Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

“Mượn” Trong Đời Sống Văn Hóa Người Bình Dân Tây Nam Bộ

1. Mượn là gì?
Đại Nam Quốc âm tự vị đưa ra các định nghĩa về từ “mượn” như sau: Mượn (n) – (tức Nôm, người viết chú thêm): Tha tạm mà dùng trong một ít lâu.

Việt Nam tự điển, nhóm Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ xác định mượn có các nét nghĩa sau:
– (động từ): Tạm nhờ của người trong một lúc rồi sẽ trả lại sự thỏa thuận cho chủ (không trả tiền)/ Cũng là động từ những nó có nghĩa như mướn: phải trả tiền ví dụ:

Sắp tiền mướn kẻ cấy thuê
Cấy xong rồi mới trở về nghỉ ngơi (Ca dao)

- Mượn: mang nét nghĩa Cậy, nhờ công kẻ khác trong một hoặc một số việc. Mượn nghĩa là: Dựa vào, lấy nể.
– Mượn còn nét nghĩa nữa là giả dạng [947]

Trên trang http://vi.wiktionary.org/wiki/m%C6%B0%E1%BB%A3n, mượn có các nghĩa sau đây:
- Xin phép tạm dùng của người khác trong một thời gian nhất định. Ví dụ: Mượn chiếc xe đạp đi ra phố.
- Nhờ làm hộ việc gì. Ví dụ: Mượn chữa chiếc xe đạp.
- Thuê làm. Ví dụ: Mượn thợ xây nhà.
- Dựa vào người khác, hoặc phương tiện nào đó để làm việc gì. Ví dụ: Mượn gió bẻ măng. (tục ngữ)
– Tiếp nhận cái bên ngoài nhập vào cái của mình, hệ thống của mình. Ví dụ: Mượn tiếng nước ngoài.

Như vậy, mượn có từ ba đến năm nét nghĩa.

2. “Mượn” trở thành nét văn hóa trong đời sống người bình dân
2.1. Từ trong đời sống thường nhật …

Những năm cuối TK XVII, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Thống suất Chưởng cơ Nguyễn Hữu Kính vào kinh lý miền Nam. Đến năm 1779 thì cương vực của phủ Gia Định đã bao trùm toàn vùng Nam Bộ hiện nay. Kể từ thời điểm đó, những người Việt ở miền Trung, miền Bắc đã vào vùng Đồng Nai, Gia Định khai phá đất hoang, sinh cơ lập nghiệp, rồi tiến dần xuống vùng đất Cửu Long. Theo thống kê dân số năm 2009 ở miền Tây Nam Bộ, người Việt (dân tộc Kinh) có 15.884.000 người, chiếm 92,3% dân số toàn vùng, phân bố đều khắp trong tất cả các tỉnh.

Cũng vào những năm cuối TK XVII, Dương Ngạn Địch (?-1688), nguyên là tổng binh của nhà Minh ở thành Long Môn, Quảng Tây, Trung Quốc, sang thần phục chúa Nguyễn, năm 1679 trở thành người có công trong việc phát triển vùng đất Mỹ Tho thuộc Tiền Giang, Việt Nam. Sách Đại Nam thực lục, tiền biên chép: Nhóm Dương Ngạn Địch đến Mỹ Tho cho dựng nhà cửa, họp người Kinh, người Di, kết thành làng xóm…

Một nhánh khác do Mạc Cửu vốn là cựu thần nhà Minh, là người huyện Hải Khang, phủ Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, vì không chịu thuần phục nhà Thanh, nên đem cả gia đình, binh sĩ và một số sĩ phu khoảng 400 người lên thuyền rời khỏi Phúc Kiến. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển cả, đoàn Mạc Cửu đổ bộ lên một vùng đất hoang trong vịnh Thái Lan. Sau khi dò hỏi, biết vùng đất này thuộc ảnh hưởng của Chân Lạp, ông xin ở lại lập ấp rải rác từ Vũng Thơm, Trùng Kè, Cần Vọt, Rạch Giá, Cà Mau, Hà Tiên. Dần dần ông xây dựng vùng này trở thành thương cảng quan trọng, thôn ấp định cư đông đúc nằm sát biển… Sau đó dòng họ Mạc có biểu dâng chúa Nguyễn và được chúa Nguyễn tấn phong cho cai quản vùng đất ấy.

Tộc người Hoa có mặt sinh sống ở vùng đất Cửu Long từ đó.

Theo sử liệu Chân Lạp, từ thế kỷ thứ VI – VII, người Khmer đã tiến tới sông Mê Kông từ phía bắc sông Chao Phraya thông qua thung lũng sông Mun. Người Khmer là tộc người có mặt và cư trú lâu đời nhất tại vùng này. Trải bao thăng trầm của lịch sử, hiện nay, dân tộc Khmer cùng người Việt, Hoa và Chăm, sống xen kẽ với nhau trong vùng. Người Khmer tập trung cư trú chủ yếu ở các vùng Trà Vinh, một phần Vĩnh Long, vùng ven biển Sóc Trăng và vùng biên giới Châu Đốc kéo dài tới tận Rạch Giá.

Sống trong điều kiện khó khăn bởi đất hoang, phèn chua, nước mặn, ngày đêm phải lo đối phó với thú dữ, thiên tại, địch họa, … đã tôi luyện con người Miền Nam này thành người “hành hiệp trượng nghĩa”. Họ sẵn sàng, thậm chí hy sinh tính mạng của mình để làm tròn đạo nghĩa. Với tính khí “ngang tàng”, họ cho rằng: Kiến ngãi bất vi vô dõng dã, Lâm nguy bất cứu mạc anh hùng.

Người miệt này nói một là một, hai là hai, không thay đổi, tình cảm luôn rõ ràng, dứt khoát, họ cũng không thiếu tính chăm chỉ, làm việc hết mình, chơi thì cũng chơi “tới bến”.

Nguyên do chủ yếu vì họ là những người tứ xứ đến vùng đất mới, không có nhiều người thân thích, vì thế mà họ hiểu và luôn thông cảm cho nhau vì “mọi người đều cùng chung một số phận”, hoạn nạn họ luôn kề vai sát cánh để vượt qua. Tất nhiên là trong cuộc sống thường nhật, trong những điều kiện sống như vậy, việc mượn chác liên tục diễn ra, và chúng tôi coi nó như một nét văn hóa độc đáo không thể thiếu của cư dân vùng đất Cửu Long giang.

Từ thuở ấu thơ, đám con nít chơi đùa trên sân nhà, ngoài vườn đã biết “mượn”. Chơi bắn đạn keo, trước khi bắn đứa nào nhanh miệng nói “mượn vội” tức là khi “bắn” đạn đã trượt rồi nhưng chạm mô đất nào đó hay bất cứ thứ gì trên đường “đạn” lăn vội lại trúng cũng được tính. Luật chơi đã được quy ước rồi, đã “mượn” là tính! Ngược lại bên có đạn bị “bắn” nhanh miệng hơn nó “tử vội” thì đạn “vội” lại có trúng cũng không tính!

Khi tối lửa tắt đèn, người ta sang nhà liền kề mượn lửa từ con cúi, hay mượn ống quẹt để đốt đèn. Khi có khách đến nhà, không có gì đãi khách thì sai con sang nhà bên mượn nồi trà. Bởi vậy, người ta mới nói bán anh em mua láng giềng là như vậy.

Tới đây mượn chén ăn cơm
Mượn ly uống rượu mượn đàn kéo chơi

Từ những chuyện nhỏ là cái chén ăn cơm, cái ly uống rượu đến những chuyện lớn hơn như chuyện của những gia đình đông con, chiều gạo không đủ nấu, họ sai con sang nhà gần đó mượn. Cô bác sẵn lòng giúp. Chén muối, lon gạo, thậm chí năm mười giạ lúa, … để cho “hàng xóm” qua cơn đói ngặt.

Con thơ năm sáu đứa
Gạo mượn ăn từng nồi anh thấy không?

Tình cảnh ấy, là hàng xóm ai lại nỡ khoanh tay. Cho mượn để rồi tới mùa, người mượn sẽ mang qua trả lại. Nhà hàng xóm có đám tiệc, thì y như là chuyện của cả xóm chung chung lo. Từ bàn ghế đến chén dĩa, đũa muỗng thường phải mượn nhờ lẫn nhau, … Đến mùa thì mượn công, dần công để dắp bờ, làm cỏ, nhỏ mạ, cấy cày, … Khi nông nhàn lợp nhà, dừng vách, kéo ghe, khiêng tủ, … sức người trong nhà làm khổng nổi thì chạy sang hàng xóm … mượn công. Có qua có lại, chẳng mất đâu mà thiệt, họ giúp nhau một cách vô tư. Người được mượn không hề tính thiệt so hơn, có khi kẹt không qua giúp đỡ còn tự thấy như mình có lỗi nữa là đằng khác. Lắm lúc người được mượn khi làm xong được chủ nhà đãi cho bữa nhậu … mát trời ông địa!

2.2. … đến những bài học đạo lý
Trong khẩu ngữ thường nhật của những người chân lấm tay bùn ở miệt Cửu Long giang không ai không biết thành ngữ: cáo mượn oai hùm. Mỗi người có cách giải thích của riêng mình và tùy theo từng ngữ cảnh sử dụng. Có điều truy tầm căn bản của thành ngữ ấy, chúng tôi thấy trong tác phẩm Chiến Quốc Sách có kể lại câu chuyện ngụ ngôn: Con chồn bị con cọp bắt được. Cọp sắp ăn thịt chồn thì chồn lanh trí nói với cọp: Ta là quân của Trời sai xuống để quản lý các loài dã thú, mi ăn thịt ta là có tội với Trời. Nếu mi không tin thì cứ đi theo ta, sẽ thấy các loài thú đều sợ ta mà chạy tránh hết. Cọp nghe chồn nói có lý, liền thả chồn ra, cho chồn đi trước, cọp đi sau. Quả thật chồn đi tới đâu thì các loài dã thú khác đều hoảng sợ chạy trốn hết. Cọp ngỡ rằng các loài thú sợ oai chồn, chớ đâu biết các thú không sợ chồn mà chỉ sợ cọp. Nét nghĩa chính của thành ngữ này là núp dưới danh nghĩa, uy thế của kẻ mạnh hơn để giương oai, nạt nộ, lừa bịp mọi người. Lâu dần do sự ảnh hưởng và tiếp biến nó thành câu chuyện lưu truyền trong dân gian mà cội nguồn từ đâu cũng ít mấy ai quan tâm.

Gần với cáo mượn oai hùm là thành ngữ sáo mượn lông công. Song, nét nghĩa của nó cũng có ít nhiều dị biệt, nó dùng để chỉ sự lừa bịp, giả dối mượn cái đẹp đẽ của người khác để che giấu cái xấu xa của mình:

Khác nào quạ mượn lông công
Ngoài hình xinh đẹp, trong lòng xấu xa.

Ngoài ra chúng ta còn có thể kể đến các thành ngữ có từ mượn như: Nhè sư mà hỏi mượn lược, nghĩa là mượn quấy, mượn điều mà người khác không có, làm một việc không thực tế, vớ vẩn; ngẩn ngơ như ốc mượn hồn: chỉ điệu bộ ngơ ngẩn, dại dột; mượn gió bẻ măng: thừa cơ hội làm việc xấu mong đoạt lợi về mình, …

Nhiều trường hợp người ta dùng hình ảnh “mượn” để răn dạy những bài học ứng xử ở đời. Có khi đó chỉ là một câu hát bâng quơ:

Mãn mùa, nón cũ rã vành
Mượn tiền người nghĩa mua nón lành đội chơi.

Hay một lời hát ru em:

Chiều chiều mượn ngựa đi chơi
Mượn ba chú lính đưa cô tôi về

Đến chuyện “thương thì thương cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng”:

Thương thì thương hết cả nhà
Ghét thì mượn hết người ta ghét giùm.

Biện pháp tu từ nói quá được sử dụng triệt để để tỏ bày quan niệm của chủ thể phát ngôn.Hoặc một bài học cho sự chắt chiu lo xa khác:

Ngồi không sao chẳng chắp gai,
Để khi có cá mượn chài ai cho.

Rộng lượng nhưng để không để ai lợi dụng, mượn hoài mà thiếu dai không trả, người ta nhắc nhở nhau cần phải để ý những đối tượng đó:

Có tiền mua sắm để coi
Có của cho mượn đi đòi mất công.

2.3. Và tất nhiên, “mượn” cũng không thể thiếu được trong tình yêu lứa đôi

Đầu tiên là lời tỏ tình:

Thấy em đi cấy cấy một mình
Anh mới mượn cớ tỏ tình với em

Mượn cớ nghĩa là vin làm lý do không chính đáng. Câu ca diễn tả tâm trạng của một anh chàng đã để ý một cô gái nào đó, khi thấy người mình thương lên đồng cạn nhỏ cỏ, xuống đồng sâu cấy hái anh ta mượn cớ … để tỏ tình. Ca dao Bắc Bộ có bài ca “xin áo” thể hiện rõ cái việc mượn cớ đáo để ấy:

Áo anh sứt chỉ đường tà
Nay mượn cô ấy về khâu cho cùng …

Nói là mượn khâu áo nhưng kỳ thực là chuyện ngỏ lời làm quen, tỏ tình!
Trở lại với ca dao Tây Nam bộ, chúng ta còn gặp một cách tỏ tình khác cũng là cách “mượn cớ” đầy thú vị.

Đường xa thì thiệt là xa,
Mượn mình làm mối cho ta một nàng,
Một nàng ở đất Mỹ An,
Một nàng vừa đẹp vừa sang như mình.

Chàng mượn cô gái làm mai giùm mình một người nào đó. Nhưng với việc dùng từ mình đa nghĩa, điệp từ một nàng được nhắc đi nhắc lại, kết hợp với cách biết phát huy tối đa cái khéo của nghệ thuật so sánh đã khiến người ngoài cuộc nhận ra một cách chắc chắn anh chàng lém lĩnh ấy nói tới ai rồi, nói chi là người trong cuộc không ngộ ra điều mà người nói muốn nói!

Kỷ vật tượng trưng cho tình yêu, cũng vì thế chiếc áo, chiếc khăn, nhẫn cỏ, đóa hoa dại thường không thể thiếu trong lời thơ đầy mật ngọt.

Đi ngang đình cởi nón, cúi đầu
Nón mua, nón mượn hai đứa mình đội chung.

Vì chuyện nào đó ngoài ý muốn mà hai người yêu nhau phải tạm cách xa, họ cũng “mượn” vật dụng để giữ lấy dư vị của tình yêu:

Em về anh mượn khăn tay
Gói câu tình nghĩa lâu ngày sợ quên.

Nhiều lúc lời đẩy đưa kia chỉ là một cách nói bạo, nói để tán tỉnh người mình để ý chứ chưa hẳn sự thật đã diễn ra đúng như vậy. Chúng ta hãy nghe người trong cuộc trả lời:

Áo bà ba em bận trong mình
Ai biểu ai mượn mà anh nói anh nhìn anh thương

Ai mượn, ai biểu nghĩa là khéo thày lay, tổ hợp này xuất hiện trong khẩu ngữ Tây Nam bộ dùng để quy lỗi nhẹ nhàng cho người nào đó, trách người ấy đã làm việc lẽ ra không nên làm để xảy ra điều ít nhiều không hay. Cô gái sử dụng lời thơ để đáp lời một anh chàng đã buông lời đẩy đưa.

Xa hơn cấp độ tỏ tình là lúc người trong cuộc tương tư. Nghĩ đến nhau, nhớ nhau, không thể thiếu nhau được nữa:

Thiếp với chàng vô can, vô cớ,
Mượn lấy chữ tơ tình đêm nhớ ngày thương.
Dù muôn ngàn cách trở thiếp – chàng cũng hướng về nhau:
Có hay chàng ở đâu đây
Thiếp xin mượn cánh chắp bay theo chàng.

Khi tình mặn duyên ưa, trong cảnh nghè họ vẫn đằm thắm trong hạnh phúc, ân cần quan tâm đến nhau:

Tại em nghe anh đau đầu chưa khá
Em xuống mượn một chiếc xuồng đi bẻ lá về xông

Và đây, một lời đối đáp khác có lẽ nó diễn ra khi duyên tình tan vỡ:

Nào khi gánh nặng anh chờ,
Qua truông anh đợi bây giờ nghe ai?

- Qua truông anh đạp lấy gai,
Anh ngồi anh lể nào ai mượn chờ.

Vẫn là việc dùng cụm từ ai mượn nhưng ở đây, cấp độ xem ra đã tăng cấp hơn gấp nhiều lần. Lời trách móc sự không chung thủy, và nguyên nhân của nó cũng được người trong cuộc nêu ra, khá tận tường!

Nguyên nhân của sự dở dang có nhiều, đây là cách lý giải mà người trong cuộc sử dụng từ mượn:

Hỡi người quần trắng bảnh bao
Cha mẹ thế nào ăn bận giàu sang
Hay là anh buôn bán ngoài đàng
Mượn đầu heo nấu cháo nổi màng màng dễ coi, …

Nghĩa đen của thành ngữ mượn đầu heo nấu cháo thì câu ca đã rõ, còn ẩn ý của nó dùng để chỉ sự giả dối tìm cách lợi dụng, bòn rút một cách tinh vi … hình như cũng đã được vận dụng để ám chỉ những anh chàng ba hoa tốt mã nào đó! Một bài học cảnh giác cho những người chân yếu tay mềm!

Lần xem trong những vần ca dao Tây Nam Bộ chúng tôi còn gặp một cách hỏi mượn và từ chối cho mượn độc đáo, như sau:

Của chua ai thấy cũng thèm,
Em cho chị mượn chồng em vài ngày,

- Chồng em nào phải trâu cày,
Mà cho chị mượn cả ngày lẫn đêm.

Mượn ở đây không phải là mượn những thứ vật chất, hay mượn cớ, mượn lời như chúng tôi đã đề cập ở trên. Câu ca là lời đối đáp của hai người phụ nữ, một người có chông, một người chịu cảnh phòng không gối chiếc, nhưng chắc là giữa họ có mối quan hệ tương giao. Người thứ ba được nói đến là anh chàng đa tình. Người hỏi mượn ở thứ bậc cao hơn, hỏi “mượn chồng em” trong “vài ngày”. Người được hỏi mượn đã hiểu được dụng ý người mượn muốn dùng chồng mình vào việc gì rồi, dù điều đó “chị” chưa nói ra. Cụm từ vài ngày tưởng đơn giản nhưng hóa ra phức tạp bởi từ ngày này qua ngày khác là đêm. Cho mượn ban ngày để anh ta xách nước, chẻ củi, đốn cây, … cũng cứ cho ổn đi, nhưng đêm đến thì sao? Người đáp lại đã sử dụng hình ảnh trâu cày để so sánh. Làm sao mà chồng em còn đủ sức gánh giồng cả ngày lẫn đêm được. Sức người đâu phải sức trâu! Cần chú ý thêm trong khẩu ngữ ở vùng mênh mong sông nước này, “cày” không đơn thuần chỉ động từ trên đồng ruộng mà còn gợi đến hành động ân ái chống riêng của vợ chồng!

Ước gì em hóa lưỡi cày
Anh hóa thành bắp để ngay bắp vào!

Như vậy đã rõ, người mượn cũng thật hay thật hiểm, mà người trả lời cũng không kém phần sắc sảo!

3. Nét đẹp văn hóa – thay lời kết luận
Tinh thần tương thân tương trợ đã thể hiện rõ qua sức thái từ ngôn từ đến hành động mượn công, mượn của của người bình dân.

Những bài học đạo lý, nhưng cung bậc tình yêu như ghi nhận những hạt ngọc tinh thần của những người chân lấm tay bùn khẩn hoang thời mở cõi./.


Trần Minh Thường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét