườn mai vàng rực rỡ để người đi chùa thưởng ngoạn...” - ông Chuyên khoe với chúng tôi.
Theo báo Quảng Ninh
Tác giả: Nguyễn Xuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét