Huyền Khuê tự còn có tên nôm là chùa làng Vẽ. Xưa, chùa thuộc xã Nam Xương, tổng Thọ Xương, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Nay, chùa thuộc phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
|
Làng Vẽ là một trong 4 làng cổ (làng Thành, làng Vẽ, làng Hoà Yên và làng Hà Vị) của xã Thọ Xương (cũ), nay là phường Thọ Xương.
Huyền Khuê tự tọa lạc trên một dải đất cao đẹp, thoáng đãng ở trung tâm làng Vẽ, nhìn ra hướng Nam, phía trước là hồ nước rộng, xen giữa hai ngôi đình là: Đình Chung (bên trái) và đình Cả (bên phải). Căn cứ theo bản văn khắc trên cây hương "Thiên đài thạch bi ký Huyền Khuê tự" dựng thời Lê - Vĩnh Thịnh (1705 - 1719) thì Huyền Khuê tự được khởi dựng vào thời Lê, cách đây gần 300 năm và trùng tu nhiều lần vào thời Nguyễn. Lúc đầu chùa còn nhỏ, khi sư Giáp Linh về đây trụ trì và giáo hóa dân làng (Thành và Vẽ) đóng góp công, của và vận động quyên giáo cùng khách thập phương dựng chùa thành ngôi chùa lớn, rồi tạc tượng, đúc chuông như ngày nay mà ta vẫn thấy. Huyền Khuê tự có kiến trúc kiểu "Nội công, ngoại quốc" gồm: 1 toà tiền đường 5 gian 2 chái, rộng hơn 9m, dài 21m, 5 hàng chân cột, sau nhiều lần trùng tu cột đã được nâng cao 0,65m. Kết cấu khung mái: Thượng con chồng, giá chiêng, hạ kẻ truyền ở vì gian giữa và kẻ ngồi ở gian bên cạnh. Điêu khắc lá lật, lá vân, cốn hậu sát thượng điện là phù điêu tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng) cao rộng, thoáng và dung dịu vô cùng. Thể hiện sự bao dung, đại độ của cửa Phật với thập phương minh chứng. Nối liền với tiền đường là 4 gian thượng điện dài trên 10m, rộng gần 5m với bốn bệ thờ. Tuân theo quy lệ nhà Phật, hệ thống tiếu tượng phật điện ở đây bài trí hoàn hảo đến tỉ mỉ, điêu khắc đến tinh xảo trải qua gần 300 năm vẫn giữ nguyên được nước sơn son thếp vàng lộng lẫy. Bốn góc tiền đường là Tứ Thiên Vương to bằng người thật hơi bị che khuất bởi 2 động lớn thập điện diêm vương rộng suốt 2 gian đầu hồi tiền đường với nhiều tượng Diêm Vương ngồi phán xét, khuyên răn người đời tu nhân, tích thiện. Sát tường hậu của gian thứ 2 và thứ 6 tiền đường có tượng Đức Ông, Thánh Hiền sơn thếp ngồi trên long ngai, tiếp cạnh đó là 2 pho Thiện Hộ và Ác Hộ cực lớn, đầu sát mái nhà, cưỡi trên sư tử: Khuyến thiện, trừng ác. Thượng điện lung linh, sắp đều tăm tắp cả thế giới chư phật. Dưới cùng (ban thấp nhất) là tượng Thích Ca sơ sinh bằng đồng trên toà Cửu Long, hai bên là Mục Liên - Địa Tạng. Tiếp đến ban thờ thứ hai là Di Đà Tam Tôn gồm: A Di Đà ngồi chính giữa, hai bên là Quan Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát. Điều khác biệt ở phật điện chùa này là A Di Đà cầm hoa sen chứ không phải Quan Âm cầm hoa sen như ta thường thấy ở nhiều ngôi chùa khác. Còn ban thờ thứ ba là tượng Đức Thế Tôn. Hai bên là An Nan-Ka Diếp đang thuyết pháp. Ban trên cùng, giáp tường hậu là tượng Tam thế cao sát nóc nhà. Cạnh ban 2 ban 3 còn có tượng nhỏ Kim Đồng Ngọc Nữ, Thổ Kỳ, Thánh Tăng và nhiều đồ thờ khác. Hai bên thượng điện là hai ban thờ, bên phải là tượng quan Âm Tọa Sơn, bên trái là tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhỡn. Ở xà nách bên phải còn treo một quả chuông lớn cao 1,5m, đường kính rộng 0,66m, 4 mặt khắc chữ Hán. Đúc thời Lê - Cảnh Hưng, dáng đẹp, tiếng trong, đây cũng là di vật quý. Vượt qua cửa nách tiền đường, đi vào hai dãy hành lang mới được dựng lại là 18 pho tượng La Hán. Đến nhà hậu đường đặt thờ tượng Tổ Tây Thiên và Tổ Kế Thế cùng điện thờ Mẫu. Như vậy, ngoài chùa Đức La, thì cả vùng này không có ngôi chùa nào Phật điện có tượng cổ kính và đẹp hài hoà như Huyền Khuê tự. Phải chăng vì sức hấp dẫn của Huyền Khuê tự mà người dân nơi đây hay mở hội và hay trẩy hội. Cũng phải chăng vì yêu quê hương mà người dân nơi đây đã tạo dựng nên được những công trình kiến trúc, điêu khắc nghệ thuật quý giá như vậy trên mảnh đất trung tâm và lịch sử này. Hàng năm, cứ vào mồng 6 tháng Giêng là chùa lại mở hội lớn, nhân dân trong vùng náo nức về dự hội, đó là sự thể hiện tấm lòng ngưỡng mộ tới ngôi chùa cổ nơi đây, trong hội còn diễn ra nhiều trò chơi như: vật, hát chèo, cướp cầu, kéo co, cờ người... Huyền Khuê tự là ngôi chùa cổ kính và có giá trị nhiều mặt vào bậc nhất trong vùng còn tồn tại cho đến ngày nay. Đặc biệt là giá trị về điêu khắc mỹ thuật và nghệ thuật gỗ. Những pho tượng ở đây đều là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo của người nghệ nhân thế kỷ XVII còn bảo tồn được đến ngày nay. Bởi thế, xét về mặt giá trị nghệ thuật của ngôi cổ tự này nên ngày 12 tháng 02 năm 1994 Bộ Văn hóa - Thông tin đã có quyết định công nhận Huyền Khuê tự là Di tích nghệ thuật cấp quốc gia.
Thanh Huyền
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét