Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Nghi lễ cấp sắc 12 đèn – nét văn hóa riêng của người Dao


Cả bản Khe Giang, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên (Yên Bái) tưng bừng rộn rã trong không khí ngày hội – ngày diễn ra nghi lễ cấp sắc 12 đèn của dân tộc Dao đỏ. Sự kiện này được người Dao đỏ coi là đại lễ của dân tộc.

Trong những bộ quần áo truyền thống mới nhất, đẹp nhất mọi người cùng đến để chứng kiến “sự kiện’ để đời này. Bởi đã gần một thế kỷ qua, người Dao đỏ ở xã Đại Sơn mới lại có dịp tổ chức đại lễ cấp sắc 12 đèn. Lễ cấp sắc 12 đèn này khác lễ cấp sắc bậc 3 đèn và bậc 7 đèn. Nếu như lễ cấp sắc 3 đèn, 7 đèn chỉ được tổ chức trong phạm vi dòng họ chung tổ tiên, thì lễ cấp sắc 12 đèn có thể có nhiều dòng họ cùng tổ chức một lễ và số lượng người được cùng cấp sắc nhiều hay ít lại phụ thuộc vào người chủ đứng ra vận động.

Trong lễ cấp sắc 12 đèn ở bản Khe Giang có tới với 45 cặp vợ chồng của 4 dòng họ là: Bàn, Triệu, Lý, Đặng đến từ các xã: Đại Sơn, Mỏ Vàng, Tân Hợp, Viễn Sơn, Xuân Tầm của huyện Văn Yên tỉnh Yên Bái và các xã Dền Sáng, Phìn Ngan, Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai cùng làm lễ này.

Người Dao quan niệm rằng, người con trai đã phải trải qua lễ cấp sắc từ 3 đèn trở lên mới có tâm, có đức để phân biệt phải trái, mới được công nhận là con cháu của “Bàn Vương” - tổ tiên của người Dao, mới trở thành người lớn. Do vậy, bất cứ người đàn ông Dao nào cũng phải làm lễ cấp sắc. Còn riêng lễ cấp sắc 12 đèn thì không bắt buộc vì muốn lên bậc này thì người đàn ông phải học rất nhiều và có một chức thầy cúng nhất định.

Lễ cấp sắc 12 đèn diễn ra với rất nhiều bước như: lễ khai đàn để báo cáo tổ tiên biết lý do của buổi lễ, lễ dâng đèn và thủ tục thông báo tên tuổi, chức vụ của người được cấp sắc, lễ xuất binh, lễ ăn chay (từ lúc vào làm lễ cho đến khi kết thúc lễ tất cả những người được cấp sắc cũng như người đến dự đều phải ăn chay), bước học làm thầy và điệu múa rùa. Các nghi thức trên được tiến hành tuần tự, hòa theo nhịp điệu của tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng kèn… Sau đó, các thầy đem lễ ra ngoài sân gọi Ngọc Hoàng bằng tiếng Tù và để thông báo cho Ngọc Hoàng biết bắt đầu vào lễ chính cấp sắc 12 đèn và mời Ngọc Hoàng đến chứng giám. Tiếp đó là lễ thầy cúng truyền dạy đạo làm thầy cho các trò với yêu cầu làm thầy thì phải có tâm, có đức thì con cháu mới có phúc có lộc.

Điều đặc biệt trong suốt quá trình làm lễ cấp sắc, những người đàn ông được cấp sắc phải ăn ở tập trung 1 chỗ, không ai được đi đâu xa. Vợ của những người được cấp sắc cũng phải ở chung một chỗ. Trước mỗi bữa ăn những người được cấp sắc đều phải đến trước bàn thờ thần ăn chay ở giữa gian nhà để vái lạy rồi mới được ăn cơm.

Nghi lễ linh thiêng nhất của lễ cấp sắc 12 đèn, gọi là lễ “đăng quang”. Sau khi kết thúc lễ “đăng quang” thầy cúng hướng dẫn các trò bái tổ tiên. Như vậy từ nay trở đi các trò đã trở thành con của thánh trời, làm gì phải có tâm, có đức.  Rồi họ cùng làm lễ vái lạy thần thánh.

Trong lễ kết thúc, thầy cúng dẫn các trò lên "tồ sên" (nghĩa là thiên đình) để các trò nhận dấu ấn của Ngọc Hoàng và văn bằng âm – dương. Đây là bằng cấp cao nhất trong cuộc đời của người đàn ông Dao đỏ. Sau khi làm xong lễ thông báo, các trò cùng vợ lần lượt quỳ dưới chân cầu thang nhận dấu ấn và văn bằng do các thầy cấp cho. Đây là thời khắc linh thiêng và quan trọng. Nhận bằng xong, các trò đem 1 bản  đốt đi  còn 1 bản đem cất kỹ để đến khi nào về cõi âm mới được đem đốt để thánh trời nhận ra và thu nạp họ.

Sau khi đã xong mọi nghi lễ, mọi người ta mới mở tiệc ăn mừng những người được cấp sắc. Các thầy và những người đến dự cùng nhau ăn uống chúc mừng thành công của đại lễ cấp sắc 12 đèn.

Nghi lễ cấp sắc 12 đèn chứa đựng nhiều quan niệm giáo dục, triết lý về nhân sinh quan rất có ý nghĩa giáo dục hướng thiện con người.  Đây là nét văn hóa độc đáo riêng có của dân tộc Dao cần được lưu giữ, bảo tồn và phát huy trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam./.
Nguồn : dulichvn.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét