Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Một tuyệt tác nghệ thuật đúc đồng ở chùa Thần Quang


Được xây dựng gần 250 năm trước vào cuối đời Hậu Lê, khởi đầu từ một am tranh thờ Phật, chùa Thần Quang ngày nay trở nên uy nghi, bề thế, là một trong những nơi nhiều thế hệ Phật tử của Thủ đô ngưỡng vọng. Nhưng còn một điểm đặc biệt nữa là kỹ thuật đúc có một không hai, giữ kỷ lục tượng Phật to đẹp nhất ở nước ta.
Từ ý nguyện của vị Thượng tọa
Các tư liệu lịch sử cho biết, từ nửa đầu thế kỷ 20, trụ trì ngôi chùa Thần Quang là Thượng toạ Vĩnh Tường thuộc hệ phái Tào Động. Xuất phát từ lòng thành kính tu đạo, ông có ý định làm một điều gì đó đặc biệt để thể hiện tâm nguyện của mình đối với Đức Phật. Ông bày tỏ ý nguyện đó trước hàng trăm chư tăng và Phật tử: “Tôi nghĩ cần có sự trang nghiêm và tôn kính thờ Phật. Hàng trăm pho tượng nhỏ, bình thường không gây được trong lòng người sự khởi kính và lòng tin mạnh mẽ. Từ lâu nay, tôi có ý định chỉ thờ trên chùa ba pho tượng thôi: A Di Đà ở giữa, hai vị Bồ tát (Đại Thế Chí và Quán Thế Âm) thì lập hai bên. Tượng phải thật nguy nga, đồ sộ. Điều nữa là tôi muốn làm một điều gì thật khả dĩ khiến người nước ngoài phải chú ý tới Phật giáo Việt Nam. Ba là để đề cao trình độ văn hoá - mỹ thuật nước nhà, ghi nhận một bước tiến mới trong kỹ thuật đúc tượng …”

Tượng Phật 
Ý tưởng của ông được các tăng ni, Phật tử và toàn cư dân, nghệ nhân và thợ đúc đồng làng Ngũ Xã (nay thuộc phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) nhiệt liệt ủng hộ. Một phong trào vận động quyên tiền của cả trong làng và các làng lân cận được phát động, thu được khoản tiền lớn tới 800 nghìn đồng Đông Dương thời bấy giờ cho việc đúc tượng. Ngoài ra, còn quyên góp được một khoản tiền lớn khác và cả vàng (dưới dạng vàng lá, vàng miếng, nhẫn, hột xoàn…) để xây dựng chùa Thần Quang.
Những tay nghề tuyệt diệu
Một ban chỉ đạo kỹ thuật được bầu ra do người thợ cả tài hoa Nguyễn Văn Tùy đứng đầu. Các tay thợ lành nghề trợ giúp gồm Nguyễn Văn Tiếp, Nguyễn Văn Pháp, Nguyễn Văn Dùng và Lại Văn Ngân. Thiết kế mẫu tượng do ông Nguyễn Văn Hậu, tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đảm nhận. Để làm được công trình trình kỳ vĩ này, kíp thợ đã làm việc trong suốt ba năm (1949 - 1952). Từ tính toán và bản vẽ trên giấy rồi làm khuôn mẫu, ghép trong, lồng ngoài… cho tới nấu đồng nóng chảy để rót vào khuôn là cả một quá trình học hỏi, lao động miệt mài và sáng tạo của kíp thợ.
Ngày 25/10/1952 là ngày khởi đầu cho công đoạn quyết định: nấu đồng chảy để rót vào khuôn. Riêng công đoạn này, ban chỉ đạo đã phải huy động đến 300 người nấu đồng và phục vụ đúc tượng. Từ ngày 26/10/1952 (tức ngày 8/9 năm Nhâm Thìn), nhiều người dân ở vùng xa gần nô nức đổ về làng Ngũ Xã như trảy hội, như một tín hiệu tốt lành với sự thành công của việc đúc đại tượng này. 10 giờ sáng hôm đó, đồng được rót vào khuôn. Công việc tiến hành liên tục cho tới 13 giờ 10 phút. Đó là ba tiếng đồng hồ lịch sử của người dân đúc đồng Ngũ Xã nổi tiếng.
Pho đại tượng Phật A Di Đà ở chùa Thần Quang này là một trong những đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng thời đó. Tượng có chiều cao 3,95 m, chu vi phần dưới là 11m, chu vi toà sen (bệ tượng) là 15 m, tổng cộng trọng lượng là khoảng 6,5 tấn. Đức A Di Đà rất đẹp, thần thái ung dung, tĩnh tại của Đấng Từ bi. Đặc biệt, đây là pho tượng thể hiện trình độ kỹ thuật đúc đồng có một không hai của Việt Nam: đúc liền khối mà rỗng. Nét mặt ngài cân đối, đầy vẻ từ tâm, trang nghiêm mà đôn hậu của Đức Vô lượng quang Phật, Vô lượng thọ Phật. Tổng tư lệnh quân đội Pháp thời đó là tướng Xa-lăng đã thể hiện sự sùng kính bằng cách gửi đội công binh cùng các phương tiện kỹ thuật như xe tải, cần cẩu, ròng rọc, con lăn… đến để giúp đưa tượng Phật vào đúng vị trí.
Các thiện nam tín nữ đã gửi vào đây sự ngưỡng vọng của mình:
Thần đức quang hàm thông vũ trụ,
Phép luân hồng chuyển biến đông tây.
     
Dịch nghĩa:
Đức thần sáng rộng thông trời đất
Xa pháp quay liền khắp đông tây
Đại tượng A Di Đà giữ hình ảnh hiện thân, nhập thế của Đức Tây phương Cực lạc Giáo chủ luôn hoằng dương Phật pháp, phổ độ chúng sinh, mang ánh sáng của nhà Phật đến mọi miền vũ trụ, đến với mọi chúng sinh khổ đau. Đại tượng này hiện đứng thứ hai về trọng lượng, chỉ sau đại tượng Đức Phật tổ Như Lai của nghệ nhân Vũ Văn Thuấn, làng đúc đồng Ý Yên, Nam Định (hiện an tọa tại chùa Non Nước, Sóc Sơn, Hà Nội). Đó là kỷ lục mới thời khoa học- kỹ thuật hiện đại. Cả hai vị đại tượng này đã trở thành huyền thoại sống, ghi một dấu ấn đặc biệt trong lòng mọi tăng ni, Phật tử và là minh chứng sống động về sự phát triển trình độ của những bàn tay vàng của nghề đúc đồng Việt Nam.
Hồng Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét