Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Nghĩa địa... cá voi


SGTT.VN - Chúng tôi đến bãi Bấc ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, nơi có trên 500 ngôi mộ của cá voi (cá Ông) luỵ vào bờ biển này được ngư dân trong vùng cải táng. Đối với người dân xứ biển, đây là vùng linh thiêng, là nơi yên nghỉ của những cá Ông sau những năm tháng cứu nạn cho người đi biển.
Cá voi luỵ vào bờ biển xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn (cùng chung bờ biển nối dài với huyện Núi Thành) ngày 21.10.2010.Ảnh: Thanh Trà
Đất lành của cá Ông
Ông Trần Đình Nam, trưởng thôn Thuận An, xã Tam Hải nói: “Ở xã này có bãi Nồm và bãi Bấc, nhưng theo lời kể lại của các cụ trong làng và những gì tui chứng kiến, thì Ông chỉ luỵ vào bờ Bấc này thôi. Hàng trăm năm nay rồi, có đến trên 500 Ông chứ không ít. Còn ở bãi Nồm, chưa có Ngài nào luỵ vào”. Trong câu chuyện của ông Nam, chúng tôi thấy ông không gọi là “cá” mà luôn là gọi là “Ông”. Tiếp lời ông Nam, ông Trần Tam Văn, ban văn hoá thông tin xã Tam Hải cho hay: “Mấy năm gần đây, cá Ông luỵ vào cũng nhiều. Ông nặng thì mấy tấn, nhẹ thì vài tạ. Nếu thấy các “Ngài” mình đầy thương tích, thì bà con đưa đi táng, còn không có vết thương nào thì dìu Ngài ra biển”. Theo ông Văn và ông Nam, để biết rõ về cá Ông và tục lệ thờ cúng cá Ông ở đây, thì phải tìm đến ông Trần Toàn hiện ở thôn 1, xã Tam Hải, huyện Núi Thành.
Tiếp xúc với ông Trần Toàn, 84 tuổi, chúng tôi được biết, ông là người chuyên lo chuyện hậu sự cho hàng trăm cá Ông. Ông Toàn kể, mộ cải táng cá Ông ở đây có từ thời vua Gia Long. Hồi đó, khi vua Gia Long đưa quân về vùng này, nhưng do biển động, tàu thuyền của vua Gia Long được cá Ông cho nương vào bờ Bấc biển Tam Hải. Khi trú quân trên ốc đảo Tam Hải này, nước uống không có, vua Gia Long cầu mưa và được các Ông chỉ bảo, vua Gia Long sai quân đào hai cái giếng và quả nhiên có nước đầy giếng. Từ đó, vua Gia Long lệnh cho người dân Tam Hải thờ cúng cá Ông. Hiện nay, xã Tam Hải có 10.000 dân, nhưng họ chỉ sử dụng hai giếng nước do vua Gia Long đào để lại. Và cũng từ ngày ấy, cá Ông cứ luỵ vào đây ngày càng nhiều.
Chúng tôi về khu nghĩa địa cá Ông nằm khuất sau những đụn cát thấp sũng, ranh giới là những gốc dương già xương xẩu tựa hồ như những vệ thần. Nơi đây là chốn linh thiêng của làng chài Tam Hải. Trừ những lúc tổ chức lễ cầu ngư và cải táng cá Ông, hiếm khi người dân đặt chân đến đây. Ngoài hàng trăm ngôi mộ cá được cải táng, trong khuôn viên nghĩa địa còn có vài nấm mộ quá khổ nằm im lìm như những vạt đất hoang. Theo ông Toàn, đó là mộ của những “Ngài” khi luỵ vào bờ đã được nhân dân địa phương an táng ngay tại nghĩa địa. Mỗi ngôi mộ được đánh dấu bằng hai viên đá ong ở hai đầu.
Nghĩa địa cá Ông. Ảnh: Thanh Trà
Di sản của vùng quê biển
Ông Toàn kể: “Tự tay tôi đã “tẩm liệm” và cải táng cho hàng trăm cá Ông. Dân ở đây xem cá Ông như thần biển. Theo phong tục, mỗi khi ai đó phát hiện một cá Ông cá trôi dạt từ biển vào là phải “đi tay vải đội khăn điều” chịu tang trong ngày an táng”. Người dân vùng biển tin rằng, năm nào cá Ông dạt vào thì năm đó, vùng biển mưa thuận gió hoà, ngư dân ra khơi xa làm ăn thuận lợi, không có tai nạn biển và bị bão biển gây thiệt hại tài sản và người. Vì thế, cứ có cá Ông luỵ vào, người dân nơi này lại chôn cất rất trang nghiêm. Những năm trước giải phóng, nhiều cá Ông nặng hàng chục tấn liên tiếp luỵ vào bờ. Có năm, cá Ông dạt vào bờ, do thân hình quá to, nên đã bị mắc cạn. Người dân phải đan rọ tre bao lại hàng năm trời cho tiêu tan thịt cá Ông, sau đó, mới đem xương cá Ông vào nghĩa địa cải táng.
Trước đây, mỗi lần có cá Ông luỵ vào là mỗi lần ngư dân mở hội. Trong buổi lễ tiễn đưa, ngoài chiêng trống, không thể thiếu đội bả trạo và điệu hò đưa linh dập dìu như nhịp sóng khắc khoải lòng người. Theo ông Toàn, hiện nay, nghi thức an táng cá Ông không còn rình rang như trước nữa. Tuy nhiên, vào ngày 20 tháng giêng âm lịch hàng năm, lễ cầu ngư trên nghĩa địa cải táng cá Ông rất linh đình. Lễ cầu ngư được xem là ngày hội của làng, là di sản của làng chài này. Tuy nhiên, khi ra thăm nghĩa địa cá Ông, chúng tôi thấy, mặc dù nghĩa địa cá Ông là di tích cấp tỉnh Quảng Nam, nhưng hiện vẫn rất hoang vu.
PHẠM ANH – THANH TRÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét