Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

Nghề rèn của người Mông


Trước đây, người Mông thường mài dao bằng đá suối nhưng ngày nay với sự tiến bộ, ngoài việc sử dụng đá suối thì người Mông đã mua máy mài để sử dụng. Dao, cuốc và cày của người Mông làm ra được coi như một công cụ quý vì nó đạt tới độ bền cao lại rất sắc.    



Cũng như cộng đồng các cư dân nông nghiệp khác, đồng bào dân tộc Mông ở Yên Bái cũng có nhiều nghề truyền thống mang nét văn hóa độc đáo đặc trưng cho dân tộc như nghề chế tác nhạc cụ (khèn bè, khèn môi), nghề nhuộm chàm, thêu dệt thổ cẩm, nghề đan lát các dụng cụ sinh hoạt và nghề rèn đúc nông cụ.
 Trong đó, nghề rèn nhằm tạo ra các công cụ sản xuất, công cụ lao động của dân tộc Mông đã được rất nhiều người biết đến với những sản phẩm như con dao, chiếc xẻng, lưỡi cày hay chiếc cuốc.
 Công việc đầu tiên của người thợ rèn là chuẩn bị than đốt và đắp lò. Lò được đắp bằng đất, mặt lò võng xuống để có thể cho than vào. Than để đốt không phải là than đá mà được đốt bằng than của một loại gỗ ở rừng.
 Làm rèn phải theo một quy trình và cần có hai người, một người kéo bơm gió (tiếng mông là pu) để than trong lò cháy đều cung cấp nhiệt cho quá trình rèn và một người rèn.
 Khi rèn, người ta cho sắt vào nung đỏ, đưa ra để lên đe dùng búa đập, sắt nguội lại cho vào lò nung, cứ như vậy đến khi tạo ra được sản phẩm vừa ý. Sau khi tạo xong dáng của sản phẩm thì tiến hành tôi sắt. Trong khâu tôi sắt của người Mông có một "bí quyết" riêng để tạo nên những sản phẩm nông cụ truyền thống có chất lượng cao, đó là khả năng nhìn màu sắt để đưa vào tôi. Người Mông có nhiều cách tôi sắt khác nhau, có loại sắt thì tôi bằng nước có bỏ một lượng muối vừa phải; có loại thì tôi bằng thân cây chuối và cũng có thể là bằng dầu nhớt. Người Mông cho rằng, phải biết cách xem loại sắt để chọn cách tôi, như thế thì dao mới sắc và bền.


Người Mông có nghề rèn khác hẳn với các dân tộc khác

Sau khi tôi xong là đến giai đoạn mài dao. Trước đây, người Mông thường mài dao bằng đá suối nhưng ngày nay với sự tiến bộ, ngoài việc sử dụng đá suối thì người Mông đã mua máy mài để sử dụng. Dao, cuốc và cày của người Mông làm ra được coi như một công cụ quý vì nó đạt tới độ bền cao lại rất sắc.
Từ xưa người Mông vẫn nổi tiếng với kỹ thuật cày trên đất dốc. Lưỡi cày hay lưỡi cuốc được người Mông tự đúc bằng kỹ thuật thủ công, chất lượng đạt tới độ tuyệt hảo bởi khi tôi lưỡi cày và cuốc được tăng rất nhiều thành phần thép. Do vậy lưỡi cày, cuốc của người Mông làm ra vừa cứng vừa dẻo đảm bảo lật đất tốt, xén đứt hết rễ cây, gốc cỏ mà không bị gãy. Thực tế cho thấy, tầng đất mặt của ruộng bậc thang khi mới khai phá sỏi đá còn nhiều, gốc cây chưa đứt hết, mặt ruộng mấp mô thì chỉ loại lưỡi cày này mới khắc phục được những khó khăn trong việc canh tác.
Nghề rèn truyền thống của người Mông đòi hỏi sự tài hoa, khéo léo của đôi bàn tay con người. Cao hơn nữa là sự kiên trì và sáng tạo của người thợ rèn để có thể cho ra lò những sản phẩm tinh xảo vừa có giá trị làm vật dụng vừa thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo riêng của dân tộc Mông.

Nghề rèn của người Mông tại Yên Bái đang bị mai một

Tuy nhiên, hiện nay do điều kiện phát triển, nhiều sản phẩm do công nghiệp sản xuất giá rất rẻ nên nghề rèn truyền thống của người Mông ở Yên Bái hiện nay đã và đang dần bị mai một. Lò rèn thủ công của các gia đình người Mông nay đã không còn được đưa vào sử dụng. Nhiều bản Mông ở Yên Bái trước đây nhà nào cũng có lò rèn nhưng giờ chỉ còn vài nhà sử dụng. Khôi phục, bảo tồn và phát huy, phát triển nghề rèn truyền thống của người Mông là một việc làm hết sức cấp bách đang đặt ra, bởi nó không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế xã hội mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá độc đáo riêng của dân tộc. Và đó cũng chính là trăn trở và mong ước của những người muốn "giữ lửa" cho nghề rèn truyền thống của dân tộc hôm nay.
Nguyễn Phương (ST)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét