Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Món ăn bên Cù Lao Bần


Đi từ các con sông, con rạch hướng ra ven biển Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, có nhiều cây bần mọc tự nhiên chen lẫn với dừa nước, với mắm…
Theo Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, cây bần là cây thủy liễu, loại cây to, mọc dựa bờ nước, lá nhiều, nhánh yếu, bông trắng, trái tròn dẹp, có đài dầy, nhọn ở gần cuống, ăn chua và chát. Bởi vậy người dân Nam Bộ có câu:
Bần ơi, ơi hỡi cây bần
Lá xanh bông trắng lại gần không thơm
 
 Chế biến món ăn từ trái bần.
Các cô gái vùng sông nước Cửu Long thường mượn hình ảnh trái bần trôi trên mặt nước để ví phận mình:
Thân em như trái bần trôi
Sóng dập gió dồn biết tắp vào đâu?
Khi đó, chàng thanh niên thì:
Làm thơ anh dán đọt bần
Mong cho hai họ: Nguyễn - Trần gặp nhau
Những người dân sống nơi nước ngập mặn ven biển Trà Vinh, Sóc Tăng, Cà Mau, vào mùa bần chín thì trong bữa cơm thường có trái bần góp mặt:
Muốn ăn mắm chốt, bần chua
Chờ mùa nước nổi ăn cho đã thèm…
Mắm sống làm từ cá sặt, cá rô, cá chốt, cá trê vàng cho tới cá chim, cá lưỡi trâu… mới dỡ ra, xắt chuối chát, vài trái ớt hiểm xanh, ít rau rừng, thêm trái bần chín xắt mỏng (bần ổi chín càng ngon tuyệt hơn), ăn với cơm nguội thì còn gì ngon bằng, cơm hết nồi chưa thấy no! Trong bữa cơm, có người dầm bần chín với cá nâu, cá đối kho lạt để chấm rau luộc, gỏi bông bần, dưa bồn bồn.
Đầu thế kỷ 21 này, tại ấp Long Trị, xã Long Đức, TP Trà Vinh, có bà Tư Cúc (Võ Thị Cúc) chế biến mứt bần, kẹo bần, bột bần tinh… để bán cho khách du lịch và xuất khẩu sang nước Đức, các nước châu Âu.
Người dân ở biển Mỹ Long, Cầu Ngang, Trà Vinh không chỉ hái lượm trái bần chín chế biến nhiều món ăn chân quê cho ngon miệng, mà còn biết trồng hàng trăm héc-ta rừng bần lấn biển, chắn sóng mùa mưa bão từ năm 2001. Ngày nay, nhiều cồn bần mọc xanh rì, tạo thành dãi khăn xanh mang tên thủy liễu bên chân sóng biển nhấp nhô thật mát mắt./.
Bài và ảnh: Lê Vũ Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét