Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Mênh mông sông nước Quỳnh Nhai


Chúng tôi lên đường tìm về Mường Chiên – nơi huyện lỵ cũ, với hy vọng tìm lại những kỷ niệm về một Quỳnh Nhai đầy nắng, gió, nơi con thuyền, bến nước đã làm rung động bao trái tim người đã sống, lớn lên ở đây và đã đi vào những vần thơ, lời hát làm say đắm lòng người khi đến với Quỳnh Nhai “Đất quê em ở bên sông Đà”.

Sau 2 năm trở lại Quỳnh Nhai, một thị trấn thời hiện đại hiện lên trên vùng đất Phiêng Lanh… Quỳnh Nhai hôm nay với những dãy nhà cao tầng, khu trụ sở của UBND huyện nằm trên đỉnh đồi như bao quát cả khu thị trấn sầm uất, hình ảnh về phố huyện Quỳnh Nhai xưa đã đi vào ký ức, nhường chỗ cho biển hồ mênh mông sóng vỗ… thuyền bè tấp nập ngược xuôi.
Một ngày tháng 5, khi mặt trời vừa ló qua đỉnh núi. Chúng tôi lên đường tìm về Mường Chiên – nơi huyện lỵ cũ, với hy vọng tìm lại những kỷ niệm về một Quỳnh Nhai đầy nắng, gió, nơi con thuyền, bến nước đã làm rung động bao trái tim người đã sống, lớn lên ở đây và đã đi vào những vần thơ, lời hát làm say đắm lòng người khi đến với Quỳnh Nhai “Đất quê em ở bên sông Đà”.
Nụ cười duyên dáng của các cô gái Mường

Chị Điêu Thị Nghị trước đây ở bản Nghé Tỏng, xã Mường Chiên nay chuyển ra huyện mới Phiêng Lanh, chủ chiếc thuyền đưa chúng tôi ngược dòng Đà Giang, kiêm luôn cả “hướng dẫn viên” nói chuyện với khách: Bây giờ trở về huyện cũ, các anh khó có thể xác định nổi địa danh bản, xã, cây đa, bến nước… chỉ có chúng em người gốc ở đây mới có thể nhớ được, nhờ những dãy núi cao hay khu đồi bát úp.
Nhìn dãy núi đá giăng hàng cao ngất, in hình xuống mặt hồ xanh thẫm, anh bạn đồng nghiệp bảo tôi: nay mai khi hoàn thành thủy điện Sơn La, mực nước sẽ dâng cao thêm mười tám, hai mươi mét nữa, thì cả vùng hồ rộng tới gần 100 km2 này càng hùng vĩ hơn, có người đã ví như một Vịnh Hạ Long trên núi.
Gần trưa, chúng tôi có mặt tại xã Cà Nàng, nơi trước đây mùa này nước chảy xiết, nay dòng chảy lững lờ. Chúng tôi chỉ kịp nhận ra những khu rừng tái sinh đang ngả màu xanh thẫm, tuy nước hồ chưa dâng đến nhưng trong thời gian tới thì cả vùng này là một biển hồ mênh mông. Được biết, hiện nay một đơn vị bộ đội đang tập trung vào phát dọn làm sạch lòng hồ. Ghé sát mạn thuyền vào bờ, chúng tôi gặp hai bố con ông Đinh Văn Thinh ở tận xã Tường Hạ, huyện Phù Yên lên đây đánh bắt tôm, ông bảo: hai bố con lên đây được hai, ba tháng rồi, mỗi ngày cũng đánh bắt được trên dưới chục cân tôm, bán đổ với giá 20-30 nghìn đồng/kg nên không được là bao, nhưng so với ở quê thì đây cũng là nguồn thu đáng kể.
Xuôi dòng, chúng tôi trở về với huyện lỵ Quỳnh Nhai xưa. Đứng trên mỏm đồi Cao Pô mà người dân nơi đây quen gọi là đồi truyền hình, chẳng là trước đây huyện đặt trạm phát sóng truyền thanh, truyền hình, chúng tôi như nhớ lại vùng đất thơ mộng Quỳnh Nhai bên sông Đà nhưng cũng không hình dung nổi khu huyện lỵ cũ, bến nước Mường Chiên đầy duyên nợ đã từng lôi kéo bao nghệ sỹ về với khúc sông này mỗi khi chiều tà, ánh nắng vàng hoe xuyên qua khe núi đổ những tia nắng xuống mặt sông làm ánh lên màu vàng trên mặt nước mang nặng phù sa.

Cũng trên bến sông này, trong đêm trăng những chàng trai bản Chẩu Quân hẹn hò với cô gái bên bản Mường Chiên để rồi những chuyến đò se duyên đôi lứa… Còn nhớ, vào một ngày tháng 5 năm 2008, khi cuộc đại di dân đang diễn ra, những chiếc thuyền trở đầy cột nhà, vật dụng của bà con bản Mường Chiên sang sông, cập bến để ngày mai chuyển lên xe đến vùng quê mới thì trời đã tối và cơn mưa bất chợt đổ xuống, khi chúng tôi đang nâng chén rượu chia tay thì một người từ bến sông chạy lên báo lũ từ đầu nguồn đổ về, không ai bảo ai, mọi người cùng chạy xuống bến sông vật lộn với dòng nước lũ cả đêm… đến gần sáng thì toàn bộ vật liệu, đồ dùng của gần chục hộ đã được xếp an toàn lên xe, cuộc chia tay diễn ra chóng vánh.

Thế mới biết, trong gian khó tình người Quỳnh Nhai sâu nặng đến nhường nào… Chị Điêu Thị Loan cán bộ phòng Văn hóa- Tuyên truyền huyện đi cùng đoàn bảo: Hôm nay, chúng mình còn đứng được trên mỏm đồi này, nhưng khi hồ sông Đà tích nước cho 6 tổ máy thì quả đồi này sẽ ngập sâu trong lòng hồ, nghe nói lòng hồ có chỗ sâu tới trên 100m và mặt hồ có nơi rộng hơn chục km, khoát tay chị chỉ cho chúng tôi những nơi đã gắn bó một thời như: khu chợ, khu UBND, huyện ủy, xa hơn là bến sông, gần chân đồi là khu bệnh viện, cánh đồng lúa… nhìn về phía thượng nguồn là mỏ than. Theo hướng tay chị, tôi nhớ về cái mỏ mà trước tôi đã từng đi bộ hằng giờ mới trèo lên đến nơi để viết bài về “vàng đen” của Sơn La, nay mỏ than ấy đã mấp mé nằm sát bên mặt nước hồ và trong thời gian tới chỉ còn trong ký ức…
Anh lái thuyền đưa chúng tôi ngược vào con suối Nậm Chiên. Khi con thuyền cập bến, chúng tôi hăm hở men theo con đường bùn đất mà nước hồ vừa rút. May mắn gặp được anh Điêu Chính Thảnh, Bí thư Chi bộ bản Quyền anh vui vẻ cho biết: là bản di vén có 62 hộ, với 276 nhân khẩu, các hộ được cung cấp điện, nước sinh hoạt ổn định, nhưng đường bị ngập nên đi lại khó khăn. Hiện, trong bản có tới 20 hộ đi đánh bắt tôm, cá nên cũng có nguồn thu nhập. Về lâu dài, bà con bản Quyền mong muốn Nhà nước giúp cho dân vay vốn để tái sản xuất, ổn định cuộc sống bên hồ…
Dẫu rằng, cuộc sống bên hồ sông Đà vẫn còn khó khăn và mực nước trên hồ chưa đạt đỉnh, nhưng hồ sông Đà hôm nay đã để lại trong chúng tôi bao điều đáng nói. Đó là những ký ức về thời gian, cuộc sống sôi động trên lòng hồ và cảnh đẹp đến mê hồn về vùng hồ… Trong tương lai gần, Quỳnh Nhai sẽ là điểm đến của du khách gần xa
Theo Báo Sơn La

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét